Dấu ấn chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam

04/01/2022 08:49 AM


Với nền tảng ứng dụng CNTT, những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và trở thành một trong những Bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang có những bước tiến mãnh mẽ trong tiếp cận, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Công tác chuyển đổi số luôn được lãnh đạo BHXH Việt Nam quan tâm, chỉ đạo quyết liệt

Nền tảng vững chắc

Giai đoạn 2016-2020, Ngành BHXH Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ các hoạt động công tác của Ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp; đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

Trong 04 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến, được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành và xếp thứ nhất bảng xếp hạng chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc chính phủ. Với  phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, qua đó đã đạt một số kết quả nổi bật.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu dân tương ứng với gần 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc (là nền tảng hình thành CSDL quốc gia về bảo hiểm).

BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID - BHXH số (qua ứng dụng người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các dịch vụ về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại). Từ ngày 01/6/2021, BHXH Việt Nam đã triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 23 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số.

Bên cạnh hoàn thiện hệ thống CSDL và đẩy mạnh ứng dụng CNTT của Ngành, những năm qua BHXH Việt Nam cũng chú trọng đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành để không ngừng làm giàu, hoàn thiện. Hiện BHXH Việt Nam đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khải tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; liên thông dữ liệu với hơn 12 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc; bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; kết nối với 05 ngân hàng thương mại để thực hiện thanh toán thu, chi điện tử; nhất là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với CSDL quốc gia về dân cư, đã có 32 triệu công dân được xác thực...

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN để phục vụ hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa phương (lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vắc-xin, xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động...).

BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số (Ảnh minh hoạ)

Xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái 4.0

Với nền tảng ứng dụng CNTT, từ năm 2021, BHXH Việt Nam đã triển khai xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành; ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Xây dựng hệ thống các phần mềm, liên thông trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của Ngành; từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với 4 dịch vụ cơ bản (dịch vụ tin nhắn SMS; dịch vụ thanh toán trực tuyến; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời tự động bằng trí tuệ nhân tạo); Phân tích, khai thác dữ liệu lớn Bigdata…).

Với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, BHYT…

Xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của Ngành, góp phần xây dựng thành công Chính phủ số; thời gian tới, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng CNTT sẵn có, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn lực, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của Ngành với lộ trình theo từng phân kỳ, giai đoạn cụ thể; trong đó trọng tâm là hoàn thiện CSDL Quốc gia về bảo hiểm; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới (định danh trực tuyến - eKYC; liên kết tài khoản, ứng dụng ví điện tử để thanh toán, chi trả chế độ, chính sách…) để hoàn thiện "hệ sinh thái BHXH 4.0", với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT./.

PV