Kiểm soát và mua sắm thuốc hiệu quả: Kinh nghiệm từ Đan Mạch

24/11/2021 12:21 PM


Chiều 22/11, BHXH Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến Chia sẻ kinh nghiệm về cung ứng chiến lược và quy định giá thuốc của Đan Mạch, với sự chủ trì của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác chiến lược giữa BHXH Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam theo biên bản ghi nhớ (ngày 2/12/2020) đã được ký kết giữa hai bên về việc hợp tác trong lĩnh vực BHYT giai đoạn 2021-2022. Sau 2 hội thảo trực tuyến đã được thực hiện thành công (Hội thảo Giới thiệu về Hệ thống y tế tại Đan Mạch, phương thức thanh toán BHYT diễn ra ngày 26/1/2021; Hội thảo Quản lý hiệu quả chi phí bệnh đái tháo đường diễn ra ngày 6/11/2021), đây là hoạt động hợp tác tiếp nối, nhằm hỗ trợ thêm thông tin cho BHXH Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mikkel Lyndrup- Tham tán Y tế của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam khẳng định sự ủng hộ của Đan Mạch với Việt Nam trong các hoạt động đổi mới lĩnh vực y tế. Ông Mikkel Lyndrup bày tỏ hy vọng hội thảo lần này sẽ chia sẻ các thông tin hữu ích cho BHXH Việt Nam để quản lý việc sử dụng thuốc hiệu quả trong hoạt động KCB.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, hằng năm, quỹ BHYT chi khoảng hơn 40 nghìn tỷ đồng tiền thuốc BHYT. Trong khi nhu cầu được tiếp cận thuốc mới, thuốc hiệu quả trong điều trị bệnh tiếp tục gia tăng, "thách thức trước nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao nhưng nguồn lực tài chính quỹ BHYT có giới hạn, đặt ra sự cần thiết phải có các chiến lược mua sắm thuốc hiệu quả, bền vững", Phó Tổng giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.

Việt Nam đang trong quá trình cải cách các chiến lược mua sắm thuốc. Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho phép việc mua sắm thuốc theo một số hình thức mới như đàm phán giá, đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Riêng về đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã chính thức được triển khai tại Việt Nam từ năm 2017. Kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia sử dụng cho các năm 2018-2020 do BHXH Việt Nam tổ chức thí điểm cũng như do Bộ Y tế đấu thầu tập trung từ 2018 đến nay cho thấy phát huy hiệu quả thông qua mua sắm được thuốc chất lượng với mức giá tốt (giá giảm nhiều so với giá thuốc trước đây, nhiều thuốc giá giảm hơn 20%). Hiện nay, Việt Nam đang triển khai đàm phán giá thuốc với các thuốc biệt dược gốc và thuốc có ít số đăng ký cần thiết cho nhu cầu điều trị. Bắt đầu từ 4 thuốc biệt dược gốc được đàm phán giá cho nhu cầu 2019-2020, đến nay, trong năm 2021, đã mở rộng kế hoạch đàm phán giá cho gần 70 thuốc biệt dược gốc và 2 thuốc ARV.

"Mặc dù bước đầu các hình thức mua sắm mới phát huy hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên việc học hỏi, tìm kiếm các chiến lược mua săm hiệu quả, bền vững vẫn được đặt ra, và được xác định tầm quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả quỹ BHYT", Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của chuỗi hội thảo được tổ chức lần này, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam bày tỏ hy vọng, những chia sẻ của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về quá trình thực hiện chiến lược mua sắm thuốc đại Đan Mạch; kinh nghiệm về quy định giá thuốc tại Đan Mạch, sẽ mang lại cho BHXH Việt Nam những thông tin quý giá. Chúng ta sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về quá trình thực hiện chiến lược mua sắm thuốc và quy định về định giá thuốc tại Đan Mạch, để từ đó vận dụng, áp dụng tại Việt Nam một cách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi phí KCB.

Các đại biểu tham dự họp trực tuyến

Chia sẻ kinh nghiệm cung ứng thuốc cho các BV công tại Đan Mạch một cách hiệu quả, ông Flemming Sonne- Giám đốc điều hành của Amgros (một tổ chức mua sắm thuốc quốc gia cho các chính quyền vùng của Đan Mạch) cho biết: Tại Đan Mạch, sứ mệnh của các tổ chức này là nhằm đảm bảo rằng các bệnh viện công của Đan Mạch có đúng loại thuốc và thiết bị trợ thính với đúng giá, đúng nơi, đúng lúc và đúng chất lượng. Điều này được thực hiện bằng cách tổ chức và tiến hành các thủ tục đấu thầu và mua sắm cho các chủ sở hữu (các vùng của Đan Mạch). Hiện, 99% thuốc được sử dụng tại các bệnh viện công của Đan Mạch được mua qua Amgros. Qua đó, các khu vực đã tiết kiệm khoảng 6 tỷ DKK so với giá thuốc niêm yết (tức khoảng 40%).

Một trong những kinh nghiệm được chuyên gia này chia sẻ là "lập kế hoạch mua sắm theo vòng đời thuốc", theo đó kế hoạch đấu thầu, đàm phán sẽ phân chia theo các loại: Thuốc mới và độc quyền; Thuốc hết thời hạn bảo hộ và thuốc generics; Đảm bảo cung ứng thuốc cũ hơn... Lưu ý rằng các nhà cung cấp đang ngày càng mở rộng ra phạm vi toàn cầu, chuyên gia của Amgros nhấn mạnh: "Tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức như nhau, và các thị trường nhỏ ở cuối trong thứ tự cung ứng". Do đó, để có thể cung ứng thuốc hiệu quả cho các BV, cơ chế đấu thầu của Amgros luôn đảm bảo sự đa dạng trong nguồn cung...

Chuyên gia này cũng chia sẻ các kinh nghiệm của Đan Mạch về chiến lược trong đấu thầu dược phẩm, tìm kiếm và phát triển các nhà cung ứng mới tiềm năng, tối ưu hóa các thủ tục đấu thầu... cũng như sử dụng đánh giá của hội đồng dược để kiểm soát giá, với tham vọng là hội đồng dược Đan Mạch đảm bảo giá dược phẩm tốt hơn ở Đan Mạch.

Với mục tiêu cung cấp thêm kiến thức về cơ chế kiểm soát giá thuốc và chiến lược mua sắm dịch vụ y tế của Đan Mạch, hoạt động chia sẻ thông tin lần này được tổ chức theo hình thức chuỗi hội thảo với hai chuyên đề chính: Chia sẻ Kinh nghiệm về Quá trình thực hiện chiến lược mua sắm thuốc đại Đan Mạch (diễn ra chiều ngày 22/11/2021); Chia sẻ kinh nghiệm về Quy định giá thuốc tại Đan Mạch (diễn ra chiều ngày 23/11/2021).

PV