COVID-19

WHO: 115.000 nhân viên y tế tử vong vì Covid-19

26/05/2021 10:56 AM


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính ít nhất 115.000 nhân viên y tế đã tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới, kể từ khi đại dịch thế kỷ bùng phát vào cuối năm 2019.

Tại phiên khai mạc cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) ngày 24/5, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi sự hy sinh của lực lượng nhân viên y tế khắp toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.  

"Trong gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe trên thế giới đã đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết. Họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác… Nhiều người bị nhiễm virus, và trong khi báo cáo chưa được đầy đủ, chúng tôi ước tính ít nhất 115.000 nhân viên y tế và điều dưỡng đã qua đời khi chăm sóc cho những người khác", ông Tedros phát biểu.

Tổng giám đốc WHO nói rằng, kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhiều nhân viên y tế đã cảm thấy "thất vọng, bất lực và không được bảo vệ, không được tiếp cận đủ với các thiết bị bảo vệ cá nhân và vắc-xin".

Và họ không phải duy nhất. Ông Tedros mô tả sự bất bình đẳng tổng thể trong việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 là "tồi tệ", đồng thời cảnh báo thự tế này đang "khiến đại dịch kéo dài".

Đến nay, hơn 75% tổng lượng vắc-xin ngừa Covid-19 dồn vào chỉ 10 quốc gia.

Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)

"Số liều vắc-xin được tiêm trên toàn cầu tính đến thời điểm này là đủ để cung cấp cho tất cả các nhân viên y tế và người lớn tuổi nếu được phân phối công bằng. Không có con đường ngoại giao vắc-xin nào để mà nói rằng: Nhóm nhỏ các nước sản xuất và mua phần lớn vắc-xin đang kiểm soát số phận phần còn lại của thế giới", nhà lãnh đạo WHO bình luận.

Ông kêu gọi các nước dữ trữ nhiều vắc-xin hãy chia sẻ và hợp tác nhiều hơn nữa để gia tăng sản xuất cũng như phân phối vắc-xin.

WHO dẫn đầu Sáng kiến chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX nhưng chương trình này đang thiếu hụt nghiêm trọng, đối mặt với tình trạng không đủ nguồn cung đáng kể, khiến cho nỗ lực triển khai tiêm chủng ở các quốc gia nghèo bị trì hoãn.

"Chúng tôi đã vận chuyển từng liều một trong số 72 triệu liều nhận được đến thời điểm này cho 125 quốc gia và nền kinh tế", Tổng giám đốc WHO cho biết. Ông cảnh báo con số này chỉ đủ tiêm cho 1% tổng dân số ở những quốc gia đó cộng lại, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu khẩn thiết phải cải thiện sự bất cân bằng này.

"Hôm nay, tôi kêu gọi các nước thành viên ủng hộ một cuộc thúc đẩy lớn để tiêm ngừa cho ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia vào tháng 9", ông Tedros nói và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 30% vào cuối năm nay. 

PV