Bám sát "cơ sở" trong vận động tham gia BHXH tự nguyện

03/11/2020 09:44 AM


Năm 2020, BHXH huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đã giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện từ 30 - 40 người cho từng viên chức tùy theo từng vị trí phụ trách. Để hoàn thành chỉ tiêu này đòi hỏi các viên chức cần bám sát “cơ sở”, hiểu rõ hoàn cảnh từng người dân trong tuyên truyền, vận động.

Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về tình hình tham gia BHXH tự nguyện của người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), bà Nguyễn Thị Lân - Giám đốc BHXH huyện "nằm lòng" tất cả tình hình người dân trên địa bàn. Bà cầm điện thoại cá nhân gọi điện thoại cho từng người dân đã tham gia BHXH tự nguyện trong xã và những người đang thuộc diện “tiềm năng” để vận động.

Bà Lân cho biết, bà nắm rõ điện thoại, công việc, thu nhập của người dân ở vùng này. Nhờ đó, bà kịp thời gặp gỡ và vận động những người có khả năng tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Nguyễn Thị Lân nói chuyện với người dân trên địa bàn về chính sách BHXH tự nguyện

Tới nhà anh Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1986, thôn 11, xã Hạ Long), bà Dương đã hỏi han về công việc làm ăn của anh một cách vui vẻ, thân thiết. Anh Dương là một trong những người mới được bà vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Anh Dương chia sẻ, trước đây, anh đã đi làm một số nơi và có tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, gần đây anh thôi việc, về quê sinh sống, cùng vợ mở cửa hàng thức ăn gia súc, làm bác sĩ thú y tại nhà. Lúc đầu, anh định nhận BHXH 1 lần cho hơn 6 năm tham gia BHXH bắt buộc trước đó. Tuy nhiên, khi đến BHXH huyện để làm thủ tục, anh được bà Lân tuyên truyền, giải thích về việc không nên hưởng BHXH 1 lần và vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Qua đó, anh đã biết và hiểu hơn về chính sách BHXH tự nguyện và vui mừng tham gia. Sau đó, anh còn vận động tham gia cho cả vợ. Hiện, 2 anh chị đang đóng BHXH tự nguyện mức 1.040.000 đồng/người/tháng.

"Tôi nghĩ đây là của để dành cho cả hai vợ chồng khi về già. Lúc đó mình mất sức lao động nhưng vẫn có lương hưu, hơn nữa lại có thẻ BHYT miễn phí. Như vậy, kể cả sức khỏe và sinh hoạt của mình đều có sự đảm bảo", anh Dương cho biết.

Rời nhà anh Dương, bà Lân lại ghé vào 1 quán tạp hóa nhỏ, chào hỏi một người quen. Bà Lân chia sẻ, hai vợ chồng chủ cửa hàng kinh tế còn khó khăn nhưng cũng đã tham gia BHXH tự nguyện ở mức thấp nhất.

Đi thêm một đoạn, thấy chị Phạm Thị Quỳnh (sinh năm 1979, trú tại thôn 9, xã Hạ Long) đang mổ cá bán cho khách, bà Lân dừng xe để nói chuyện. Thấy bà Lân, chị Quỳnh xởi lởi chào hỏi và hứa hẹn sẽ sớm tham gia BHXH tự nguyện. "Hàng ngày, em lấy cá từ thuyền lên bán, kinh tế gia đình cũng còn khó khăn. Tuy nhiên, được cán bộ BHXH tuyên truyền, em thấy BHXH tự nguyện rất tốt để tích lũy, lo cho tương lai. Do đó, em đang cân nhắc để tham gia mức nào để hợp lý nhất, đảm bảo tiết kiệm mà không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình", chị Quỳnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lân đang vận động một tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện

Suốt cả quãng đường dài, người dân nào thấy bà Lân cũng chào hỏi thân thiện. Bà Lân chia sẻ, nhà bà gần đây nên sẵn tình làng nghĩa xóm, mọi người đều quen biết, quan tâm lẫn nhau. Nhờ đó, bà mới kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người dân để vận động hiệu quả hơn. Nhắc tới đối tượng nào, bà Lân đều "thuộc".

Đó cũng là cách làm, kinh nghiệm mà cán bộ BHXH huyện Vân Đồn đang thực hiện trong phát triển BHXH tự nguyện, mang lại hiệu quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2020, BHXH huyện Vân Đồn đã phát triển mới được 408 người tham gia, nâng tổng số người tham gia trên địa bàn lên 825 người, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới do cán bộ BHXH huyện phát triển là 287 người, đạt 118% kế hoạch Giám đốc BHXH huyện Vân Đồn giao cho cán bộ, viên chức trong đơn vị./.

PV