BHXH Việt Nam: Triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính “đột phá” trong phát triển BHXH, BHYT

07/10/2020 11:14 AM


Năm 2020 được coi là năm bản lề trong thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT của Ngành BHXH theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương đã đề ra. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ngành BHXH đang gặp không ít khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Để tăng tốc, hoàn thành những chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong những tháng cuối năm 2020, BHXH Việt Nam cần tích cực triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính “đột phá”. Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với ông Đinh Duy Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) về vấn đề này.

Ông Đinh Duy Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ (BHXH Việt Nam)

PV: Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội của nước ta. Đối với Ngành BHXH, ông cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN?

Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ Đinh Duy Hùng: Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu và nước ta từ việc giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch; tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu… Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp hoạt động của Ngành BHXH cũng đã bị ảnh hưởng lớn trong phát triển người tham gia BHXH bắt buộc; BHYT nhóm người lao động, người sử dụng lao động với sự sụt giảm, chững lại trong những tháng đầu năm.

Đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, qua tổng hợp số liệu từ BHXH các địa phương, tính đến tháng 4 năm 2020, cơ bản có sự gia tăng rất ít, do phải thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách, cách ly xã hội. Từ tháng 5 đến nay, mới bắt đầu tăng nhanh trở lại, mỗi tháng tăng bình quân trên 40 ngàn người, thậm chí có tháng tăng gần 70 ngàn người do giai đoạn này, Việt Nam cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã đôn đốc BHXH địa phương, Đại lý thu tăng cường truyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung cao độ tuyên truyền trực tiếp và hội nghị khách hàng. Đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng giống BHXH tự nguyện chỉ tăng nhanh trở lại kể từ tháng 5 năm 2020.

PV: Có thể thấy, những tác động của dịch Covid-19 là rất lớn. Trong bối cảnh đó, 9 tháng năm 2020, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN của Ngành BHXH đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ Đinh Duy Hùng: Như trên đã nói, bắt đầu từ tháng 5 năm 2020, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN của Ngành BHXH đã bắt đầu tăng trở lại. Do đó, tính đến hết tháng 9 năm 2020, toàn quốc số người tham gia BHXH bắt buộc đạt gần 14,650 triệu người, BHYT đạt trên 86,421 triệu người, tăng 750 ngàn người so với năm 2019, tỷ lệ bao phủ đạt 89,5% dân số. Riêng BHXH tự nguyện đến hết tháng 4 chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt trên 786 ngàn người, tăng 261 ngàn người so với năm 2019.

PV: Ông so sánh, đánh giá thế nào về những kết quả trên với những chỉ tiêu, kế hoạch Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và Ngành BHXH đặt ra trong năm 2020; đặc biệt so với những mục tiêu trong các Nghị quyết của Đảng về công tác BHXH, BHYT?

Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ Đinh Duy Hùng: Theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị Quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu bao phủ BHYT đến năm 2020 đạt 90% dân số, đối với BHXH đến năm 2021 đạt 35% lực lượng lao động, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động.

Với kết quả dự kiến đạt được đến hết năm 2020, toàn quốc số người tham gia BHYT sẽ đạt khoảng 87,782 triệu người, đạt 90% dân số, số người tham gia BHXH đạt khoảng 16 triệu người đạt khoảng 32,65% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, trong đó BHXH tự nguyện đạt khoảng 2% lực lượng lao động.

Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ tiêu bao phủ BHYT mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra BHXH Việt Nam sẽ cố gắng, nỗ lực để hoàn thành trong năm 2020 là 90% dân số.

Đối với BHXH tự nguyện thì đến nay đã hoàn thành mục tiêu theo lộ trình mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đề ra là đến năm 2021 có khoảng 1% lực lượng lao động. Riêng đối với BHXH bắt buộc phụ thuộc lớn vào tình hình, diễn biến dịch bệnh covid-19 thời gian tới, phụ thuộc vào việc khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ cấu lao động, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa (May mặc, giầy da xuất khẩu) và du lịch (du lịch quốc tế, hành khách nước ngoài vào du lịch tại Việt Nam), nhà hàng, nên rất khó để dự báo số liệu cụ thể đến hết năm 2020.

PV: Để hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, theo ông  những tháng cuối năm 2020, toàn Ngành BHXH cần triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào? Trong đó, giải pháp nào mang tính “đột phá”, cần tập trung, quyết liệt thực hiện?

Phó trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ thẻ Đinh Duy Hùng: Có thể thấy, do đại dịch Covid-19, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT nhóm người lao động và người sử dụng lao động từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để hoàn thành các Chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và các đồng chí Lãnh đạo Ngành đã hết sức quan tâm bám sát, chỉ đạo quyết liệt BHXH các địa phương thực hiện với một số nội dung sau:

Đối với khai thác phát triển nhóm ngưởi lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT: Tập trung rà soát khai thác triệt để đối với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng chưa tham gia, hoặc chưa tham gia đầy đủ BHXH bắt buộc, BHYT cho người lao động thông qua dữ liệu cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký kinh doanh cung cấp, từ việc phải xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng tháng, phân công nhiệm vụ đến từng viên chức, lãnh đạo BHXH địa phương phụ trách để thực hiện các nhiệm vụ: gửi thông báo đôn đốc, tổ chức làm việc với doanh nghiệp, hoặc tiến hành Thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đăng ký đóng cho người lao động, đảm bảo trước ngày 20/12/2020 phải khai thác cơ bản, tối đa các doanh nghiệp có sử dụng lao động nhưng chưa tham gia, hoặc chưa tham gia đầy đủ BHXH bắt buộc, BHYT cho người lao động.

Tập trung truyền thông, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng trong phát triển BHXH, BHYT (Ảnh minh họa)

Đối với việc phát triển, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch BHXH tự nguyện: xây dựng, điều chỉnh kế hoạch đã xây dựng từ đầu năm theo từng tuần, tháng từ nay đến cuối năm, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bao gồm cả chỉ tiêu phấn đấu bổ sung, đến từng công chức, viên chức, lao động hợp đồng của cơ quan BHXH, từng đại lý thu, nhân viên đại lý thu để xây dựng chi tiết nhiệm vụ về tổ chức tuyên truyền, vận động trực tiếp, tổ chức mở hội nghị khách hàng; phối hợp rà soát, lập danh sách người chưa tham gia BHXH tự nguyện, tập trung ưu tiên tuyên truyền, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố, hội viên, thành viên các hội, đoàn thể, quần chúng, nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc,…

Về khai thác và phát triển người chỉ tham gia BHYT: Nắm bắt số lượng người đang tham gia BHYT, chú trọng đối tượng thuộc diện cận nghèo thoát nghèo, người dân tại các xã nông thôn mới; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHYT; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự hỗ trợ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp để mua BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Về công tác quản lý tiền thu và giảm nợ: Phân công lãnh đạo, cán bộ xây dựng kế hoạch hằng tuần, hằng tháng nắm bắt hoạt động của đơn vị; hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị triển khai tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ và BHXH Việt Nam; đồng thời đôn đốc đơn vị hằng tháng nộp đầy đủ số tiền phải đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHTN, quỹ BHYT và số tiền phải đóng khi hết thời hạn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hằng tháng về thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN năm 2020; Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động; Thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý kịp thời đối với đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PV (thực hiện)