Kế thừa, phát huy giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

01/09/2020 10:34 AM


Cách đây 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta.

Trang sử hào hùng

Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mà còn là sự kiện mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; nguồn cổ vũ, động viên, truyền cảm hứng đối với các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam.

Chiều ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, lịch sử dân tộc mở sang trang mới-trang sử hào hùng của một dân tộc đi tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đó cũng là bước ngoặt lịch sử chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến ở nước ta và là đòn tiến công mạnh mẽ giáng vào chủ nghĩa thực dân cũ, tạo làn sóng cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên phạm vi toàn thế giới.

Tinh thần quật khởi, giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 luôn là nguồn sức mạnh to lớn giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta anh dũng, kiên cường chống các thế lực ngoại xâm, lập nên những chiến công hiển hách, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước... Giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 mãi mãi là di sản tinh thần to lớn, nguồn động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị phát huy nội lực, tự lực, tự cường thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội phát triển; dân chủ được phát huy và ngày càng mở rộng, đất nước ngày càng phồn thịnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Kế thừa, phát huy

Theo dòng lịch sử cách mạng, cội nguồn chính sách và các tổ chức tiền thân của BHXH Việt Nam ở nước ta đã hình thành từ rất sớm, song hành và phục vụ đắc lực yêu cầu của các cuộc kháng chiến vĩ đại, giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, mặc dù với một nền tài chính hết sức eo hẹp, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nhưng ngày 03/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 54-SL ấn định các điều kiện cho công chức về hưu trí. Sau đó, trên cơ sở Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ đã ban hành một loạt các sắc lệnh quy định về các chế độ trợ cấp ốm đau, tai nạn, hưu trí cho công nhân viên chức Nhà nước (Sắc lệnh 29/SL ngày 12/3/1947; Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 và Sắc lệnh 77/SL ngày 22/5/1950). Cơ sở pháp lý tiếp theo của BHXH được thể hiện trong Hiến pháp năm 1959. Hiến pháp năm 1959 của nước ta đã thừa nhận công nhân viên chức có quyền được trợ cấp BHXH. Quyền này được cụ thể hóa trong Điều lệ tạm thời về BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 và Điều lệ đãi ngộ quân nhân ban hành kèm theo Nghị định 161/CP ngày 30/10/1964 của Chính phủ. Đây có thể coi là hai văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam quy định về chính sách BHXH. Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, chính sách BHXH nước ta đã góp phần ổn định về mặt thu nhập, ổn định cuộc sống cho công nhân viên chức, quân nhân và gia đình họ, góp phần rất lớn trong việc động viên sức người sức của cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược thống nhất đất nước.

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành cải cách kinh tế và chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, sự thay đổi mới về cơ chế kinh tế đòi hỏi có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội nói chung và chính sách BHXH nói riêng. Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ: “Nhà nước thực hiện chế độ BHXH đối với công chức nhà nước và người làm công ăn lương, khuyến khích phát triển các hình thức BHXH khác đối với người lao động”. Trong văn kiện Đại hội VII của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã chỉ rõ, cần đổi mới chính sách BHXH theo hướng mọi người lao động và các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần kinh tế đều có nghĩa vụ đóng góp BHXH, thống nhất tách quỹ BHXH ra khỏi ngân sách. Tiếp đến Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII cũng đã nêu: “Mở rộng chế độ BHXH đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế”. Các Đại hội tiếp theo của Đảng cũng đều đề cập đến vấn đề BHXH và đã đưa các nội dung về an sinh xã hội vào trong các nghị quyết của Đảng.

Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, đồng thời xác định những định những định hướng mới mang tầm chiến lược: “BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội…”. Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu: “Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế…”. Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống BHXH, BHYT nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam

Ngành BHXH Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 1995, đến nay đã tròn 25 năm, vinh dự được Đảng và Nhà nước giao trọng trách tổ chức thực hiện những chính sách trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Qua 25 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của tập thể công chức, viên chức toàn ngành BHXH qua nhiều thế hệ, ngành BHXH đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tính đến năm 2019, toàn quốc có 15,77 triệu người tham gia BHXH (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 12,9 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2019 là 574 nghìn người; riêng trong năm 2019 đã phát triển mới trên 300 nghìn người, bằng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện từ kể từ năm 2008-2018. Số người tham gia BHTN là 13,429 triệu người (chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 85,945 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Từ năm 1995 đến hết năm 2019, toàn Ngành đã giải quyết trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người); từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BHTN (bình quân mỗi năm trên 689 nghìn người). Trong thời gian từ năm 2003 đến 2019, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi cho trên 1.924 triệu lượt người KCB BHYT; bình quân mỗi năm trên 113,2 triệu lượt người…

Đây là những nền tảng quan trọng, để Ngành BHXH tiếp tục có sự phát triển tốt hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, Ngành BHXH cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT mặc dù có sự phát triển toàn diện những năm qua nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, cần tiếp tục được hoàn thiện; số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng; không ít người lao động vẫn lựa chọn nhận BHXH 1 lần; tính tuân thủ luật pháp BHXH, BHYT ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự cao… Đứng trước bối cảnh đó, phát huy giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945, thời gian tới, toàn Ngành BHXH xác định triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

1. Tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW; Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 125/NQ-CP (theo các lộ trình đến năm 2020, 2021, 2025, 2030).

2. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; phát triển ngành BHXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.

3. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT; tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng.

4. Đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành; kịp thời phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về BHXH, BHYT; các hành vi gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.

6. Tiếp tục tăng cường các biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện công khai các thủ tục hành chính với người dân, cơ quan, đơn vị; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia.

7. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; thường xuyên nâng cấp các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ.

9. Thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân; đoàn kết xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Kỷ niệm trọng thể 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nhận thức sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại và những bài học thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngành BHXH tự hào về những thành tựu to lớn, những chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong suốt 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tự hào về đất nước và dân tộc Việt Nam anh hùng, càng tăng thêm nghị lực, niềm tin để Ngành phấn đấu, nỗ lực hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang trong giai đoạn cách mạng mới./.

PV (tổng hợp)