Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam giám sát tại Bình Phước và Tây Ninh

10/07/2019 08:44 AM


Trong 2 ngày (8-9/7), Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp làm Trưởng đoàn đã giám sát tại 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tham gia Đoàn giám sát còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, cùng đại diện một số đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Tại tỉnh Bình Phước, báo cáo Đoàn giám sát, ông Mai Văn Tiến - Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước cho biết: Những năm qua, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hằng năm. Cụ thể, tổng số tham gia BHXH năm 2016 là 707.878 người, tăng 8,34% so năm 2015; tổng số tiền thu được 1.984,369 tỷ đồng, đạt 102,66% dự toán giao. Năm 2017 có 781.874 người, tăng 10,45% so năm 2016; số tiền thu là 2.263,341 tỷ đồng, đạt 104,46% dự toán. Năm 2018 là 813.008 người, tăng 3,9% so năm 2017; tiền thu là 2.614,779 tỷ đồng, đạt 101,47%. Đến ngày 31/5/2019, tổng số người tham gia là 824.980, tăng 6,18% so cùng kỳ năm 2018 với số tiền thu là 1.052,356 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán.

Đoàn Giám sát làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Đáng ghi nhận là nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm tại tỉnh Bình Phước giảm dần. Cụ thể, năm 2016 tiền nợ cả 3 loại bảo hiểm chiếm 1,5% kế hoạch thu; năm 2017 chiếm 1,44%; năm 2018 chỉ chiếm 1,1% số phải thu... Bên cạnh đó, tỷ lệ bội chi quỹ KCB BHYT cũng được cân đối qua từng năm: Nếu năm 2017, quỹ BHYT “âm” hơn 121 tỷ đồng thì năm 2019 con số này ước chi chỉ vượt 45 tỷ đồng...

Sau khi nghe ý kiến các sở, ngành và thành viên trong đoàn, ông Doãn Mậu Diệp đánh giá: Bình Phước đã chú trọng công tác phát triển BHXH cho nhiều đối tượng thụ hưởng. Việc giải quyết chế độ cho đối tượng thụ hưởng đã từng bước kịp thời. Công tác KCB BHYT có những tiến bộ đáng kể, nhất là các thủ tục hành chính, hồ sơ..., công tác phối hợp chi trả giữa BHXH với bưu điện được thực hiện tốt.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng ghi nhận Bình Phước là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác thu nợ. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với các cấp chính quyền trong tỉnh rất gắn kết. Bằng chứng là sau khi BHXH tỉnh Bình Phước chuyển 33 đơn vị cho LĐLĐ tỉnh Bình Phước khởi kiện thì có đến 70% doanh nghiệp đã truy nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ; chuyển 04 đơn vị qua cơ quan Công an tỉnh, thì có 3/4 DN đã truy nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Đào Việt Ánh, tỉnh Bình Phước vẫn còn DN trốn nợ, chậm đóng BHXH, phải có biện pháp truy thu đúng quy định; số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT tuy giảm nhưng vẫn xảy ra...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Phước - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Tiến Dũng tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và cho biết, trong thời gian tới tỉnh Bình Phước tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý BHXH, tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc. Đồng thời kiến nghị nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện; xây dựng chính sách BHXH tự nguyện linh hoạt hơn để thu hút người dân tham gia loại hình này.

Đoàn Giám sát làm việc tại tỉnh Tây Ninh.

Tại tỉnh Tây Ninh, báo cáo Đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Huấn - Giám đốc BHXH tỉnh Tây Ninh cho biết, công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Tây Ninh có nhiều khả quan: Nếu năm 2018, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện là 202.409 người (đạt 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn), trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện là 1.847 người; tỷ lệ bao phủ phủ BHYT là 81,3% dân số, thì đến hết tháng 5/2019, toàn tỉnh đã có 202.666 người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, trong đó có 2.328 người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHYT là 921.952 người; tăng 6.278 người so với cuối năm 2018 (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 82%).

BHXH tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm. Do vậy năm 2018 số thu của BHXH tỉnh Tây Ninh đã vượt 0,8%, tăng 13,66% so với năm 2017; tỷ lệ nợ giảm còn 1,22% (gần 47 tỷ đồng) số phải thu. Và ước 6 tháng đầu năm 2019 số thu tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 45,04% kế hoạch thu. Bên cạnh đó, công tác quản lý quỹ KCB BHYT cũng được thực hiện khá đồng bộ. Vì vậy, từ việc “âm quỹ” KCB BHYT trên 100 tỷ đồng vào năm 2018, thì 6 tháng đầu năm 2019 giảm xuống còn gần 10 tỷ đồng...

Những tồn tại cần khắc phục

Tại Bình Phước, các thành viên trong Đoàn giám sát nhận thấy việc điều trị nội trú tại BV Đa khoa tỉnh Tây Ninh rất cao (gấp đôi so với bình quân chung cả nước). Số tiền chi cho việc xét nghiệm của các cơ sở KCB tại tỉnh Bình Phước cũng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, việc chi tiền thuốc KCB BHYT tại các cơ sở KCB ở tỉnh Bình Phước chiếm tới 50% số tiền quyết toán KCB BHYT (trong khi cả nước con số này chỉ có 35%). Bên cạnh đó, một số cơ sở KCB ở tỉnh Bình Phước cũng gia tăng chi phí KCB BHYT “bất thường”, như BV Đa khoa Hoàn Mỹ, Trung tâm y tế huyện Bù Đốp, một số trạm y tế xã của huyện Phú Riềng... (tăng 70% so với cùng kỳ 2018), trong đó chủ yếu là tiền thuốc.

Cụ thể bình quân toàn quốc chi cho thuốc điều trị chỉ khoảng 74.000 đồng/lượt KCB, thì ở tỉnh Bình Phước bình quân là 107.000 đồng. Cá biệt có một loạt trạm y tế xã chi tiền thuốc tới 180.000/lượt KCB. Tỷ lệ đa tuyến đi cũng tương đối cao, chiếm 30% tổng số chi (khoảng 300 tỷ đồng, năm 2018). Đặc biệt, tỷ lệ chi đa tuyến đi ở tỉnh Tây Ninh qua các năm chiếm tới hơn 50% số chi. Theo ông Doãn Mậu Diệp, điều này chứng tỏ việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cơ sở y tế ở 2 địa phương là không tương xứng.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn dù tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có giảm nhưng tại Bình Phước vẫn còn nhiều đơn vị, DN trốn đóng BHXH.

Còn tại tỉnh Tây Ninh, theo thống kê 5 tháng đầu năm 2019 vẫn còn gần 130 tỷ đồng nợ BHXH. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có tới 229 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 3 tháng trở lên; có 14 DN ngừng hoạt động với số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là gần 3 tỷ đồng. Tính đến nay có tới 975 đơn vị DN chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, đây hành vi chiếm dụng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ một cách trắng trợn. Vì vậy, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Đoàn giám sát cần kiến nghị Chính phủ có biện pháp mạnh hơn nữa để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Đồng thời, trong thời gian tới UBND sẽ chỉ đạo quyết liệt các cấp ban ngành vào cuộc xử lý nghiêm vấn đề này, nhất là đối với DN cố tình không truy nộp, không tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, ngoài việc thực hiện nghiêm các chế tài mà các cơ quan chức năng đã ban hành, thì việc giám sát chặt chẽ việc báo tăng, báo giảm số lao động tại các đơn vị, DN là biện pháp hữu hiệu để quản lý thu, chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vì vậy, các đơn vị BHXH cần lưu ý vấn đề này. Bên cạnh đó các đơn vị BHXH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp để NLĐ thấy rằng việc nhận BHXH là một thiệt thòi rất lớn khi về già.

Sau 2 ngày giám sát tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nhìn chung việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả. Sự chỉ đạo của các cấp chính quyền ở 02 địa phương kịp thời, gắn kết với các sở, ban, ngành. Qua giám sát, Đoàn đã nắm bắt được thực tế triển khai chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các địa phương từ đó có những giải pháp, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong các kỳ họp sắp tới./.

Theo Báo BHXH