Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT

23/04/2019 12:17 PM


BHXH Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT”tại Kiên Giang. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện BHXH 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đại diện các đơn vị chức năng thuộc BHXH Việt Nam; các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Theo báo cáo của Ban Thu (BHXH Việt Nam), cả nước hiện còn hơn 300.000 đơn vị chưa tham gia BHXH bắt buộc, với số người lao động và cá nhân có thu nhập là hơn 4 triệu người. Riêng khu vực ĐBSCL còn hơn 27.000 đơn vị chưa tham gia BHXH bắt buộc. Cũng theo Ban Thu, trong quý I/2019, số người tham gia BHXH tự nguyện trong cả nước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018; riêng khu vực ĐBSCL tăng đến 18,8%. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít tỉnh trong khu vực ĐBSCL chưa đạt kết quả cao về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Hải Đạt - chuyên gia ASXH thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, Thái Lan là quốc gia có nhiều nét tương đồng về kinh tế - xã hội với Việt Nam, nhưng đến nay quốc gia này đã bao phủ toàn dân về lương hưu xã hội cho mọi công dân trên 60 tuổi. Tại Trung Quốc, lương hưu cho người già khu vực nông thôn và thành thị với 2 tầng (lương hưu cơ bản chi trả bởi thuế và bởi tài khoản tiết kiệm cá nhân) với mức độ bao phủ thực tế đạt 77% vào năm 2014.

Kết quả khảo sát của ILO cho thấy, nếu các doanh nghiệp tăng độ che phủ ASXH thêm 10%, thì sẽ tăng doanh thu từ 5,2% đến 5,9%. Đồng thời, mức tăng doanh thu cũng tỉ lệ thuận với thời gian tồn tại của DN. Đặc biệt, lợi ích từ đầu tư cho ASXH đối với doanh nghiệp đã được lượng hóa chi tiết, không như “nếp nghĩ” thường thấy là “ASXH khiến DN nặng gánh chi phí”...

Để mở rộng diện bao phủ ASXH, ông Đạt cho rằng, Việt Nam cần lưu ý 6 vấn đề: Mở rộng gắn với tiến trình chính thức hóa BHXH tự nguyện; kết hợp giữa phát triển BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc; tiếp cận mới trong việc mở rộng đối tượng tham gia; cải thiện tính tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh truyền thông; xác định lợi ích từ đầu tư cho ASXH.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, đại diện một số tỉnh như Kiên Giang, Long An, Tiền Giang,… đều đề cao công tác phối hợp với cơ quan Thuế và các sở, ngành khác trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, vai trò của đại lý thu, ngành Bưu điện.

Đánh giá cao kinh nghiệm của các địa phương, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, phát triển đối tượng là công tác trọng tâm của ngành BHXH và đề nghị các địa phương chủ động phối hợp để triển khai thực hiện. Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL phải thay đổi cách nghĩ, đã đến lúc phải xem “bộ phận khai thác và thanh tra là xương sống”; từ đó nhanh chóng kiện toàn nhân sự hai bộ phận này theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, sắp tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tương tự tại các khu vực khác, nhằm gia tăng hiệu quả phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ BHXH, BHYT./.

PV (t/h)