Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả BHXH, BHYT, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân

02/02/2019 10:00 AM


Năm 2018, cùng với các Bộ, ngành trong cả nước, BHXH Việt Nam đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp, thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

PV: Với vai trò là cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHXH, BHYT, Phó Chủ nhiệm có những đánh giá gì về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH trong năm vừa qua?

Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Có thể nói, năm 2018 tiếp tục ghi được nhiều dấu ấn quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là BHXH, BHYT. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, nhất là thuận lợi từ thành quả đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới khu vực và trong nước. Song, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phấn đấu nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân ta, nhìn lại năm 2018, chúng ta đã tiếp tục tận dụng được những thời cơ, thuận lợi; khắc phục những khó khăn thách thức, đạt được những thành tựu toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng…; vai trò, vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng lên trên trường quốc tế.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Chúng ta đã thực hiện tốt chính sách người có công; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá kết quả giảm nghèo của chúng ta là “thành công ở tầm thế giới”. Đã tạo việc làm cho 1,65 triệu lượt người; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 3,1%. Công tác y tế, dân số được đẩy mạnh. Trên thế giới, không nhiều quốc gia ở cùng mức độ phát triển mà hơn 88% dân số tham gia BHYT và đạt trên 26,5 giường bệnh/vạn dân như Việt Nam.

Đặc biệt, đóng vai trò là trụ cột của An sinh xã hội, chính sách BHXH, BHYT tiếp tục được tổ chức thực hiện hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong năm 2018, đã có thêm hơn 99.000 người được hưởng lương hưu hàng tháng. Tổng số người đang hưởng hưu trí, BHXH hàng tháng là khoảng 3,1 triệu người. Trong năm 2018, có gần 10 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; trên 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; trên 177 triệu lượt khám, chữa bệnh được thanh toán BHYT với tổng chi từ Quỹ BHXH, BHYT là trên 300 ngàn tỷ đồng.            

Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Tính đến năm 2018, tổng số người tham gia BHXH là 14,7 triệu người, đạt 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tham gia BHYT hiện đạt 88,5% dân số, tương ứng trên 83,5 triệu người; tỷ lệ bao phủ BHYT vượt chỉ tiêu kế hoạch và tăng hơn 20% so với cách đây 05 năm; trong đó, số tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất có bước tăng trưởng đáng kể liên tục trong khoảng 10 năm trở lại đây, từ tỷ lệ 3,67% dân số năm 2008 hiện đạt khoảng 17% dân số, tương ứng trên 17 triệu người.

Tổng thu BHXH, BHYT năm 2018, lần đầu tiên đạt mốc trên 322.000 tỷ - con số kỷ lục. So với thời điểm bắt đầu thực hiện Luật BHXH, năm 2007, số thu BHXH mới chỉ khoảng 16.000 tỷ đồng, sau hơn 10 năm, tăng lên con số rất cao, riêng thu BHXH là trên 220.000 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi (người giữa) tham gia Tọa đàm Cải cách chính sách BHXH hướng tới BHXH toàn dân.

PV: Trong thời gian qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách BHXH ở một số địa phương và doanh nghiệp. Qua đó, Phó Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về công tác phục vụ nhân dân của ngành BHXH?

Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Với đối tượng phục vụ là toàn dân, năm 2018, BHXH Việt Nam đã cụ thể hóa phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” phù hợp với triển khai nhiệm vụ của Ngành thông qua việc xác định mục tiêu: Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ đề trọng tâm và xuyên suốt, toàn Ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT.

Trên thực tế, qua giám sát, tôi nhận thấy khối lượng công việc mà toàn ngành BHXH cũng như từng CBCVC của Ngành phải đảm trách hết sức nặng nề. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều cán bộ, viên chức BHXH làm việc không có giờ nghỉ, ngày nghỉ. Cường độ và hiệu suất công việc của cán bộ ngành BHXH thực sự quá lớn và quá nhiều. Cũng chính từ áp lực này, Ngành đã có những quyết tâm rất lớn trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa quản lý BHXH, BHYT.

Trong những năm qua, BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác rà soát, đơn giản hóa và cắt giảm TTHC trong các lĩnh vực của ngành. Nếu năm 2011, số TTHC của ngành là 263 thủ tục, thì đến nay chỉ còn 28 thủ tục. Cùng với đó, nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...

Việc cập nhật, công bố, công khai TTHC cũng được Ngành BHXH thực hiện theo đúng quy định, dưới nhiều hình thức: Niêm yết công khai tại trụ sở BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện; thực hiện công bố công khai danh mục các TTHC trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, Trang tin điện tử của BHXH các tỉnh. Đồng thời, cập nhật lên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận, thuận tiện khi cần giải quyết công việc.

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: tiếp nhận trực tiếp qua bộ phận "Một cửa" tại trụ sở cơ quan BHXH; giao dịch điện tử 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần và qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí). Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính cho toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

BHXH Việt Nam đạt nhiều kết quả trong thực hiện chính sách BHYT.

PV: Cũng thông qua quá trình giám sát, việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT còn gặp phải những khó khăn nào thưa Phó Chủ nhiệm?

Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Qua quá trình giám sát, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách TTHC, rút ngắn quy trình nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN, người lao động (NLĐ) và người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt, được DN, người dân ghi nhận. Tuy nhiên, qua giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho thấy công tác tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, có thể kể đến như:

Thứ nhất, việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ theo quy định pháp luật của các cơ quan chức năng còn chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến cơ quan BHXH lúng túng trong tổ chức thực hiện, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng, nhất là NLĐ làm việc tại các DN đang nợ tiền đóng BHXH, DN đang trong quá trình làm thủ tục phá sản, giải thể hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn.

Thứ hai, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, dẫn đến việc phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể còn chưa chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa phối hợp tốt với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng trong việc chuyển tiền đóng BHYT cho các đối tượng được NSNN đóng, hỗ trợ đóng.

Thứ ba, việc thực hiện các mục tiêu phát triển đối tượng đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra (có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp) còn hết sức khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, nguyên nhân chính là do tình trạng một số doanh nghiệp cố tình trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động bằng việc không thực hiện khai báo lao động hoặc không khai báo đầy đủ; một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản hoặc dừng hoạt động, bên cạnh đó số người hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng làm giảm tỷ lệ bao phủ BHXH.

Thứ tư, việc tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại các doanh nghiệp đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quy trình, quy định xử lý kết luận sau thanh tra, kiểm tra..., nhiều sai phạm trong lĩnh vực chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa được các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, xử lý kịp thời.

Thứ năm, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ ốm đau, thai sản, quỹ BH thất nghiệp, quỹ BHYT còn có diễn biến phức tạp.

Các quy trình nghiệp vụ của Ngành ngày càng được cải tiến, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong phục vụ Nhân dân và NLĐ.

PV: Bước sang năm 2019, ngành BHXH cần có những biện pháp gì để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội thưa Phó Chủ nhiệm?

Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Năm Mậu Tuất sắp qua và năm Kỷ Hợi đang đến, trước những cơ hội, điều kiện thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức, xin chúc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành BHXH một năm mới THẮNG LỢI và THÀNH CÔNG trong sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020; Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách BHXH; Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: “Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020”, “Chiến lược phát triển ngành BHXH giai đoạn 2013- 2020”, BHXH Việt Nam cần tổ chức thực hiện các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Dược, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả và kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách để thực thi có hiệu quả hơn; đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư và cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Trước yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành đáp ứng mục tiêu mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội quan trọng đòi hỏi toàn ngành BHXH cần tiếp tục nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, xây dựng và hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với cơ sở KCB; phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của Ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân, DN. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về phương thức, nội dung…, nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH, BHYT và tự giác tham gia.

BHXH Việt Nam cần tập trung chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho NLĐ; ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, với trọng trách lớn lao trong sự nghiệp bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân, BHXH Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ chuyên môn, tận tụy với công việc và đạo đức nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo đảm An sinh xã hội của đất nước./.

PV (thực hiện)