Bắc Kạn: Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động

21/11/2018 02:05 PM


Vừa qua, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 toàn tỉnh Bắc Kạn có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH năm 2025 và 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đến năm 2030.

Chương trình hành động đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH. Trong đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng tuyên truyền chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện để người dân thực sự thấy được lợi ích lâu dài của mình khi tham gia BHXH.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm và BHXH mà trọng tâm là tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, chính sách tiền lương, việc làm…Tổ chức thực hiện tốt chính sách BH thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm; đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đọng, trục lợi BHXH…Đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý quỹ BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH trong việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH. Thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng nhanh số người tham gia BHXH. Chú trọng công tác giải quyết các chế độ BHXH, nhất là chế độ hưu trí…; đẩy mạnh việc phân cấp quản lý trong hệ thống ngành BHXH, tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương…; tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH…

Thứ tư, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, trong đó hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp…; triển khai thực hiện tốt chính sách BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, để BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động…

Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò nòng cốt của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH./.

Bùi Toàn