Cải cách chính sách BHXH: Một số vấn đề cần lưu ý

27/10/2018 08:45 AM


Chiều 26/10, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, trong Phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Đoàn Thanh Hóa đã đưa ra 02 kiến nghị với Quốc hội. Trong đó, có nêu ra 03 vấn đề cần lưu ý trong quá trình cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Phiên thảo luận. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, qua quá trình thực hiện vai trò giám sát Nghị quyết 76 của Quốc hội về giảm nghèo bền vững, theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành khảo sát về vấn đề nhà ở của công nhân các khu công nghiệp và những NLĐ có thu nhập thấp. Nhà ở của người có công, người nghèo và nhà ở xã hội, nhà ở cho NLĐ có thu nhập thấp và các khu công nghiệp là mục tiêu rất quan trọng của Đảng và Nhà nước theo đúng tinh thần là nhà ở cho người dân, cũng chính là một trụ cột hết sức quan trọng của chính sách an sinh xã hội. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay vấn đề nhà ở đang là một thách thức đối với Việt Nam. 

Theo đó, đại biểu đưa ra một số kiến nghị cụ thể với Chính phủ như: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung tiến hành làm được nhà ở cho người có công với cách mạng trong thời gian sớm nhất; bổ sung nguồn vốn của ngân hàng chính sách, nâng mức vay lên để đảm bảo người nghèo có thể vay làm nhà ở để đảm bảo cuộc sống. Riêng về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội hiện còn vướng mắc ở các cơ chế chính sách, cần xây dựng đề án báo cáo Quốc hội có nguồn phân bổ ngân sách từ Trung ương và tương đương như là ngân sách 30.000 tỷ đã sử dụng trước đây. Đây sẽ là động thái để tạo các cơ chế điều hành thuận lợi cho người dân, các nhà đầu tư có thể có cơ hội vay vốn lãi suất hợp lý để làm nhà ở cho người có thu nhập thấp; mặt khác, người dân có thu nhập thấp cũng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này với lãi suất thấp. 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, Chính phủ cần tập trung nghiên cứu chính sách, sửa đổi pháp luật để đảm bảo các Nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống. 

Hiện còn 40 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức, chưa được tham gia vào hệ thống BHXH. (Nguồn ảnh: Intetnet)

Riêng với Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách BHXH, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, mục tiêu của Đảng là tất cả người dân, tức là lao động từ 15 tuổi trở lên phải được tham gia vào hệ thống chính sách BHXH. Đây là chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đảm bảo đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay nước ta mới đạt 30% tổng lực lượng lao động, khoảng 14 triệu NLĐ tham gia BHXH; đặc biệt còn 40 triệu lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức, chưa được tham gia vào hệ thống BHXH. 

Theo đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đã đưa ra 03 khuyến nghị cụ thể trong quá trình cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương như sau: 

Thứ nhất, từ ngày 01/01/2018, Chính phủ đã hỗ trợ chi phí đóng theo các mức lần lượt là 30%, 25% và 10% cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác để tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này không đủ tạo động lực, cơ hội cho các đối tượng nêu trên tham gia BHXH tự nguyện. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện. 

Thứ hai, hiện nay, trung bình mỗi năm có 1 triệu người tham gia BHXH thì lại có 600.000 người ra khỏi hệ thống BHXH. Đề nghị Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 93 của Quốc hội khóa XIII về BHXH một lần, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu nhằm định hướng cho người dân tham gia BHXH để đảm bảo quyền lợi an sinh khi về già. 

Thứ ba, đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ BHXH cho các đối tượng NLĐ tham gia BHXH trước năm 1995, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 64 của Quốc hội khóa XIV. 

Liên quan tới Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, Nghị quyết đã nêu rõ 05 nguồn lực cho cải cách tiền lương, nhưng nếu không tích cực, không tiếp tục tạo nguồn thì chắc chắn quá trình cải cách sẽ khó khăn. 

“Đảng, Nhà nước đã quyết tâm nhưng chúng ta đã hai lần lỡ hẹn với cải cách tiền lương cho cán bộ, công nhân, viên chức. Chúng ta phải tổ chức sắp xếp lại hệ thống chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và nhanh chóng chuyển cơ chế phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây chính là điều kiện để chúng ta vừa giảm nhẹ biên chế, vừa có nguồn lực tạo cơ hội cải cách chính sách tiền lương hiệu quả”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi kiến nghị./.

Trọng Nguyễn