Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam giám sát thực hiện BHXH, BHYT tại Hưng Yên

17/10/2018 10:27 PM


Ngày 17/10, Đoàn giám sát Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Tham gia đoàn giám sát còn có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, thành viên HĐQL, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Về phía UBND tỉnh Hưng Yên có ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ, Hội nông dân tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo BV đa khoa tỉnh, BV đa khoa Phố Nối, BV đa khoa Sản nhi…

Trong chương trình làm việc, Đoàn thực hiện khảo sát tình hình thực hiện chính sách BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế thành phố Hưng Yên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: BHXH, BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Với gần 14 triệu người đang tham gia BHXH, trên 3 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trên 84 triệu người đã và đang được thụ hưởng những ưu việt của chính sách BHYT trong KCB, đã khẳng định đây là chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống an sinh của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị đã thành công trong công tác triển khai chính sách an sinh xã hội nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Trong đó, đặc biệt là việc mở rộng, tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT được quản lý tập trung thống nhất, tăng trưởng bền vững. Đã đẩy mạnh và bước đầu thành công trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, công khai minh bạch về quy trình giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, đảm bảo quyền lợi của nhân dân, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cơ sở KCB.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, bên cạnh những kết quả khả quan, với đặc thù của việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT bao gồm nhiều khâu, nhiều cơ quan khác nhau cùng triển khai, nên không tránh khỏi những tồn tại hạn chế nhất định. Đồng thời, theo yêu cầu của thực tiễn và vận hành trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT cũng phải được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Mục đích của chương trình kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá đúng mức, phát huy những ưu điểm, nhân rộng những giải pháp sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách. Đồng thời, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như chiến lược lâu dài, phù hợp với tình hình và bối cảnh quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Hữu Hiện cho biết, từ năm 2016 đến nay, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để phát triển đối tượng tham gia BHYT, bởi đây là một trong những cơ sở để đạt các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tính đến 30/9/2018, số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong toàn tỉnh là 993.337 người; Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,21% dân số năm 2018, vượt 2,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 99,66% kế hoạch HĐND tỉnh giao trong năm 2018. Diện bao phủ BHXH đạt 27,03%; diện bao phủ BHTN đạt 25,6% so với lực lượng lao động năm 2018. Trong đó, một số nhóm đối tượng duy trì tốc độ tăng nhanh qua các năm như đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, đối tượng học sinh, sinh viên.

Để tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhằm tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT, BHXH tỉnh đã chủ động đào tạo, mở rộng mạng lưới đại lý thu. Tính đến 30/9/2018, trên toàn tỉnh có 167 đại lý thu với 486 điểm thu và 889 nhân viên đại lý. Hệ thống đại lý thu bao gồm UBND các xã, phường, thị trấn, hệ thống Bưu điện, các trạm y tế, một số hội đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, UBMTTQVN tỉnh, Hệ thống ngân hàng Nông nghiệp trung bình mỗi địa bàn xã, phường, trị trấn có từ 1-2 điểm thu, một số nơi phát triển tốt có 3 điểm thu. BHXH tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp tham mưu UBND tỉnh trích hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa Hưng Yên sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân theo quy định.

Từ năm 2015, ngoài nguồn hỗ trợ (20%) từ Ngân hàng Thế giới (WB) thì NSNN tỉnh đã hỗ trợ thêm 10% kinh phí mua thẻ BHYT đối với hộ gia đình cận nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu 100% người cận nghèo có thẻ BHYT; từ năm 2018, ngân sách tỉnh tiếp tục trích hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho một số đối tượng như: Đảng viên được tặng Huy hiệu từ 30 năm tuổi Đảng trở lên chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; người tham gia tổ thu gom rác thải tại các thôn, khu phố chưa có thẻ BHYT được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; học sinh tiểu học, THCS, THPT tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60% mức đóng BHYT. Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT bổ sung đối với 2 nhóm dân cư là NCT từ trên 60 tuổi đến dưới 80 tuổi và các chức sắc tôn giáo chưa có thẻ BHYT với mức hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu tại buổi làm việc.

Công tác giải quyết chế độ BHXH và quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho người lao động đã được thực hiện kịp thời, đầy đủ, thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH ngày càng được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người hưởng, góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. BHXH tỉnh đã triển khai đầy đủ các hình thức chi trả theo quy định như: Chi trả qua tài khoản cá nhân, chi trả trực tiếp, chi trả thông qua người sử dụng lao động, chi trả qua hệ thống Bưu điện.

Tăng cường quản lý quỹ BHYT

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, việc thực hiện chính sách BHYT tại Hưng Yên cũng gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện còn thấp; số doanh nghiệp tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp so với số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn (với 2.853/3.048 đơn vị đang hoạt động); số người tham gia BHXH tự nguyện thấp; nhiều doanh nghiệp kê khai thuế thu nhập cá nhân để quyết toán thuế cao hơn nhiều so với lao động, tiền lương, phụ cấp theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia BHXH …

Đặc biệt, công tác quản lý quỹ BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, từ năm 2016 do có nhiều thay đổi về chính sách BHYT như thực hiện thông tuyến huyện; giá viện phí tăng dẫn đến chi phí KCB BHYT trên địa bàn đã có gia tăng đáng kể. Do đó, năm 2016, chi phí KCB BHYT tăng 67% so với năm 2015, trong đó tăng 44,7% do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 37; tăng 18,6% do thông tuyến KCB; tăng 15,8% do phát sinh thẻ mới; tăng 20,5% do các nguyên nhân khác. Năm 2017, tỷ lệ sử dụng quỹ BHYT tăng so với năm 2016, song cơ quan BHXH đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt các chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Quang cảnh buổi làm việc.

Năm 2018, dự toán chi KCB BHYT Hưng Yên được giao 1.161.584 triệu đồng. Song 6 tháng đầu năm tổng chi KCB BHYT là 646.243 triệu đồng (trong đó KCB tại tỉnh là 409.776 triệu đồng; KCB đa tuyến đi ngoại tỉnh là 236.467 triệu đồng) và ước chi KCB BHYT năm 2018 là 1.369.278 triệu đồng. Dự kiến năm 2018, chi KCB BHYT tại Hưng Yên vượt trên 207 tỉ đồng so với dự toán được giao.

Một số nguyên nhân được đề cập đến như: Một số chỉ định sử dụng và thanh toán dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế  không hợp lý; một số dịch vụ kỹ thuật được thanh toán sang dịch vụ kỹ thuật khác với giá cao hơn như phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa, phẫu thuật nội soi viêm phúc mạc do viêm ruột thừa, phẫu thuật vết thương phần mềm phức tạp. Bên cạnh đó còn có tình trạng chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú không hợp lý, kéo dài ngày điều trị; sử dụng thuốc không hợp lý, chi bình quân đơn thuốc cao.

Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đề nghị ngành BHXH, ngành y tế tỉnh làm rõ một số vấn đề về công tác phối hợp khám, chữa bệnh, thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, nguyên nhân số chi vượt quỹ BHYT, chuyển tuyến trong  khám, chữa bệnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, trong đó, đặc biệt là công tác phát triển đối tượng, công tác thu BHXH, BHYT. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp vẫn ở mức thấp, đặc biệt là số người tham gia BHXH tự nguyện.

Về vấn đề đa tuyến đi, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương cho rằng, ngành Y tế cần quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không thì khó giữ được bệnh nhân. “Về lâu dài tỉnh có định hướng và ngành y tế phải tham mưu, đẩy nhanh kỹ thuật và năng lực ngành y tế lên để giữ bệnh nhân lại. Hiện quỹ BHYT của Hưng Yên chi đa tuyến đi là rất lớn, nếu các cơ sở của bệnh viện Trung ương trên địa bàn hoạt động về thì dự đoán sẽ còn nhiều hơn nữa. Ngành y tế Hưng Yên cần đón trước điều này” – Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương nói.

Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên Nguyễn Thị Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Năm 2018, việc giao dự toán BHYT do Thủ tướng giao cho UBND tỉnh. Ngành Y tế, BHXH và Tài chính cần tham mưu để UBND tỉnh phân bổ cho từng cơ sở KCB phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả. Thống kê tình hình chi phí KCB BHYT toàn quốc cho thấy có hiện tượng mặt bằng chi phí KCB của các tỉnh không đồng nhất. Việc giao dự toán phải tính lập lại mặt bằng công bằng giữa các tỉnh, giữa các cơ sở KCB. Phó Tổng Giám đốc cũng đề nghị, ba ngành cũng phối hợp tham mưu với UBND tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn và hỗ trợ cho các cơ sở y tế đầu tư trang thiết bị, dịch vụ kỹ thuật.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng khẳng định tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. UBND tỉnh giao BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế, theo chức năng nhiệm vụ, tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, cụ thể hoá hành các tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chỉ còn hai tháng nữa là hết năm 2018, Sở Y tế và BHXH tỉnh cần bàn giải pháp, đồng thời quyết liệt triển để đảm bảo phụ vụ nhu cầu KCB BHYT của người dân.

Đối với những vướng mắc mà ngành y tế và BHXH tỉnh kiến nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn đoàn giám sát xem xét, trình Chính phủ sớm tháo gỡ để các cơ quan thực thi nhiệm vụ thuận lợi trong triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

Đoàn giám sát khảo sát tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

PPhát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT; việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh, tuy nhiên nhóm đối tượng tham gia theo hình thức tự nguyện chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; số nợ BHXH, BHYT còn cao; việc chỉ định các kỹ thuật và thuốc tại một số cơ sở còn có trường hợp chưa hợp lý…

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo ngành y tế và BHXH phối hợp tốt trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm quyền lợi của người đi khám, chữa bệnh BHYT; tăng cường giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, quỹ BHXH, nếu phát hiện trường hợp lạm dụng cần có biện pháp xử lý kịp thời; bố trí kinh phí kịp thời hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.

PV