Chính phủ ban hành Chương trình hành động cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công
21/06/2017 02:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Chương trình đặt ra mục tiêu: Tổ chức quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đối với công tác quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong quản lý ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước về quản lý nhà nước và nợ công.
Phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đến năm 2020, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể: Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84 - 85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 25 - 26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia; Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Thứ nhất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước. Trong đó có tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, bao gồm: Thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường vốn; bảo hiểm, bất động sản, lao động, khoa học và công nghệ..., bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, đúng pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát danh mục các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay nợ công, kiên quyết cắt giảm các chương trình, dự án không đảm bảo hiệu quả, chưa thực sự cần thiết. Tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện Luật đầu tư công, đổi mới căn bản thể chế quản lý đầu tư công, đặc biệt công tác lập dự án và đánh giá, thẩm định dự án, cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng. Rà soát, đổi mới để khuyến khích hơn nữa đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển kinh tế xã hội; có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường; hạn chế, loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, tạo thống nhất nhận thức và hành động về chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý nợ công; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vi phạm.
Đổi mới tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và xã hội về tư tưởng, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, tuân thủ pháp luật về thu - chi ngân sách và nợ công, đặc biệt là những lĩnh vực, khâu dễ xảy ra vi phạm, tham nhũng, lãng phí.
Thứ tư, tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước tối thiểu như mức Nghị quyết của Quốc hội đề ra, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay, tăng dự trữ nhà nước.
Thứ 5, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công.
Siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách, nợ công; thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán, vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định; chỉ ban hành cơ chế, chính sách chi khi có nguồn tài chính đảm bảo; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn, điều chỉnh tổng mức đầu tư các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác quyết toán các dự án hoàn thành.
Thứ sáu, kiện toàn bộ máy nhà nước và nhân sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công
Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức. Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; triển khai chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.
Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả theo định hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công; bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý, phân bổ, cân đối ngân sách nhà nước, quản lý nợ, góp phần thực hiện các mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách, các mục tiêu về nợ công theo đúng Nghị quyết, từng bước lành mạnh hóa, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia.
Thứ bẩy, nghiên cứu, xây dựng chiến lược và lộ trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công sau năm 2020 để tiếp tục thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, đảm bảo phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cùng kỳ./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh 5 nhóm tiện ích trong cải cách thủ ...
Toàn Ngành BHXH Việt Nam hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu, kế ...
Phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin “Giám định bảo ...
BHXH Việt Nam: Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông ...
Bản tin Audio số 44 - Tuần 5 tháng 12/2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?