Gia nhập Công ước số 98 của ILO: Tạo quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tích cực

08/11/2018 09:50 AM


“Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có việc tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới thì việc nghiên cứu để đề xuất gia nhập Công ước ILO số 98 là công việc cần thiết, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Việt Nam về hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp tại Hội thảo Tham vấn Dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) diễn ra trong 02 ngày 8-9/11 tại Hà Nội.

Gia nhập Công ước ILO số 98 là cần thiết

Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể của ILO có 10 điều, nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6, bao gồm 03 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; bảo vệ công đoàn không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể. Bên cạnh các quy định cụ thể, ngắn gọn tại Công ước số 98, Tổ chức ILO đã thành lập một Ủy ban chuyên môn về vấn đề này từ năm 1951, bao gồm có đại diện của Chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua nhiều diễn đàn khuôn khổ pháp lý quốc tế khác nhau. Trong lĩnh vực lao động, một trong những hình thức hội nhập quốc tế quan trọng của Việt Nam là thông qua việc tham gia và thực hiện cam kết về lao động trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ILO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế tại các hiệp định thương mại, ngày 31/12/2015, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2528/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện và đề xuất gia nhập các công ước của Liên hợp quốc và ILO trong lĩnh vực lao động-xã hội. Theo Quyết định 2528/QĐ-TTg, lộ trình để Chính phủ xem xét đề xuất phê chuẩn Công ước số 98 của ILO là giai đoạn 2016-2020.

Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động, xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 145/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/01/2016 cũng xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của ILO, trong đó có Công ước số 98.

“Xuất phát từ bối cảnh trên, việc nghiên cứu để đề xuất gia nhập Công ước ILO số 98 trong thời điểm hiện nay là công việc cần thiết, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Việt Nam về hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khắng định.

Rà soát sửa đổi luật cho phù hợp

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Bình cho biết, những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tập trung chủ yếu tại Bộ Luật lao động và Luật Công đoàn. Đây là những tiền đề và cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình nghiên cứu gia nhập Công ước số 98. Việc gia nhập Công ước  sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký thỏa ước lao động tập thể một cách thực chất, hiệu quả; từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định. Quan hệ lao động hài hòa, ổn định có tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và đảm bảo công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thương lượng lao động tập thể.

Tại đây, ông Bình cũng đề xuất, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước số 98 như: Sửa đổi, bổ sung quy định mang tính định nghĩa về phân biệt đối xử, chống công đoàn; sửa đổi, bổ sung các quy định về phân biệt đối xử chống công đoàn; bổ sung quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện về hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; rà soát sửa đổi các quy định liên quan đến chế tài áp dụng cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi phân biệt đối xử trong công đoàn; bổ sung quy định có tính định nghĩa về hành vi can thiệp, thao túng công đoàn…

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hồ sơ đề xuất trình phê chuẩn Công ước số 98 đã được Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, chuẩn bị theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Hiện nay, Hồ sơ đã được lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành có liên quan.

“Hội thảo ngày hôm nay là một trong những công việc, bước đi cụ thể góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, xã hội của Việt Nam, đồng thời cũng là công việc cụ thể nhằm từng bước thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam. Sau Hội thảo, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện Hồ sơ để tiến hành các thủ tục thẩm định của Bộ Tư pháp, kiểm tra của Bộ Ngoại giao; sau đó trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn (dự kiến vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết./.

Theo baodansinh.vn