Lao động trong khu vực FDI: Được và mất

26/06/2018 04:21 PM


Hơn 14,6 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang sử dụng khoảng 3,6 triệu lao động Việt Nam, mang lại thu nhập ổn định và cơ hội nâng cao đời sống. Tuy nhiên, sự gia tăng lao động tại các doanh nghiệp FDI cũng đặt ra nhiều vấn đề xã hội đối với địa phương như nhà ở, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông…

Tạo việc làm, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội

Khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến năm 2017, khoảng 14,6 nghìn doanh nghiệp FDI đang sử dụng hơn 3,6 triệu người, chiếm 26% tổng số lao động khu vực doanh nghiệp, trong đó 35,18% là nam và 64,72% là nữ.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tại Hội thảo “Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - Thực trạng và Giải pháp” vừa diễn ra, khu vực FDI đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2017, tiền lương bình quân hàng tháng/người tại các doanh nghiệp FDI đạt 6,204 triệu đồng (khu vực ngoài nhà nước là 4,992 triệu đồng, khu vực nhà nước là 6,224 triệu đồng). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, riêng năm 2017, có khoảng 277 nghìn lao động có việc làm. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm giai đoạn 2015 - 2017 ở Bắc Ninh đạt 80%, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp FDI đạt trên 10 triệu đồng/tháng.

Sự có mặt của khu vực FDI cũng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra các thành phố, từ đó góp phần cải thiện nguồn nhân lực. Một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, có tay nghề từng bước được hình thành và dần tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, nâng cao đời sống.

Tuy nhiên không phải không có những bất cập. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động giá rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao.

Theo Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tại thời điểm quý IV.2017, có 1,5% lao động làm việc cho doanh nghiệp FDI không có hợp đồng lao động. Ngoài ra, theo phản ánh từ cơ sở, để tránh nộp BHXH cho người lao động, một số chủ sử dụng lao động đã ký hợp đồng dịch vụ, tư vấn, cộng tác viên… với người lao động, dù trên thực tế là tuyển để làm các công việc thường xuyên. Các điều khoản trong hợp đồng lao động có tình trạng ghi chung chung, không cụ thể, khi có tranh chấp rất khó giải quyết. Hơn nữa, số giờ làm thêm tại các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp tương đối lớn, bình quân mỗi lao động làm thêm 275,8 giờ/năm. Số giờ làm thêm đặc biệt cao tại các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử. Không ít doanh nghiệp có số giờ làm thêm trên 500-600 giờ/năm.

Những vấn đề trên góp phần gây bất ổn trong quan hệ lao động tại khu vực FDI. Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, tại 39/63 tỉnh, thành phố cả nước xảy ra 454 cuộc ngừng việc tập thể và đình công. Các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Tây Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang… Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong, sự gia tăng lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh liên tục đặt ra nhiều vấn đề xã hội như nhà ở cho công nhân, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông…

Cải thiện chất lượng lao động

Để bảo vệ và cải thiện cả về chất và lượng người lao động, Trưởng ban Quan hệ Lao động Ngọ Duy Hiểu cho rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh trong tổ chức và thực hiện các chương trình thị trường lao động, chính sách về nhà ở, đào tạo nghề và các chính sách xã hội khác có liên quan. Cùng với đó, cần hình thành các định hướng và chính sách trong lựa chọn, thu hút đối tác đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, ưu tiên các đối tác đầu tư vào một số ngành, sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị lớn. Bảo vệ tốt hơn các nhóm lao động, đặc biệt là lao động yếu thế trong thị trường lao động, bao gồm cả những người bị “sa thải” từ các khu công nghiệp. Hỗ trợ người lao động về BHXH, BHYT và các hình thức khác để họ được bảo vệ tốt hơn. Ngoài ra, cần phát triển chính sách hỗ trợ lao động để ứng phó với các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Qua điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 39,86% doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt lao động và giải pháp được đưa ra chủ yếu là tuyển lao động mới. Song họ cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, do không có lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật. Đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Lê Văn Hùng nhận định, hạn chế trên xuất phát từ việc hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao. Do đó, nếu Việt Nam thực sự muốn tạo bước chuyển lớn và thu hút những doanh nghiệp FDI có trình độ cao tới đầu tư, TS. Lê Văn Hùng cho rằng yêu cầu về chất lượng lao động là bắt buộc nếu không muốn bị bỏ lại quá xa. Mặt khác, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối trên phạm vi vùng, cả nước. Để tránh tình trạng bất đối xứng giữa cung cầu về lao động, việc xác định rõ định hướng chiến lược và ưu tiên ngành nghề phát triển trong giai đoạn tới có ý nghĩa quan trọng giúp việc dự báo nhu cầu lao động cũng như thực hiện hướng nghiệp đối với học sinh ngay từ trường học. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo của các trường đại học, trường nghề cần phải được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn.

Đồng tình với hướng giải quyết tăng chất lượng hơn là số lượng, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới ngoài việc tạo những đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, việc quan trọng không kém là phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về pháp luật lao động.

*** Theo số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc tính đến hết năm 2017 đạt khoảng 88%. Tuy nhiên, tiền lương của người lao động tham gia BHXH chỉ chiếm 75% tiền lương thực tế.

Theo ĐBND