Quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện, hình thức chỉ định thầu
24/05/2023 03:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Năm 24/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu thầu (sửa đổi).
Giảm một số trường hợp chỉ định thầu
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (tăng thêm 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan. Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: Internet
Về chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23, dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Cụ thể, bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được. Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Chỉnh lý quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo hướng áp dụng đối với một số gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến bản quyền tác giả hoặc phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ...
Về mua thuốc, vật tư y tế, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan về chỉ định thầu trong mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm; áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm tập trung; Bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc...
Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định tại Khoản 4, Điều 6 dự thảo Luật trình Quốc hội, đồng thời, bổ sung quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 để làm rõ yêu cầu bảo đảm cạnh tranh giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với nhà thầu là các đơn vị sự nghiệp công lập, công ty con trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước...
Bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu
Đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học qua các hội thảo, hội nghị; cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này đã cơ bản hoàn chỉnh, quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên trong công tác đấu thầu, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động này.
ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) phát biểu
Tuy nhiên, qua rà soát, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, dự thảo Luật vẫn chủ yếu quy định đối với hoạt động đấu thầu trong tình trạng bình thường, chưa đủ chặt chẽ và cụ thể để bảo đảm thực hiện công tác đấu thầu trong các trường hợp khẩn cấp, cấp bách.
ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Internet
Thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, việc áp dụng Luật Đấu thầu trong phòng, chống dịch Covid-19 đã cho thấy bất cập lớn khi các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, buộc các đơn vị phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục về đấu thầu. Trong khi tại thời điểm mua sắm, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Nêu rõ vấn đề này, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật quy trình, trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các trường hợp cấp bách, bất khả kháng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức căn cứ thực hiện, tránh trường hợp sau khi thực hiện lại có những cách hiểu khác nhau. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, thống nhất giữa các quy định, tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng.
Về chỉ định thầu (Điều 23), nhiều ĐBQH nhất trí với quy định như dự thảo Luật quy định về các trường hợp được chỉ định thầu, trong đó đã bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, đồng thời gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ. Một số đại biểu cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời với các trường hợp cấp bách.
Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (TP. Hà Nội) đề nghị, cần quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu. Bên cạnh đó, đối với các gói thầu tư vấn, thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng có nên đưa trường hợp này áp dụng quy định chỉ định thầu hay không? Bởi, việc thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tương đối phổ biến, không quá phức tạp và cũng không mang tính đặc thù để lựa chọn hình thức chỉ định thầu mà không áp dụng hình thức đấu thầu là không cần thiết.
PV
Chi tiết >>
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị Giao ban trực ...
Bắc Giang sớm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về BHXH, ...
Diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin khu vực ...
Người dùng đã có thể đăng nhập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt ...
Bản tin Audio số 39 - Tuần 4 tháng 11/2024
Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?