BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ tại Đắk Lắk

24/05/2023 09:00 AM


Ngày 23/5, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách bảo BHXH, BHYT với người lao động và người sử dụng lao động làm việc tại tại khu công nghiệp, khu chế xuất tỉnh Đắk Lắk.

Tham dự Hội nghị có đại diện Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, CSKH; đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; BHXH tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị nhận được sự quan tâm của hơn 200 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác nhân sự, chính sách BHXH; cán bộ Công đoàn cơ sở; cùng đại diện NLĐ trong các KCN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, CSKH Dương Ngọc Ánh (BHXH Việt Nam) cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, trong từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Với định hướng xây dựng một “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, lấy người dân làm trung tâm cho mọi hoạt động, các cơ quan hành chính trong bộ máy Chính phủ đã có nhiều chuyển biến quan trọng, hiệu quá tổ chức thực hiện các dịch vụ công và chất lượng phục vụ người dân ngày càng được nâng lên.

 Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, CSKH Dương Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Thực hiện chủ trương BHXH, BHYT cho mọi người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Cải cách chính sách BHXH, độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, số người tham gia BHXH, BHYT gia tăng nhanh chóng.

Tính đến hết tháng 4/2023, cả nước hơn 17,4 triệu người tham gia BHXH, đạt 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; có khoảng 14,2 triệu người tham gia BHTN; có khoảng 90,949 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 92% dân số. Riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, 4 tháng đầu năm 2023, Số người tham gia BHXH bắt buộc là 107.656 người, tăng 4.438 người so với cùng kì năm 2022; Số người tham gia  BHXH tự nguyện 17.674 người, tăng 682 người so với với cùng kì năm 2022; Số người tham gia BHTN là 96.248 người; tăng 4.460 người so với cùng kì năm 2022; Số người tham gia BHYT là 1.631.718 người; tăng 58.214 người so với cùng kì năm 2022.

Với số đối tượng lớn và tăng dần qua các năm như vậy dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách của người tham gia cũng luôn phát sinh, đòi hỏi Ngành BHXH Việt Nam không ngừng cải tiến, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ, giải đáp, tư vấn chính sách cho người tham gia.

Thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều kênh tư vấn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như: Qua Tổng đài điện thoại, qua Cổng Thông tin điện tử, Qua mạng xã hội (Zalo, Fanpage,…) và Hội nghị tư vấn, đối thoại này là một kênh tương tác trực tiếp với người lao động, người dân và doanh nghiệp.

Năm 2023, ngoài các hội nghị đối thoại, tư vấn do BHXH các địa phương chủ động tổ chức, trên cơ sở phân tích nhu cầu khách hàng, BHXH Việt Nam chọn 12 tỉnh, thành phố các các đặc trưng riêng tại các vùng miền để tổ chức tư vấn, đối thoại. Và Đắk Lắk là một trong số 12 tỉnh đó.

 “Hội nghị cũng đồng thời là kênh thông tin quan trọng, tiếp nhận những ý kiến phản ánh của NLĐ, người sử dụng lao động đối với chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH; quy trình tổ chức thực hiện… trên cơ sở đó ngành BHXH Việt Nam tổng hợp các ý kiến, để từ đó có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội trong việc xây dựng chính sách BHXH, BHYT phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người dân.Còn đối với hệ thống BHXH Việt Nam thì góp phần hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, vì sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN” – Bà Dương Ngọc Ánh nhấn mạnh mục đích của Hội nghị nhằm kịp thời hỗ trợ, giải đáp, tư vấn cho NLĐ, người sử dụng lao động những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà Nước.

Tại Hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam đã thông tin một số điểm mới trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như: Mở rộng đối tượng chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương được tham gia và hưởng chế độ BHXH; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ thai sản đối với loại hình BHXH tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm để được hưởng lương hưu. 

Cũng tại hội nghị, đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tổng quan, cập nhật các điểm mới, hướng dẫn các quy định pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, các chế độ BHXH bắt buộc có hiệu lực từ năm 2022, 2023 đến các doanh nghiệp. Trong đó, nội dung trọng tâm là một số điểm lưu ý về thời gian hợp đồng lao động để xác định người tham gia BHXH; lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp tại Điều 20 Luật BHXH năm 2014, một số sai phạm thường gặp tại doanh nghiệp và những chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, một số nội dung của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi ….

Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu nêu các vướng mắc, những tình huống thực tế trong việc triển khai thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN để giải đáp và thảo luận.

Nhân dịp này, BHXH Việt Nam thực hiện lấy ý kiến khảo sát người dân, doanh nghiệp về một số nội dung trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung đang được Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp tới; khảo sát đề xuất bổ sung các tính năng trên VssID để người lao động tự thực hiện các giao dịch đối với cơ quan BHXH. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của người dân để tham mưu trong quá trình hoàn thiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN và hoàn thiện ứng dụng VssID - BHXH số./.

 

PV