Hệ thống CNTT Ngành BHXH: Bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính Ngành BHXH

31/10/2017 10:28 AM


Chiều tối ngày 30/10, nhân dịp tham dự Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội do bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn đầu đã tới thăm làm việc tại Trung tâm Điều hành CNTT ngành BHXH của BHXH Việt Nam. Cũng trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã có các chương trình thăm và tìm hiểu về công tác ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành của BHXH Việt Nam.

Đoàn Đại biểu Quốc hội có sự tham dự của các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban, cùng một số đại biểu Quốc hội chuyên trách địa phương. Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía BHXH Việt Nam có: Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh; Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những nỗ lực của BHXH Việt Nam trong công tác ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động.

Nỗ lực cải cách TTHC, ứng dụng CNTT để phục vụ tốt hơn

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm CNTT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cùng nhà tư vấn - Công ty Tecapro đã giới thiệu với Đoàn về kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ của Ngành; về Hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động; các phần mềm hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ của Ngành và Hệ thống Thông tin giám định BHYT.

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, trước những yêu cầu đặt ra của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt, với việc ứng dụng sâu rộng CNTT trong các hoạt động của Ngành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và đơn vị, BHXH Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đã được Chính phủ cũng như đơn vị, NLĐ, người dân đánh giá cao.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ thông tin về việc ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam.

Năm 2015, BHXH Việt Nam đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch điện tử tập trung, để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đến cuối năm, Ngành tiếp tục triển khai phần mềm kê khai BHXH điện tử. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Ngành đã cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, với số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử là 236.546 đơn vị, trong tổng số hồ sơ giao dịch điện tử là  2.375.633 hồ sơ/ 6.646.453 hồ sơ, đạt tỷ lệ 36%.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Ngành BHXH đã triển khai đồng bộ nhiều hệ thống phần mềm quan trọng. Cụ thể, triển khai bộ công cụ tập trung dữ liệu tại Trung ương để quản lý 3 mảng nghiệp vụ quan trọng của Ngành là thu, sổ - thẻ và quản lý tài chính nhằm tiến tới xây dựng một hệ thống phần mềm tổng thể, thống nhất, đáp ứng hầu hết các yêu cầu nghiệp vụ của Ngành; xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ Ngành cũng như kết nối với các ngành khác như: Thuế, Hải quan, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, LĐ-TB&XH, Y tế, Ngân hàng và cơ sở KCB... Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử của Ngành, trong đó tích hợp và cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4 trên một cổng thông tin thống nhất và duy nhất của Ngành, tạo thuận lợi cho người dân và DN trong việc tra cứu thông tin liên quan đến BHXH, BHYT và gửi hồ sơ BHXH.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng, phần mềm và cơ sở dữ liệu để xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình. Đến nay, đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu (CSDL) cho hộ gia đình tham gia BHYT, từng bước xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Hệ thống Thông tin giám định BHYT - nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT

Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc Dương Tuấn Đức chia sẻ thông tin về hoạt động của Hệ thống Thông tin Giám định BHYT.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3 đến tháng 6/2016, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ việc kết nối với các cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương đến Hệ thống Thông tin giám định BHYT. Hiện nay, Hệ thống đã kết nối với 99,6% cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc.

Sau khi hoàn thành kết nối, Ngành tiếp tục phối hợp với ngành Y tế chuẩn hóa danh mục sử dụng tại trên 12.000 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên Hệ thống và thử nghiệm giám định, thanh toán BHYT điện tử; triển khai đào tạo cho trên 2.000 giám định viên và hàng trăm nhân viên các cơ sở y tế. Từ ngày 01/01/2017, bắt đầu khai thác Hệ thống Thông tin giám định BHYT phục vụ công tác quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT.

Đến nay, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã tiếp nhận và giám định trên 120 triệu hồ sơ điện tử với gần 70 ngàn tỷ đồng đề nghị thanh toán BHYT; tỷ lệ liên thông dữ liệu trên toàn quốc tháng 9 đạt 95,3% với 12.108 cơ sở kết nối với cơ quan BHXH. Qua giám định tự động, Hệ thống đã phát hiện 17,9 triệu hồ sơ sai sót, trong đó từ chối thanh toán trên 400 tỷ đồng, yêu cầu cơ sở KCB chuẩn hóa lại dữ liệu sai danh mục Bộ Y tế quy định với gần 3.000 tỷ đồng. Hệ thống cũng đã ghi nhận kết quả giám định chủ động của BHXH các tỉnh, thành phố 6 tháng đầu năm 2017 với số tiền thanh toán sai quy định trên 115 tỷ đồng.

Đoàn ĐBQH  thăm Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam.

Qua giám sát từ hoạt động của Hệ thống, BHXH Việt Nam đã phát hiện và chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị có dấu hiệu chỉ định quá mức cần thiết, thu dung người bệnh, kéo dài ngày điều trị, thanh toán chưa đúng quy định. Đồng thời, phát hiện và thông báo cho các cơ sở KCB về tình trạng lạm dụng thẻ BHYT để khám bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong tháng của một số người tham gia BHYT. Song song đó, Hệ thống đang tiếp tục được phát triển, cập nhật các quy tắc giám định để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng

Trong bối cảnh xu hướng ứng dụng CNTT ngày càng cao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng thì vấn đề phòng chống mất CSDL, đảm bảo an toàn thông tin là một yêu cầu cấp thiết. Hơn nữa, CSDL của Ngành BHXH là CSDL an sinh của hơn 92 triệu dân, chứa đựng thông tin của toàn bộ công dân và tổ chức trên cả nước và được Chính phủ quyết định là một trong sáu CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai.

Các đại biểu Quốc hội tìm hiểu về phương thức vận hành của Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH.

Như vậy, với tầm quan trọng của hệ thống CSDL Ngành BHXH, cần thiết phải có các phương án bảo mật chủ động; quản lý, quản trị hệ thống tập trung; giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật chuyên dụng cho toàn bộ dữ liệu của Ngành.

Sau một thời gian tích cực, khẩn trương xây dựng, đến nay, Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH và Trung tâm Dịch vụ khách hàng đã hoàn thành. Sau khi đi vào hoạt động, hai Trung tâm này sẽ giúp nâng cao hiệu quả vận hành mạng lưới tiếp nhận thông tin hai chiều giữa BHXH Việt Nam với người dân, người tham gia và đơn vị sử dụng lao động; đảm bảo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, người tham gia và đơn vị sử dụng lao động khi giao dịch với cơ quan BHXH thông qua môi trường mạng.

Cụ thể, Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH sẽ là đầu mối quản lý, vận hành các hệ thống phần mềm; quản lý hạ tầng, hệ thống mạng, hệ thống máy chủ, hạ tầng kỹ thuật của BHXH Việt Nam; kết nối, xử lý thông tin của Ngành với các bên liên quan; tổ chức thực thi các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định, liên tục của hệ thống CNTT Ngành BHXH.

Trung tâm Dịch vụ khách hàng sẽ là đầu mối cung cấp, giải đáp mọi thắc mắc về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người dân, người tham gia và đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ người dân, người tham gia và đơn vị sử dụng lao động trong qua trình khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Ngành; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến của Ngành; đồng thời, đây cũng là kênh thân thiện tiếp nhận mọi thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân để phân luồng chuyển cho các đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao công tác triển khai ứng dụng CNTT của Ngành BHXH; đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của hệ thống CNTT như: Khả năng bảo mật hệ thống; hệ thống CSDL bảo hiểm; hiệu quả quản lý quỹ BHYT, hạn chế lạm dụng, trục lợi của Hệ thống Thông tin giám định BHYT… Các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã được đại diện các đơn vị nghiệp vụ có liên quan của BHXH Việt Nam giải thích và làm rõ ngay tại buổi làm việc.

Hiện đại - Hiệu quả - Đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch của BHXH Việt Nam

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao nỗ lực xây dựng, vận hành hệ thống CNTT của Ngành BHXH, đồng thời khẳng định, Hệ thống Điều hành CNTT ngành BHXH và các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Ngành BHXH được đầu tự hiện đại, có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công khai minh bạch trong quản lý chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mà thực tiễn đòi hỏi.  

“Hệ thống CSDL bảo hiểm có khối lượng dữ liệu lớn về an sinh của hơn 92 triệu dân, để đảm bảo an toàn thông tin cho những CSDL cốt yếu này, BHXH Việt Nam phải tiếp tục chủ động đảm bảo công tác bảo mật thông tin và cần chú trọng các phương án dự phòng lưu trữ thông tin kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt kể cả khi có những sự cố không mong muốn xảy ra”, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng bày tỏ hy vọng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành sự quan tâm cho cơ quan BHXH

để Ngành BHXH làm tốt vai trò của mình hơn nữa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với sự phát triển của Ngành BHXH. Tổng Giám đốc cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, tạo nền tảng để Ngành BHXH phát huy và tiếp tục đạt được thành công trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thời gian tới.

Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng bày tỏ hy vọng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục dành sự quan tâm trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói chung và cho cơ quan BHXH nói riêng để góp phần thúc đẩy sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước phát triển vững bền, tiến tới hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và BHXH cho mọi NLĐ.

Như vậy, trước những yêu cầu đặt ra về chính sách BHXH, BHYT của Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết số 68/2013/QH13, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13, Luật BHXH sửa đổi số 58/2014/QH13 và của Chính phủ tại các Nghị quyết số 19 qua các năm 2015, 2016, 2017 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử… trong những năm qua, toàn Ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ của Ngành. Tháng 4/2016, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 640/QĐ-BHXH về Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của Ngành giai đoạn 2016-2020 nhằm tin học hóa toàn diện trong các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của Ngành ở tất cả các lĩnh vực, đồng thời liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, với mục tiêu phục vụ đơn vị, NLĐ và người dân ngày một tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm Trung tâm Điều hành CNTT ngành BHXH. 

*** Trước đó, vào chiều ngày 18/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng đã có chương trình làm việc với BHXH Việt Nam để tìm hiểu về hoạt động của Hệ thống Thông tin Giám định BHYT và Trung tâm Điều hành CNTT ngành BHXH. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực của BHXH Việt Nam trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý nghiệp vụ của Ngành. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để việc sử dụng quỹ BHYT được hiệu quả và công tác quản lý chi phí KCB BHYT được triển khai tốt hơn trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ của hai ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo việc kết nối liên thông dữ liệu KCB BHYT.

*** Sáng ngày 30/10, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội đã tới thăm quan Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH, Trung tâm Dịch vụ khách hàng và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc của BHXH Việt Nam. Tại đây, các phóng viên, biên tập viên đã được lãnh đạo Trung tâm CNTT và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc giới thiệu về hệ thống điều hành, các phần mềm ứng dụng cũng như tình hình triển khai ứng dụng CNTT của ngành BHXH trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng – Trưởng Ban Điều Hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước phát biểu tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam.

*** Ngày 17/8/2017, tại buổi kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam của Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tại BHXH Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng – Trưởng Ban Điều Hành đã nhận định, BHXH Việt Nam là gương điển hình về việc ứng dụng thành công CNTT với cải cách hành chính. Cùng với Tổng Cục Thuế và Tổng Cục Hải quan, BHXH Việt Nam là một trong ba đơn vị có số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh từ dịch vụ công trực tuyến ở mức rất lớn và được vận hành nhịp nhàng.

Có thể nói, chỉ ngay trong tháng 10 năm 2017, công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của Ngành BHXH đã đồng thời nhận được sự quan tâm của Quốc hội - cơ quan ban hành các bộ luật BHXH, BHYT; Bộ Y tế - đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước về BHYT; Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tấn, báo chí. Đây là sự ghi nhận, động viên lớn lao của các cấp, các bộ, ngành đối với Ngành BHXH. Qua đó, khẳng định vị thế của Ngành BHXH và tiếp thêm động lực để Ngành BHXH tiếp tục nỗ lực trong công tác ứng dụng CNTT vào các hoạt động của Ngành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vì mục tiêu an sinh xã hội và là bước tiến quan trọng đối với Ngành BHXH trong lĩnh vực cải cách TTHC./.

BAT