Tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam

07/08/2024 09:38 AM


Quyết tâm chính trị của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng trong công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06. Người đứng đầu phải vào cuộc, vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tham gia công tác chuyển đổi số thì mới có thể mang lại hiệu quả.

Đây là nhận định của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến của Ngành sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra, chỉ đạo tại Trung tâm điều hành hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ ra các bài học kinh nghiệm khác trong triển khai công tác này là: (1) Đổi mới về tư duy, nhận thức trong công tác chuyển đổi số; sẵn sàng loại bỏ cách làm cũ không phù hợp, thay thế bằng cách làm mới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả cao hơn. (2) Khi xây dựng các quy trình nghiệp vụ phải đảm bảo phù hợp, sẵn sàng triển khai thực hiện trên môi trường điện tử. (3) Sẵn sàng chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành theo đúng quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. (4) Đánh giá kết quả chuyển đổi số phải lấy kết quả phục vụ, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo.

Về nhiệm vụ trọng tâm triển khai chuyển đối số, triển khai Đề án 06 thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc BHXH các tỉnh:

Thứ nhất, tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Ngành, Kế hoạch chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao năm 2024 theo đúng tiến độ.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự quyết tâm của người đứng đầu trong triển khai chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06. Phân công nhiệm vụ cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Nâng cao hơn nữa nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành về chuyển đổi số, bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên tương tác với người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, “làm giàu” CSDL quốc gia về bảo hiểm, đẩy mạnh xác thực, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành giúp nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thứ tư, rà soát, đơn giản hóa, liên thông, tích hợp giữa các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số; tuân thủ nghiêm ngặt việc thực hiện nhiệm vụ trên môi trường số để tăng năng suất lao động, quản lý chặt chẽ về thu – chi, phòng chống trục lợi; cắt giảm các TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh nhất, thuận tiện nhất, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ, chính xác.

Thứ năm, tăng cường khai thác nguồn dữ liệu lớn sẵn có của Ngành, đẩy mạnh ứng dụng AI phục vụ quản lý, quản trị, chỉ đạo điều hành, cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định, hoạch định chính sách.

Thứ sáu, đẩy mạnh truyền thông đến người dân về công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và của Ngành BHXH Việt Nam, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành./.

Phạm Chính