Linh hoạt các phương pháp triển khai, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2024
06/08/2024 05:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 6/8, tại Thành phố Cần Thơ, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đôn đốc, hướng dẫn triển khai giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT các tháng cuối năm 2024. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị.
Tham gia Hội nghị có lãnh đạo Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Trung tâm CNTT, Thanh tra BHXH Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo BHXH 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo BHXH các địa phương đã báo cáo về những kết quả đạt được trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong 7 tháng đầu năm; đồng thời, đề ra giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Theo đó, về BHXH bắt buộc, cả 5 địa phương đều thực hiện đạt hơn 90% so với kế hoạch năm; về BHXH tự nguyện đã thực hiện đạt từ 50% tới 55% so với kế hoạch; về BHYT đã thực hiện đạt từ 95% tới 97% so với kế hoạch. Đáng chú ý, có địa phương vượt chỉ tiêu BHYT được giao năm 2024, với tỷ lệ bao phủ 95,02% dân số. Mặc dù tiến độ thực hiện kế hoạch năm đã đạt được kết quả bước đầu, song nhiệm vụ từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều thách thức.
Chủ trì Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã đặt nhiều câu hỏi cho BHXH các địa phương, xoáy vào một số vấn đề như: Từ đầu năm tới nay, công tác tổ chức hội nghị đối thoại với DN được thực hiện ra sao, kết quả như thế nào? Việc triển khai hoạt động ký kết phối hợp giữa 3 bên (BHXH cấp huyện, tổ chức dịch vụ thu, BCĐ cấp xã) để thực hiện chỉ tiêu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã thực hiện tới đâu, hiệu quả ra sao?...
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu, đối với những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của BHXH tỉnh thì lãnh đạo BHXH tỉnh phải giải thích, làm rõ; còn vấn đề nào thuộc phạm vi trách nhiệm của BHXH huyện thì lãnh đạo BHXH tỉnh giới thiệu BHXH huyện trình bày. Theo đó, nguyên tắc là "có làm được thì mới nói được, còn nói chưa thông thì làm khó ổn, vì chưa thuộc bài”. Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng đề nghị, những đơn vị BHXH cấp huyện nào đã đạt và vượt chỉ tiêu năm 2024 cần chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay giúp BHXH các huyện, thị khác tham khảo.
Qua nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu còn đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ hơn nữa những vấn đề liên quan tới “kịch bản thu”. Theo Phó Tổng Giám đốc, trong "kịch bản thu" có mấy vấn đề cốt lõi, đó là phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; hạn chế tỷ lệ DN chậm đóng... “Hiểu rõ và bám sát "kịch bản thu" trong triển khai thực hiện là hết sức cần thiết, đối với BHXH tỉnh cũng như BHXH các huyện, thị. Một ví dụ nhỏ liên quan tới khai thác dữ liệu thuế phục vụ công tác phát triển BHXH bắt buộc, đó là nếu làm đúng, làm đầy đủ, làm trách nhiệm, thì kết quả đạt được sẽ rõ nét hơn...”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ đã tập trung phân tích những khó khăn, thuận lợi trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt những khó khăn trong vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đồng thời đề ra giải đáp, hướng dẫn địa phương về các lĩnh vực này.
Theo Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ Dương Văn Hào, việc tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được xem là giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển BHXH bắt buộc, dựa trên nền tảng khai thác dữ liệu thuế. Do đó, khi tổ chức hội nghị đối thoại, BHXH các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cùng cấp; đồng thời ứng xử với các DN một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức hội nghị khách hàng, truyền thông nhóm nhỏ để công tác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đạt hiệu quả cao.
Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam Bùi Quang Huy lưu ý, một số địa phương Tây Nam Bộ có đặc điểm chung, đó là tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận không tham gia BHXH, BHYT theo luật định. Do đó, Phòng Quản lý Thu-Sổ thẻ và Thanh tra BHXH của BHXH các tỉnh, thành phố phải nắm chắc đối tượng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm gia nhằm tăng thu, giảm nợ BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Liên quan tới vấn đề khai thác dữ liệu thuế, ông Phạm Đăng Khoa- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT cũng cập nhật, giới thiệu nhiều dữ liệu, tính năng, phương thức khai thác dữ liệu hiệu quả... Qua đó, giúp BHXH các địa phương nắm rõ và vận dụng trong thực tế.
Sau khi nghe ý kiến của BHXH các địa phương cũng như đại diện các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu ghi nhận và đánh giá kết quả mà BHXH 05 tỉnh, thành phố đạt được trong 07 tháng vừa qua, nhất là công tác tham mưu cho BCĐ cấp tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, hiện mới có BHXH tỉnh Tiền Giang thành công trong việc đưa chỉ tiêu phát triển BHXH vào chỉ tiêu kinh tế-xã hội của HĐND tỉnh.
Về phát triển người tham gia BHXH bắt buộc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, các địa phương chưa đột phá theo hướng khai thác dữ liệu thuế. Do đó, vào giữa tháng 8 này, dựa trên dữ liệu tiềm năng do Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ cung cấp, các tỉnh phải xây dựng kế hoạch phát triển cho từng huyện, thị xã, thành phố theo từng tháng. Sau đó, mỗi tỉnh phối hợp cùng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ hướng dẫn, chỉ đạo, cùng nhau tổ chức thí điểm tại một huyện, thị xã, thành phố; đồng thời mời Giám đốc BHXH các huyện, thị xã, thành phố khác trên địa bàn tỉnh tới dự để tham khảo, học hỏi.
Về công tác phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị BHXH các tỉnh, thành cũng cần dựa trên dữ liệu tiềm năng để cung cấp cho BHXH cấp huyện và cấp xã; qua đó giúp các tổ chức dịch vụ thu xác định rõ người tham gia tiềm năng. Có như vậy, hiệu quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT mới có thể đạt như mong muốn. Ngoài ra, vấn đề ký kết phối hợp 3 bên (BCĐ xã, BHXH huyện, tổ chức dịch vụ thu) phải được thực hiện sớm.
Trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành trong việc: tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp huyện, xã; đưa chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT vào các Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành phố đến cấp huyện, xã; đề xuất trình Hội đồng Nhân dân (HĐND), UBND tỉnh, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng từ ngân sách địa phương. Phân tích, đánh giá nguyên nhân công tác phát triển người tham gia, để đưa ra các giải pháp phù hợp. Tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia….
Trong công tác thu nợ, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra, kiểm tra đột xuất; điều chỉnh, lựa chọn hình thức thanh tra, kiểm tra phù hợp với từng đơn vị; linh hoạt các phương pháp triển khai, đảm bảo thu hồi được tối đa các khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN.
Hoàng Long
Chi tiết >>
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thăm, tặng quà, làm ...
BHXH Việt Nam quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt ...
Những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần ...
BHXH Việt Nam đồng hành cùng người dân tỉnh Hòa Bình khắc ...
BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi ...
BHXH Việt Nam điều chỉnh thời điểm tổ chức Cuộc thi “Giải ...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh thăm hỏi, động ...
Lãnh đạo BHXH Việt Nam thăm hỏi, động viên đồng bào bị ảnh ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?