Chuyển đổi số có tác động toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân

29/04/2022 01:50 PM


Sáng 27/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022 và thời gian tới. , Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm'', có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại. Chuyển đổi số có tác động toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân".

Cùng tham dự phiên họp tại trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam và các đơn vị nghiệp vụ tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở BHXH Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp

Làm thật, hiệu quả, tiếp cận toàn dân

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tinh thần "quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm thật, làm quyết liệt, làm ra hiệu quả, ra sản phẩm'', có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển, chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại. Chuyển đổi số có tác động toàn dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân", Thủ tướng nêu rõ: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; gắn với quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội hiện nay cũng như các mục tiêu phát triển tới năm 2025, 2030 và 2045; Một số nhiệm vụ cần tập trung như rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế số; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số; huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua việc thúc đẩy hợp tác công tư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản trị hiện đại, phù hợp tình hình, năng lực và trình độ của Việt Nam; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, giám sát thường xuyên để thúc đẩy công việc và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí…

Trong bối cảnh thời gian, nguồn lực đều có hạn, Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cho chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không dàn trải, chia cắt, manh mún, rời rạc, lựa chọn những việc có tác động lan tỏa, hiệu quả ngay để triển khai.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ

Nhiều kết quả ấn tượng

Tại phiên họp, Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban, đã báo cáo về tình hình triển khai Chuyển đổi số quý I/2022. Theo đó, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Ước tính của Bộ, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.

Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 03 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong Quý I/2022, đều đã hoàn thành đúng hạn. Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, các bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 14 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong tháng 3, 4/2022. Do Kế hoạch mới được ban hành ngày 15/3/2022 nên 14 nhiệm vụ này đều đang trong quá trình thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4/2022.

Cũng theo báo cáo, thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai gồm: Dân cư, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, đăng ký doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc. Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý I/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn.

Điểm cầu BHXH Việt Nam

Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng. Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%...

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, ngành vẫn tư duy theo thói quen triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của bộ, ngành. Trong khi đó, chuyển đổi số đặt ra sứ mệnh mới cho các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, thêm nhiệm vụ điều phối, dẫn dắt chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực. Cơ quan nhà nước các cấp còn khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn, chưa mạnh dạn huy động chuyên gia về công nghệ thông tin, chuyên gia về chuyển đổi số cùng tham gia giải quyết vấn đề. Do đây là vấn đề mới, nên năng lực, kỹ năng hoạch định chính sách, điều phối, dẫn dắt của cán bộ, công chức chưa ngang tầm nhiệm vụ đặt ra. Dẫn đến chủ trương, định hướng quốc gia chậm được cụ thể hóa ở mức chi tiết ở mức thực thi xuống cơ sở. Nhiều nhiệm vụ cần sự chuyên nghiệp trong thực thi nhưng không có chuyên gia thực hiện. Chất lượng cung cấp DVCTT, hiệu quả sử dụng DVCTT còn chưa cao; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp.

Triển khai nhiều giải pháp tạo đột phá chuyển đổi số trong thời gian tới

Tại phiên họp, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã phát biểu, thông tin về công tác chuyển đổi số tại đơn vị; đồng thời nêu các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong lĩnh vực này.

Phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh chính ghi nhận, đánh giá các Bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp đã nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, công tác chuyển đổi số cần phải được triển khai hết sức trách nhiệm, nghiêm túc, không hình thức, vì lợi ích của người dân, đất nước. Nhấn mạnh nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Điểm cầu một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Khẳng định chuyển đổi số gắn với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gắn với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng đề nghị Ủy ban tập trung làm một số việc. Đó là, rà soát thể chế, tháo gỡ vướng mắc cũng như hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số; đầu tư công nghệ, hạ tầng để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; huy động nguồn lực, trong đó thúc đẩy hợp tác công-tư, huy động sự đóng góp của người dân; có cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế chung nhưng cũng có những ưu tiên để tạo ra động lực phát triển nhanh chuyển đổi số; đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý chuyển đổi số gắn với đầu tư, nâng cấp hạ tầng, công nghệ, dễ xuất hiện tiêu cực, do đó cần thường xuyên kiểm tra, giám sát; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm liên quan đến quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng cũng yêu cầu đầu tư cho phát triển chuyển đổi số không dàn trải, tập trung đầu tư cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn, phải thiết thực, hiệu quả, có tính lan tỏa, không chạy theo thành tích.

Nêu rõ đây là phiên họp thứ hai của Ủy ban sau khi kiện toàn tổ chức, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ủy ban rà soát, kiểm điểm những việc đã làm được trong 3 tháng đầu năm và đề ra phương hướng công tác trong quý 2, các quý tiếp theo.

Lấy người dân là trung tâm, Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam để hướng tới phát triển một xã hội số; xã hội số phát triển cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển chính phủ số, kinh tế số. Để tạo bước đột phá chuyển đổi số thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung để kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn kinh phí cho chuyển đổi số…

PV