Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

06/04/2022 02:04 PM


Triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cần đảm bảo phát triển kinh tế số nhanh, bền vững, toàn diện, có trọng điểm, gắn liền với đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ chủ quyền số quốc gia, hội nhập quốc tế, nguồn ảnh: Internet

Theo đó, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.

Chiến lược xác định rõ thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, Chiến lược nêu rõ cần giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong phát triển kinh tế số và xã hội số, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, có trọng điểm; gắn với các tiêu chí đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ chủ quyền số quốc gia, hội nhập quốc tế.

Về nội dung phát triển kinh tế số, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Đến năm 2030, Chiến lược này kỳ vọng đạt được các mục tiêu cụ thể như: Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.

Đối với nội dung phát triển xã hội số, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%; tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%.

Ảnh minh họa, nguồn ảnh: Internet

Đến năm 2030, trong lĩnh vực xây dựng xã hội số, Chiến lược này kỳ vọng đạt được các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng cáp quang đạt 100%; tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 95%.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số khẳng định nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý. Điểm đột phá là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn. Cụ thể, cần xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử. Đồng thời, cần xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, các mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.

Chiến lược đã chỉ rõ, để phát triển kinh tế số, xã hội số, cần phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Cần nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Đối với dữ liệu số, Chiến lược xác định việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu. Điểm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, Về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, Chiến lược nêu rõ cần phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số. Điểm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì tổ chức triển khai Chiến lược; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược; chủ trì thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nền tảng số quốc gia và kinh tế nền tảng; đồng thời kiểm tra, giám sát, định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện chiến lược./.