Trợ cấp thất nghiệp chưa nhận có được bảo lưu, mức đóng - hưởng thế nào?
24/09/2024 11:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đối với trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm, thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận tiền trợ cấp sẽ được bảo lưu.
Chị Chinh (Hà Nội) được hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng, từ tháng 10/2023 đến tháng 7/2024. Tuy nhiên, tháng 6 chị Chinh đi làm lại. Chị băng khoăn, như vậy có được bảo lưu 1 tháng chưa hưởng trợ cấp?
Người lao động chưa nhận tiền trợ cấp sẽ được bảo lưu
Theo chị Chinh, khi nghỉ việc vào tháng 9/2023, chị đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 9 năm 3 tháng, nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng (từ ngày 5/10/2023 đến ngày 4/7/2024). Đến ngày 1/6, chị ký hợp đồng lao động mới và được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ tháng 6/2024.
Chị Chinh hỏi: "Tôi thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động có hiệu lực thì tôi có được bảo lưu 1 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa hưởng hay không?".
Thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận tiền trợ cấp sẽ được bảo lưu (Ảnh minh họa: ITN).
Theo BHXH Việt Nam, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ phải dừng nhận trợ cấp khi có việc làm.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm, đối với trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm, thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận tiền trợ cấp sẽ được bảo lưu. Thời gian bảo lưu này được dùng làm căn cứ tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo.
Nghị định số 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết hơn việc thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Luật Việc làm.
Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp vào những ngày của tháng đang hưởng thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp của cả tháng đó.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp. Trong thời hạn 3 ngày làm việc (kể từ ngày có việc làm), người lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm (nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp) và kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu không thông báo đúng thời hạn nêu trên, người lao động sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian mà người lao động chưa nhận trợ cấp (1 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp).
Theo BHXH Việt Nam, căn cứ vào các quy định trên, trường hợp chị Chinh đã thực hiện thông báo về việc có việc làm đúng quy định thì chị sẽ được bảo lưu 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với 1 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp mà chị Chinh chưa nhận (tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 9).
Nguyên tắc đóng - hưởng trong Bảo hiểm thất nghiệp
Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thanh toán số tiền cá nhân đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (1%) vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vì theo nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH trả lời như sau:
Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như bảo hiểm y tế), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm, nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.
Hiện nay, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bình quân tháng là 6.000.000 đồng, một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6.000.000 x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng với 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm).
Như vậy, để có kinh phí chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho một người hưởng tối đa các chế độ thì phải gần 40 người đóng mới đủ. Theo thực tế hiện nay, cứ 12-13 người đóng thì có 1 người hưởng.
Nguyên tắc đóng - hưởng trong bảo hiểm thất nghiệp là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ cụ thể chứ không phải đóng tiền vào quỹ, nếu không gặp rủi ro sẽ được hưởng lại số tiền đã đóng.
Phương Chi
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền ...
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán ...
Hoạt động hiến máu tình nguyện năm 2024: Lan tỏa tinh thần ...
BHXH Việt Nam tăng hạng, xếp thứ 2 về Chỉ số phục vụ người ...
Đổi mới thông tin khoa học và ứng dụng kết quả thực hiện ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?