Toàn ngành BHXH: Dồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

15/09/2020 04:08 PM


Sáng ngày 15/9/2020, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu BHXH, BHYT tháng 9/2020. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Thị Lan Hương; đại diện các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam. Tại điểm cầu địa phương: Lãnh đạo BHXH, Bưu điện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết: Trong tháng 8/2020, toàn quốc chịu ảnh hưởng lớn bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 lần 2. Trong khi đó, các tháng trước vẫn chưa kịp phục hồi, nên dẫn đến tình trạng mặc dù tháng 7 có tăng nhưng số liệu 8 tháng đầu năm tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh bị ảnh hưởng lớn nhất như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà và một số tỉnh có lao động tập trung chủ yếu trong các ngành phục vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn.

Phát triển BH thất nghiệp tương xứng với tỷ lệ BHXH bắt buộc

Song nền kinh tế cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc trong đầu tháng 9 khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Một số doanh nghiệp lớn, sản xuất các mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động và duy trì xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, có 5 địa phương có số người tham gia BHXH bắt buộc trong tháng 8 tăng so với năm 2019. “Qua bức tranh này có thể thấy những kịch bản BHXH Việt Nam dự đoán đều sát với thực tế, nhờ vậy mà BHXH Việt Nam đã đưa ra được các giải pháp phù hợp trong thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.” Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nói.

Phó Tổng Giám đốc yêu cầu, hội nghị lần này là cơ hội để BHXH các tỉnh, thành phố nêu ra được những khó khăn, lý giải được nguyên nhân cụ thể làm ảnh hưởng đến công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, đồng thời đưa ra được các giải pháp cụ thể. Các ban nghiệp vụ lắng nghe, giải đáp băn khoăn, thắc mắc, những vấn đề còn tồn tại, cùng phối hợp giải quyết phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

"Chỉ còn hơn 03 tháng nữa là kết thúc năm 2020, trong khi nhiệm vụ về thu, phát triển đối tượng còn rất nặng nề, mặc dù đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã đạt và vượt chỉ tiêu theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, vì vậy các địa phương cần có những giải pháp khơi dậy sáng kiến hay, cách làm hiệu quả,  tập trung vào phát triển BHXH tự nguyện...; ngoài ra cần nắm bắt thông tin đối với những đối tượng tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo để có giải pháp duy trì đối tượng tham gia BHYT bền vững... Chính vì vậy, từng đơn vị phải có giải pháp cụ thể, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương…"-Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì Hội ngh

Báo cáo những kết quả thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong tháng 8 và 08 tháng đầu năm, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, số người tham gia BHXH là 15,35 triệu người, đạt tỷ lệ 89% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, chiếm khoảng 31,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,56 triệu người, tăng 28 nghìn người so với tháng 7/2020, giảm 637 nghìn người so với cuối năm 2019.

Có 05 BHXH tỉnh, thành phố tăng đối tượng so với tháng 7 và tăng so với năm 2019: Bắc Giang (tăng 9.551 người, lũy kế tăng 11.858 người so với năm 2019), Bắc Ninh (tăng 11.143 người, lũy kế tăng 23.148 người so với năm 2019), Nghệ An (tăng 2.054 người, lũy kế tăng 614 người so với năm 2019), Quảng Ngãi (tăng 438 người, lũy kế tăng 1.176 người so với năm 2019), Sóc Trăng (tăng 279 người, lũy kế tăng 462 người so với năm 2019).

Số người tham gia BHXH tự nguyện là 786 nghìn người, tăng 48,9 nghìn người so với tháng 7/2020, tăng 349 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, tăng 212 nghìn người so với cuối năm 2019. 02 BHXH tỉnh, thành phố hoàn thành vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao (Kon Tum 120,3%, Hà Tĩnh 109,7%); một số địa phương đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch giao (Hải Dương 96,6%, Quảng Bình 89,2%, Nghệ An 86,6%, Sơn La 86,3%, Hậu Giang 86,2%, …). 57 BHXH tỉnh, thành phố có số đối tượng tăng so với tháng 7 và tăng so với năm 2019, một số tỉnh tăng nhiều đối tượng: Hà Tĩnh (tăng 2.571 người, lũy kế tăng 12.169 người so với năm 2019), Phú Thọ (tăng 2.001 người, lũy kế tăng 8.003 người so với năm 2019), Nghệ An (tăng 3.541 người, lũy kế tăng 14.532 người so với năm 2019), Thanh Hóa (tăng 3.068 người, lũy kế tăng 13.696 người so với năm 2019), Hà Nội (tăng 1.804 người, lũy kế tăng 7.570 người so với năm 2019)…

Số người tham gia BH thất nghiệp là 12,81 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 26% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 85 nghìn người so với tháng 7/2020.

Số người tham gia BHYT là 86,42 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia BHYT; tăng 506 nghìn người so với tháng 7/2020, tăng 492 nghìn người so với cuối năm 2019. 48 BHXH tỉnh, thành phố có số đối tượng tăng so với tháng 7 và tăng so với năm 2019, một số tỉnh tăng nhiều: Hà Nội (tăng 27.687 người, lũy kế tăng 52.866 người so với năm 2019), Đồng Tháp (tăng 10.622 người, lũy kế tăng 41.613 người so với năm 2019), Bắc Ninh (tăng 15.857 người, lũy kế tăng 53.215 người so với năm 2019), Kiên Giang (tăng 12.102 người, lũy kế tăng 33.341 người so với năm 2019), Vĩnh Phúc (tăng 8.625 người, lũy kế tăng 33.659 người so với năm 2019)…Số thu trong tháng 8/2020  đạt 60,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, giảm 3,4% so với tỷ lệ thu cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020, toàn quốc giải quyết mới cho 74 doanh nghiệp với 9.505 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 56 tỷ đồng; 643 doanh nghiệp đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất báo tăng 61.067 lao động và kết thúc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 205 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2020 còn 954 doanh nghiệp, với 79.522 lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 362,6 tỷ đồng. Xác nhận Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của doanh nghiêp đối với 164.916 lao động. Xác nhận Danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của đơn vị, doanh nghiệp là 585 lao động.

Toàn ngành làm việc trực tiếp, nắm bắt tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi covid-19 với 5.091 đơn vị, trong đó: 1.793 đơn vị với 113.265 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. 3.064 đơn vị với 161.625 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động. 234 đơn vị với 13.914 lao động ngừng việc nhưng vẫn hưởng tiền lương theo thỏa thuận. Làm việc, đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT với 71.726 doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thu hồi 4.350 tỷ đồng...

BHXH các địa phương tham gia Hội nghị

Dồn lực thực hiện các giải pháp phát triển BHXH tự nguyện

Đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2020, BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu với Thành ủy, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn, kèm theo giao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đối với từng quận, huyện, thị xã, thành phố (trong đó, xây dựng cụ thể các nội dung, giải pháp thực hiện, giao cho các cấp, các ngành, các địa phương; đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình).

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức (tập trung chủ yếu bằng hình thức trực tiếp, tuyên truyền quan mạng xã hội, …). Gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT đến đại lý thu BHXH, BHYT để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia. Triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để khai thác, phát triển đối tượng. Tích cực triển khai thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên để đôn đốc công tác thu, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thường xuyên bám sát đơn vị sử dụng lao động, cơ quan tài chính, cơ quan LĐ-TB&XH chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời, đặc biệt là đôn đốc ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện. Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan LĐ-TB&XH, doanh nghiệp lập hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở LĐ-TB&XH triển khai BHYT học sinh sinh viên năm học 2020 - 2021, phấn đấu 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT (đặc biệt triển khai, rà soát đối với các trường dạy nghề do ngành LĐ-TB&XH quản lý). Phát động phong trào thi đua hằng tháng với chủ đề: đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, công tác thu, giảm nợ năm 2020 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, Ban thu xây dựng kịch bản giao chỉ tiêu từng tháng cho các tỉnh, trên cơ sở số liệu cụ thể từng vấn đề, đối tượng, số tiền thu, số tiền nợ để đưa ra kế hoạch chi tiết. Kèm theo đó các giải pháp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đôn đốc và thậm chí phối kết hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đánh giá, họp bàn; cần thiết triển khai các buổi làm việc theo khu vực hoặc tại BHXH Việt Nam.

Vụ Thi đua - Khen thưởng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chấm điểm thi đua; kịp thời động viên, khen thưởng những sáng kiến hay, cách làm tốt tại địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm nghiệp vụ trong thu, phát triển đối tượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra đặc biệt là thanh tra chuyên ngành. Đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, hướng dẫn cán bộ thu, sổ - thẻ, tài chính kế toán, truyền thông và phát triển đối tượng, tổ chức thực hiện phần mềm, thu nợ.../.

PV