Ngành BHXH: Nỗ lực triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2020

14/09/2020 05:43 PM


Chiều 14/9, tại trụ sở BHXH Việt Nam, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban tháng 09/2020. Cùng tham dự hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; cùng lãnh đạo các vụ, ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam.

Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội 

Tại hội nghị, theo báo cáo tóm tắt kết quả công tác của Ngành 08 tháng năm 2020 doChánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh trình bày,  ngành BHXH đã đạt được một số kết quả, cụ thể: Về số người tham gia, toàn quốc đã có 15,3 triệu người tham gia BHXH, đạt 31,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,81 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ khoảng 26% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là 86,42 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ  89,2% dân số. Tổng số thu đạt 60,34% so với kế hoạch.

Toàn Ngành đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan hỗ trợ kịp thời các đơn vị trong việc khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố tính đến tháng 9/2020, có 954 đơn vị được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tương ứng với 79.522 lao động).

Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh báo cáo tại Hội nghị.

Đặc biệt, thực hiện thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho khoảng 13,329 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú; ước số tiền khoảng 8.417 tỷ đồng. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB thực hiện tốt công tác KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia; thanh toán kịp thời chi phí KCB BHYT trong thời gian phòng, chống dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân từ những khu vực nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao; kịp thời cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch.

Tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, người dân trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 15 DVC; tiếp nhận gần 3.500 hồ sơ thực hiện DVC qua Cổng DVC Quốc gia, trong đó, có một số DVC có tần suất thực hiện lớn như: DVC Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất (1.499 trường hợp); các DVC thanh toán trực tuyến (Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, Đóng tiếp BHXH tự nguyện: 925 trường hợp); các DVC hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (838 trường hợp).

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được đẩy mạnh. Xây dựng Kế hoạch sản xuất các sản phẩm truyền thông mới trên Fanpage BHXH Việt Nam; Kế hoạch thành lập và vận hành Kênh Youtube BHXH Việt Nam; tiếp tục vận hành an toàn, hiệu quả Cổng Thông tin điện tử, Fanpage BHXH Việt Nam, Hệ thống Chăm sóc khách hàng (Call Center).

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Manh đánh giá, 08 tháng năm 2020, toàn Ngành đã chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; chủ động, tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người tham gia; triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã được đẩy mạnh, trong đó đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Từng bước thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động KCB để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ KCB BHYT; kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý BHXH, BHYT.

Nỗ lực triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm

Ngoài những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên toàn quốc. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc…, dẫn đến số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giảm; số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giảm; số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng lên.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19, như: giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ, thu gom mua bán sổ BHXH để trục lợi.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban tháng 09/2020.

Tỷ lệ giao dịch điện tử trong lĩnh vực thanh toán trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai hồ sơ điện tử. Một số phần mềm nghiệp vụ đang trong quá trình hoàn thiện, nâng cấp còn phát sinh lỗi cần tiếp tục khắc phục, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ giải quyết công việc.

Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại này, Hội nghị đã đề ra những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong các tháng cuối năm năm 2020 để toàn Ngành cùng tập trung, quyết liệt triển khai gồm:

1. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

2. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHT thất nghiệp; hoàn thiện các văn bản, quy định, hướng dẫn để triển khai trong toàn Ngành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

3. BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu với Thành ủy, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn; tiếp tục rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

4. Tiếp tục triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của Ngành năm 2020.

5. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới toàn diện nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

6. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 được giao; chủ động thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động.

7. Phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công ích; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BH thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020.

8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

9. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành.

10. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức và người lao động; phát huy tối đa tính năng, tác dụng của Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý, giải quyết công việc của các đơn vị, công chức, viên chức trong toàn Ngành./.

PV