Năm 2023: Sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế bản giấy
11/09/2020 11:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đến năm 2023, sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Quyết định số 612/QĐ-BNV ngày 04/9/2020 về Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành.
Về mục tiêu chung, Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được ban hành làm cơ sở thực hiện việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trên cơ sở mục tiêu điện tử hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của các cấp có thẩm quyền tham mưu thực hiện về chế độ, chính sách và phát triển đổi ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương.
Sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế bản giấy từ năm 2023. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia ở các lĩnh vực khác và phải được cập nhật thường xuyên, liên tục, liên thông trong toàn hệ thống, tiến tới việc thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Bảo đảm kế thừa kết quả đã triển khai của các cơ quan bộ, ngành và địa phương và yếu tố bảo mật đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước đặc thù (cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin), thông qua các giải pháp chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp để tạo lập, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; bảo đảm tiến độ xây dựng và đưa vào quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức theo đúng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 về Phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước (sau đây viết tắt là Đề án).
Thiết lập hệ thống phân cấp, phân quyền người dùng đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để tự cập nhật thường xuyên, liên tục những thông tin bổ sung, có thay đổi của bản thân cán bộ, công chức, viên chức theo quy định trong công tác cán bộ và được liên thông trong toàn hệ thống chính trị.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước. Trong đó, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế (danh mục thông tin, biểu mẫu kê khai hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, lưu trữ điện tử; hệ thống các chuẩn thông tin, chỉ dẫn kỹ thuật, chuẩn kết nối, chia sẻ và bảo mật dữ liệu liên quan để phục vụ việc chuẩn hóa, chuyển đổi, cập nhật và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức).
Năm 2021, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước tại Bộ Nội vụ; các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; các giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa và cập nhật bổ sung dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế vào cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành và địa phương; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tập trung tại Bộ Nội vụ.
Năm 2022 và các năm tiếp theo, đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan Nhà nước.
Đến năm 2023, sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu bầu cử.... Từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan Nhà nước qua hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và địa phương để thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.
Về công tác tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ được giao trong Đề án. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án theo kế hoạch nêu trong bản Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai Đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện Đề án (nếu có); tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nội dung Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án và bản Kế hoạch này ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu đề ra.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng, chuẩn hóa và cập nhật cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý; tổ chức quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức tại bộ, ngành, địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và phù hợp thực tế quản lý của bộ, ngành địa phương; xây dựng, nâng cấp hoặc chỉnh sửa phần mềm theo quy chuẩn kỹ thuật chung do Bộ Nội vụ ban hành, đảm bảo yêu cầu công tác quản lý của cơ quan.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai Đề án thông qua Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?