Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm COVID-19
18/10/2021 02:37 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Sở Y tế, cơ sở trực thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành, y tế tư nhân khẩn trương, nghiêm túc thông tin rõ ràng, minh bạch, cũng như chấn chỉnh việc thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Văn bản nêu rõ, đến nay, Bộ Y tế chưa có báo cáo mặc cho dư luận tiếp tục phản ánh những bất cập trong xét nghiệm COVID-19 tại cơ sở y tế, đặc biệt chi phí xét nghiệm vượt quá sức chịu đựng của người bệnh, kể cả người có bảo hiểm y tế.
Từ tháng 5/2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có công điện quy định người có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì bảo hiểm chi trả, phần đồng chi trả và người không có thẻ bảo hiểm sẽ chi từ nguồn ngân sách phòng, chống dịch.
Nhân viên y tế phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà. (Ảnh: DCS)
Cùng với việc khẳng định người bệnh không phải trả bất kỳ chi phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế kiểm tra việc thực hiện quy định về giá đối với cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân, xử lý nghiêm vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh tăng giá dịch vụ, trong đó có dịch vụ xét nghiệm.
Trong khi thực tế ghi nhận có không ít cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm toàn bộ người đến điều trị nội trú, bất kể nghi mắc COVID-19 hay không, và người bệnh phải trả phí.
Câu hỏi đặt ra là vì sao tới nay Bộ Y tế vẫn chưa thực hiện trọn vẹn yêu cầu "đúng vai, thuộc bài" theo nội dung Công văn 6665/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phí xét nghiệm COVID-19. Mặc dù sau đó vài hôm, ngày 28/9/2021, Bộ Y tế đã có Công văn 8157/BYT-KHTC đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thuộc Trung ương; các cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ, ngành; các cơ sở y tế tư nhân nghiêm túc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19. Như vậy, việc Bộ Y tế đợi Phó Thủ tướng "nhắc nhở" là một việc không nên.
Đối với các cơ sở y tế tư nhân vi phạm trong thực hiện giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19, trong Công văn 8157/BYT-KHTC nêu rõ giao Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định của pháp luật về giá. Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo Luật gia Nguyễn Thế Bách, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nếu phát hiện vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể phạt hành chính với hình thức phạt chính là cảnh cáo; phạt tiền. Ngoài ra tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…; giấy phép hoạt động Ngân hàng mô; chứng chỉ hành nghề dược; chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; trục xuất.
Thậm chí, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, nếu đủ cấu thành tội phạm thì có thể bị khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật hình sự.
Về mặt pháp lý, ngay từ thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát, tại Công điện 615 ngày 7/5/2021 và Công điện 628 ngày 10/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã quy định đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công lập nếu nghi ngờ mắc COVID-19 và được chỉ định xét nghiệm thì thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại Công văn 1126/BHXH ngày 29/4/2021; các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 được cấp có thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Như vậy, phải khẳng định lần nữa rằng trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và Ngân sách nhà nước thì thu theo mức giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, Công văn 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021; không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm COVID-19.
Cụ thể, Công văn 5378/BYT-KHTC nêu rõ, mức giá xét nghiệm nhanh trước ngày 01/7/2021 với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thực hiện theo mức giá 238.000 đồng; đối tượng không thanh toán BHYT thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng
Từ ngày 01/7/2021 thực hiện thực thanh thực chi các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm: vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công: cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng, chống dịch.
Chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh thực chi: chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Ví dụ, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu test nhanh là 135.000 đồng/test. Nếu người có thẻ bảo hiểm y tế đủ điều kiện được thanh toán và là đối tượng được hưởng mức 80% chi phí khám chữa bệnh thì được chi trả theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của một lần xét nghiệm nhanh là 135.000 đồng x 80% = 108.000 đồng. Phần đồng chi trả 27.000 đồng và các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp hiện hành.
Đối với việc xét nghiệm kháng nguyên phát hiện SARS-CoV-2 trên máy miễn dịch, nếu trường hợp phải thực hiện quy trình lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm tương tự như đối với trường hợp lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm đối với xét nghiệm RT-PCR thì tạm thời thu và thanh toán chi phí dịch vụ “lấy mẫu và bảo quản bệnh phẩm” theo mức giá 100.000 đồng/mẫu.
Chi phí thực hiện xét nghiệm tạm thời thực hiện thực thanh thực chi; cụ thể: chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Các chi phí về vật tư, hóa chất, điện, nước, nhân công liên quan đến quá trình thực hiện xét nghiệm: cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng, chống dịch.
Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế.
Có thể thấy, gánh nặng chi phí xét nghiệm COVID-19 đang thực sự là một trong các bài toán đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, cá nhân có nhu cầu di chuyển và xét rộng ra là chi phí cho cả xã hội trong một chu kỳ đầu tư nhất định, một khoảng thời gian nhất định, và tính phù hợp với thực tiễn.
Đó là chưa kể tới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng giấy xét nghiệm trên thực địa, việc tuân thủ có nghiêm không hay vẫn có hiện tượng mua bán giấy xét nghiệm giả nhằm qua mặt lực lượng chức năng, có thể là nguyên nhân, nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới lây lan dịch bệnh.
Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề trên, một mặt cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Công văn 8157/BYT-KHTC ngày 28/9/2021 của Bộ Y tế, mặt khác Bộ Y tế cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm COVID-19 căn cứ sự biến động của dịch bệnh và sự kiểm soát của các địa phương./.
PV