Tập trung khôi phục, phát triển thị trường lao động sau đại dịch COVID-19
15/10/2021 07:25 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/QĐ-TTg và triển khai Nghị Quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Cùng dự có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và 142 điểm cầu trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo đánh giá chung của Chính phủ, đến nay, cả nước đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, toàn quốc chính thức chuyển sang giai đoạn mới, chủ động thích ứng, chung sống an toàn với đại dịch. "Có thể nói, đỉnh dịch đợt bùng phát thứ 4 này đã qua đi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương( nguồn: Internet)
Bộ trưởng nhận định, từ 01/7 đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương đã triển khai rất khẩn trương, rất quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68. Bộ trưởng đánh giá rất cao các địa phương, nhất là 23 tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất nhiều, có nhiều cách làm mới, đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. “Chính phủ luôn nhận định: An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh kéo dài, phức tạp, những diễn biến mới ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, việc làm, sinh hoạt của người dân, khi dòng người từ thành phố, đô thị, khu đông dân cư kéo về quê, về địa phương, về nông thôn với số lượng rất lớn. Điều này dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số bộ phận, lĩnh vực, địa bàn, đòi hỏi sớm khôi phục và phát triển thị trường lao động, góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế.
Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, là một bộ phận cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Những đề xuất trong buổi họp ngày hôm nay sẽ được chuyển cho ban chỉ đạo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội xem xét, nhằm xây dựng giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH các địa phương tham dự Hội nghị (nguồn: Internet)
Tính đến ngày 14/10: Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc). Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng . Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).
Kết quả triển khai nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg: Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia BH thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động. Thực hiện hướng dẫn của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của các địa phương, có 2.184 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 41 trẻ mồ côi cả cha và mẹ; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 1.426 trẻ em mồ côi. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 05 triệu đồng/trẻ em) và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 01 triệu đồng/trẻ em).
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)
Sau khi nghe các điểm cầu báo cáo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt tập thể lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH gửi lời cảm ơn tới ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngành ngân hàng chính sách xã hội, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương khi luôn luôn quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra giám sát, ban hành nhiều chủ chương, chính sách mới, đi trước, đón đầu, mở rộng thêm đối tượng, tăng cường hơn lực lượng và cơ sở vật chất hỗ trợ người lao động; gửi lời cảm ơn tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đã hết mình với công việc, không ngại khó, ngại khổ, không ngại hiểm nguy trong quá trình thực hiện chính sách.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn trên bình diện chung thì diện bao phủ của chính sách cơ bản đã tới với người dân. Đến giờ này, Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và mới đây là Nghị quyết 126 sửa đổi đã đi vào cuộc sống, được nhân dân ghi nhận, giúp người dân khắc phục một phần khó khăn trong cuộc sống.
“Nhìn tổng quát, từ Nghị quyết 42, đến Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 là những chính sách rất nhân văn, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ người lao động, chung sức chung lòng cùng người dân vượt qua khó khăn. Từ chính sách này, phần đông người lao động khắc phục khó khăn vươn lên, phần lớn doanh nghiệp chia sẻ với người lao động, chung tay cùng vượt qua đại dịch. Các chính sách không chỉ hướng tới người lao động, công nhân mà còn rất nhiều đối tượng yếu thế đã được chăm lo như người già, trẻ em mồ côi, người khuyết tật… Thời gian qua, các chính sách đã được triển khai quyết liệt, nhanh chóng, đơn giản hóa về thủ tục để đến với người dân. Bên cạnh đó là hàng loạt các sự hỗ trợ khác như: túi an sinh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm…” Bộ trưởng nói.
Ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất, do tình hình dịch bệnh diễn biến quá nhanh, đối tượng rất đông nên một bộ phận người dân chưa được thụ hưởng chính sách, một số đối tượng còn bị bỏ sót…. Thời gian tới, những cái còn chưa tốt, khiếm khuyết cần tập trung khắc phục; tập trung tuyên tryền, giải thích đầy đủ những chính sách đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để người dân, người lao động, doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt là Nghị quyết 68 đã được sửa đổi rất căn bản tại Nghị quyết 126.
Thứ hai, cần quan tâm đến một số đối tượng chưa tiếp nhận được chính sách như: lực lượng lao động bị chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng BHTN, không được hưởng lương; một số đối tượng lao động tự do ở các địa phương đã được chính quyền cho vào đối tượng nhưng chưa được hưởng chính sách; quan tâm đến gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai nhóm chính sách về đào tạo, đào tạo lại người lao động …
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động. Bộ trưởng đề nghị cần tăng cường công tác giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là công tác hoàn thiện hồ sơ giấy tờ, đảm bảo chính sách thông thoáng nhưng không để trục lợi. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, căn cứ vào thực tiễn, Bộ sẽ lập đoàn kiểm tra để cùng tháo gỡ với các đơn vị còn vướng mắc
Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát lại tình hình lao động, sản xuất kinh doanh dưới góc độ trách nhiệm của ngành để đánh giá thực chất tình hình lao động, việc làm và tình hình thiếu hụt lao động, cơ cấu lao động, chuyển dịch lao động. Qua đó kiến nghị các giải pháp, chính sách nhằm giữ chân người lao động, thu hút lao động quay trở lại làm việc và điều tiết lực lượng lao động, góp phần phục vụ công tác sơ kết của Chính phủ, hoàn thiện đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động để kịp thời bổ sung vào cơ chế chính sách cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
PV