Người lao động nên thận trọng khi nhận BHXH một lần
08/09/2017 03:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian gần đây, theo thống kê của BHXH, số người nhận BHXH một lần gia tăng. Trước thực tế này, các chuyên gia trong ngành bảo hiểm xã hội đã lên tiếng cho rằng, người lao động cần hết sức thận trọng cân nhắc để hưởng BHXH một lần vì nếu so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần là rất thiệt thòi cho bản thân người lao động.
Nguy cơ mất chỗ dựa khi về già
Nhiều chuyên gia chung nhận định rằng, việc ra khỏi lưới an sinh xã hội không ảnh hưởng tới Quỹ BHXH nhưng lại khiến người lao động có nguy cơ mất chỗ dựa khi về già, đó là một thực tế mà người lao động đang gặp phải. Tuy vậy, do hoàn cảnh cuộc sống và nhận thức chưa đầy đủ, nhiều người lao động đang “vướng” vào vấn đề bất cập này.
Trên thực tế, đời sống trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương còn thấp nên NLĐ muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải trước mắt, chưa nghĩ đến khi về già. Nhiều lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp không có ý định gắn bó lâu dài. Họ làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn. Cũng có nhiều người lo sợ sẽ nhiều rủi ro, trượt giá, mất hết quyền lợi nên chỉ muốn cầm tiền trong tay cho chắc ăn.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời nên NLĐ chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật BHXH năm 2014; đặc biệt là quy định về giải quyết BHXH một lần. Nếu hiểu rõ được lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, nhiều người sẽ không nhận BHXH một lần để có cơ hội nhận lương hưu khi về già.
Chính vì thế mà tỷ lệ nhận BHXH một lần ngày càng có chiều hướng tăng cao. Năm 2016, Hà Nội có gần 49.000 người hưởng BHXH một lần với số tiền chi trả hơn 943 tỷ đồng. Đến tháng 5/2017, có gần 10.000 người hưởng BHXH một lần với số tiền hơn 328 tỷ đồng. Trong khi đó, con số cùng kỳ năm ngoái là 5.800.
Tính trên toàn quốc, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy 4 năm qua có khoảng 2,5 triệu người xin lĩnh BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người. Năm 2016, có 665.000 người và dự kiến năm 2017 là 690.000. Khi trao đổi với người lao động, chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân của sự lựa chọn này cũng vì cuộc sống mưu sinh hiện nay không dễ dàng, tâm lý phải chờ đợi lương hưu khiến họ nản lòng.
Theo ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, chủ yếu vẫn do thu nhập thấp. Người lao động dù biết ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, nhưng vì khó khăn nên phải lo trước mắt. Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách “thải loại” công nhân nhiều tuổi để tránh đóng BHXH, hay doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH khiến người lao động lo lắng.
Chị Nguyễn Hương Giang (48 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) làm việc trong một công ty có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và đang làm thủ tục để hưởng một lần. Chị dự định dùng số tiền này góp vốn cùng bạn bè mở quán bán quần áo và kinh doanh một số mặt hàng gia đình. Chị Giang cho rằng, nếu để hưởng lương hưu thì phải chờ thêm 7 năm nữa, trong khi trước mắt đang rất cần tiền để làm ăn. Khi đó, số tiền hưu ít ỏi mỗi tháng khó lòng lo nổi cuộc sống khó khăn khi mà vật giá leo thang mỗi ngày.
Mặt khác, có một số thay đổi trong chính sách BHXH thời gian gần đây như tăng thời gian đóng thêm 5 năm để hưởng tối đa lương hưu, dự định kéo dài tuổi nghỉ hưu… khiến nhiều người chọn nhận tiền một cục hoặc về hưu sớm. Quả thực đây là tình trạng đáng báo động với các nhà quản lý chính sách bởi mục tiêu là mở rộng diện bao phủ BHXH nhưng ngày càng nhiều người chọn ra. Về lâu dài, người lao động sẽ thiệt thòi khi chưa già đã tiêu hết tiền dưỡng già. Sau này, khi không được hưởng hưu trí thì họ trở thành gánh nặng với xã hội.
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết, số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là công nhân khu công nghiệp, các vùng dễ dàng di chuyển lao động. Họ thường làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, đóng BHXH lấy vốn sau này về quê làm ăn. Bài học là những năm 1990, nhiều người chọn hưởng chế độ thôi việc, lĩnh tiền một lần (nay là BHXH một lần) theo Quyết định 176, lấy “một cục” đem đi gửi tiết kiệm vì lãi suất lúc đó rất cao. Sau đó, đồng tiền mất giá khiến họ thiệt thòi. Có người muốn trả lại số tiền đã nhận để được tham gia vào quỹ hưu trí, nhưng không được vì pháp luật không cho phép. Theo ông Được, người lao động thực sự khó khăn, khi chọn hưởng BHXH một lần thì nên trực tiếp gặp cơ quan BHXH để được tư vấn, đến lúc đó quyết định cũng chưa muộn.
Không khuyến khích nhận BHXH một lần vì an sinh xã hội bền vững
Đó là điều mà phía BHXH khẳng định trước thực tế hiện nay. Theo ông Đỗ Ngọc Thọ – Phó ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN) cho rằng khi nhận BHXH một lần thì người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10, 25, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng). “Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được” – ông Thọ nhấn mạnh.
Tại Hội nghị trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách các cơ quan báo chí năm 2017, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, nếu nhận BHXH một lần, NLĐ chịu nhiều thiệt thòi.
Người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn hưởng BHXH một lần.
Phân tích những thiệt thòi mà NLĐ phải chịu khi hưởng BHXH một lần, TS. Lợi cho biết, hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14% có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương, nhưng nếu hưởng 1 lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, quỹ BHXH không hề bị ảnh hưởng nhưng NLĐ lại chịu thiệt thòi, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Đưa ra ví dụ một trường hợp ông A đóng BHXH 20 năm rồi nhận 45 triệu về hưu mở quán phở. Liệu ông A bán phở được bao nhiêu năm? Chưa nói đến việc kinh doanh không thành công, nếu đến 60 tuổi ông A không còn đủ sức khỏe, thì làm gì cho đến 80 tuổi để được hưởng 270.000 đồng của Nhà nước? Như vậy, theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, NLĐ có lương hưu sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn, bảo đảm cuộc sống khi về già.
Ngoài lương hưu hàng tháng được nhận, NLĐ được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, do quỹ hưu trí tử tuất bảo đảm. Như vậy, NLĐ không phải lo lắng khi ốm đau, bệnh tật. Khi NLĐ bị chết, thân nhân được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc tuất một lần. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn hơn gấp nhiều lần.❏
Theo NB & CL