TP. Hồ Chí Minh sẽ cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nhiễm HIV
08/09/2017 03:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong buổi họp giao ban khối y tế dự phòng sáng 6/9, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng. chống HIV/AIDS TPHCM cho biết, những bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS có hộ khẩu ở TPHCM và bệnh nhân có thời gian tạm trú trong 6 tháng sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí và hỗ trợ chi phí đồng chi trả thuốc kháng HIV.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đã có thẻ BHYT còn hạn sử dụng đến hết tháng 12/2017 sẽ không được cấp. Cuối năm nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS sẽ rà soát tổng hợp để mua thẻ BHYT cho năm 2018.
Nếu bệnh nhân chỉ cần ngừng thuốc một tuần lễ thì sẽ dẫn đến kháng thuốc
Bác sĩ Thu Vân cho hay, hiện nay Bộ Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS đang đẩy mạnh hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng BHYT để đảm bảo bệnh nhân điều trị liên tục. Vì từ năm 2018 đến 2020, nguồn thuốc từ nhà viện trợ giảm dần và chấm dứt hẳn. Do đó, để người nhiễm HIV tiếp tục được điều trị bằng BHYT tại các phòng khám ngoại trú ở Trung tâm y tế thì bệnh nhân phải có thẻ và cũng phải sử dụng thẻ BHYT.
"90% bệnh nhân đang điều trị tại các Trung tâm y tế quận huyện chưa sử dụng thẻ BHYT để nhận các dịch vụ khác như điều trị các nhiễm trùng cơ hội ngay tại cơ sở điều trị. Vì vậy, việc đảm bảo cho bệnh nhân phải sử dụng được thẻ BHYT vào đầu năm 2018 đang là một thách thức rất lơn", bác sĩ Vân cho biết thêm. Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TPHCM, việc dự trù thuốc ARV qua BHYT tại TPHCM đã bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2017 gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu có các cơ sở như Bệnh viện Nhiệt Đới; Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; Bệnh viện quận 1, Thủ Đức; Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú, quận Thủ Đức và Bình Chánh sẽ nhận thuốc vào tháng 12/2017 để chuẩn bị điều trị cho bệnh nhân vào đầu năm 2018. Trong giai đoạn 2, các cơ sở còn lại sẽ được chuyển về vào tháng 5/2018 để chuẩn bị điều trị cho tháng 6/2018. Để đảm bảo cho bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng thẻ BHYT các Trung tâm y tế quận huyện cũng kiến nghị nên xác nhập trung tâm và bệnh viên quận huyện vào cuối năm 2017. Những trung tâm không thể thành lập phòng khám đa khoa trong năm 2017 thì chuyển bệnh nhân sang bệnh viện để điều trị. Theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, hiện phác đồ điều trị trong BHYT chỉ có phác đồ điều trị bậc 1, trong khi đó tỉ lệ hiện tại kháng thuốc ở bậc 2 chiếm 5%. Chi phí điều trị bậc 2 phụ thuộc vào nhà tài trợ, giá gấp 5 đến 10 lần bậc 1 và BHYT chưa thanh toán nên kháng thuốc sẽ gây ra một hệ lụy lớn đối với khống chế dịch ở TPHCM. "Dù có thay đổi thì 21/24 phòng khám ngoại trú điều trị trên 500 bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị bệnh nhân qua BHYT để đảm bảo công tác điều trị. Nếu bệnh nhân chỉ cần ngừng thuốc một tuần lễ thì sẽ dẫn đến kháng thuốc", bác sĩ Thu Vân cho biết.
Theo thống kê, đến tháng 7/2017 cả nước có 120.000 bệnh nhân đang điều trị ARV tại 403 cơ sở. Riêng tại TPHCM có 31.000 bệnh nhân đang điều trị tại 31 cơ sở. Hiện nay, trên cả nước có 296 cơ sở đã ký với BHXH nhưng chỉ có 221 cơ sở đã thanh toán được dịch vụ bằng BHYT.
Theo tin tức