BHXH TP.HCM lan tỏa mạnh mẽ chính sách BHXH, BHYT trong Tháng BHXH toàn dân

16/05/2025 03:16 PM


Tháng 5 hằng năm, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng lại sôi nổi tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Đây là một hoạt động chính trị - xã hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm lan tỏa thông điệp về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH đến mọi tầng lớp nhân dân. Năm nay, BHXH TP.HCM đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều giải pháp truyền thông, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, đoàn thể và người dân, tạo nên một khí thế sôi nổi, “phủ sóng” thông tin đến từng ngõ, từng nhà.

Nhiều hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo

Ngay từ đầu tháng, BHXH TP.HCM đã ban hành kế hoạch truyền thông cụ thể, chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng phòng ban, từng quận, huyện và TP Thủ Đức. Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, phong phú: từ tuyên truyền trực tiếp qua các hội nghị, đối thoại, tọa đàm, cho đến gián tiếp qua báo chí, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, pano, áp phích, băng rôn, tờ rơi…

Đặc biệt, năm nay BHXH TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa sức lan tỏa của các nền tảng số. Các video clip ngắn, infographic… được đăng tải trên Fanpage, Youtube, Zalo của BHXH TP.HCM và các đơn vị phối hợp. Việc truyền thông trên nền tảng số không chỉ tiếp cận được đông đảo người trẻ, lao động công nghệ mà còn giúp lan tỏa thông điệp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Song song đó, BHXH thành phố còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động TP.HCM… tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn, đối thoại chính sách tại khu dân cư, khu công nghiệp, chợ truyền thống, chùa, nhà thờ… nhằm đưa thông tin chính sách đến tận tay người dân, người lao động.

Một trong những hoạt động nổi bật nhất là Lễ ra quân hưởng ứng Tháng BHXH toàn dân năm 2025 với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - An tâm cho mọi gia đình”. Sau phần nghi thức, đoàn diễu hành bằng xe ô tô, xe máy mang theo băng rôn, cờ phướn, loa phát thanh di chuyển qua nhiều tuyến phố, tạo nên một hình ảnh đẹp, thu hút sự chú ý của người dân. Sau khi tổ chức diễu hành, phát thanh lưu động, là tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư, cán bộ BHXH phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ dân phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ, đoàn thanh niên đến tận nhà người dân để vận động, hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện.

Nỗ lực lan tỏa chính sách nhân văn

Theo lãnh đạo BHXH TP.HCM, mục tiêu lớn nhất của Tháng BHXH toàn dân là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, khuyến khích người dân tự nguyện tham gia BHXH để có lương hưu, có thẻ BHYT khi về già, không phải phụ thuộc con cháu, không lo chi phí khám chữa bệnh lúc tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít người dân, đặc biệt là lao động tự do, phi chính thức vẫn chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH tự nguyện. Một bộ phận còn e ngại mức đóng, thời gian tham gia chưa thấy được lợi ích lâu dài.

Chính vì vậy, công tác truyền thông được xem là “chìa khóa” để mở cánh cửa an sinh xã hội bền vững. Thông qua các hoạt động của Tháng BHXH toàn dân, BHXH TP.HCM muốn giúp người dân hiểu đúng, đủ và tin tưởng vào chính sách; đồng thời tháo gỡ các rào cản tâm lý, tạo động lực để người dân chủ động tham gia.

Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng được lan tỏa trong đợt này là trường hợp cô Nguyễn Thị Năm (52 tuổi, ngụ tại Phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức, lao động tự do). Sau khi nghe tư vấn tại buổi truyền thông của phường, cô đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, chia sẻ: “Ngày trước tôi nghĩ mình làm nghề tự do thì đâu cần đóng BHXH, nhưng nghe mấy anh, chị nói tôi mới biết sau này có lương hưu, có BHYT, đỡ gánh nặng con cái tôi. Thôi thì ráng dành dụm một ít, vừa lo cho mình, vừa không phiền đến ai”.

Kỳ vọng lan tỏa lâu dài

Có thể nói, Tháng BHXH toàn dân không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền trong (tháng 5) mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa lâu dài, góp phần đưa chính sách BHXH thực sự đi vào cuộc sống, trở thành lựa chọn của đa số người dân.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc đẩy mạnh truyền thông, BHXH TP.HCM cũng đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ như: tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, giảm dần mức đóng, tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia; đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hóa phương thức đóng; tăng cường phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; phát triển đội ngũ cộng tác viên, đại lý thu tận cơ sở…

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khai thác sâu yếu tố “cảm xúc” và “truyền cảm hứng” thông qua các câu chuyện thật, người thật, việc thật; sử dụng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu; phát huy vai trò của các nhân vật có sức ảnh hưởng trong cộng đồng; kết hợp truyền thông truyền thống và hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tin rằng BHXH TP.HCM sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu “BHXH toàn dân”, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội vững chắc, công bằng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người dân thành phố mang tên Bác.