Bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, ưu đãi
15/05/2025 03:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cho rằng một số cơ chế, chính sách cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện đối với đối tượng áp dụng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc Hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm mục tiêu chính sách.
Sáng 15/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh
Căn cứ Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các luật đang dự kiến sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV, các nhiệm vụ, giải pháp được phân loại, đề xuất thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW theo 3 nhóm.
Một là, dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật Kỳ này.
Thể chế hóa theo 5 nhóm chính sách lớn, là: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Hai là, đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số Luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ Chín, Chính phủ giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này khẩn trương rà soát, nghiên cứu, thể chế hóa ngay tại các dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ba là, đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo. Đồng thời, quy định một số nguyên tắc tại dự thảo Nghị quyết làm định hướng để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, ổn định lâu dài của hệ thống pháp luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết này, sớm có văn bản chính thức gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chỉ đạo rà soát các nội dung khác có nội hàm, mục tiêu rõ ràng có thể cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2025 để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Chín. Nghiên cứu đề xuất xây dựng pháp luật để kịp thời bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ Mười và định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.
Để bảo đảm hiệu quả thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc rà soát dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và cân đối nguồn lực thực hiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết như ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đa số Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng tán thành quy định tại Điều 2 về các cơ chế, chính sách được áp dụng chung đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Đối với một số cơ chế, chính sách cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện đối với đối tượng áp dụng, Nghị quyết quy định ngay tại các điều, khoản có liên quan hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm mục tiêu chính sách.
Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế “xin - cho”, trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
"Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể về hình thức hoàn trả cho chủ đầu tư bảo đảm tính khả thi của quy định, tương ứng với hình thức trả tiền thuê đất", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhấn mạnh.
Thủy Trần