BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2025
23/01/2025 09:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 22/01/2025, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch số 166/KH-BHXH hướng dẫn công tác thông tin, truyền thông năm 2025.
Chú trọng triển khai 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp công tác truyền thông năm 2025
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân.
Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT và sự chủ động của người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách; củng cố niềm tin trong Nhân dân đối với các chính sách an sinh xã hội (ASXH) nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Kế thừa và phát huy kết quả đạt được sau 30 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành, tạo động lực cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
BHXH Việt Nam yêu cầu công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT phải được triển khai chủ động, thường xuyên, liên tục, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam; cần tiến hành trước một bước nhằm tác động vào nhận thức, góp phần định hướng dư luận với các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, BHYT mà dư luận xã hội quan tâm.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TW, Chỉ thị số 07/CT-TTg; tiếp tục chủ động, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông theo tinh thần Quyết định số 1676/QĐ-TTg đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, truyền thông xã hội với nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ chia sẻ và lan tỏa giúp người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT; việc triển khai công tác truyền thông chính sách phải vừa phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW, Chỉ thị số 150-CT/BCSĐ ngày 12/11/2024 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngành BHXH Việt Nam (Chỉ thị số 150-CT/BCSĐ).
Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Phát huy hiệu quả vai trò “cánh tay nối dài” của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư, người tham gia BHXH, BHYT trong truyền thông chính sách.
Chủ thể được truyền thông
1. Cấp ủy, chính quyền; các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể các cấp.
2. Người sử dụng lao động, người lao động thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định.
3. Người thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
4. Học sinh, sinh viên; phụ huynh học sinh; các cơ sở giáo dục, dạy nghề.
5. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
6. Các Tổ chức Dịch vụ thu, cộng tác viên truyền thông (hội viên, cộng tác viên các hội, đoàn thể,…) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
1. Chủ động báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ, ban, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức, thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách đảm bảo phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia; huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong toàn Ngành đối với công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách. Nêu cao tinh thần “Mỗi cán bộ ngành BHXH Việt Nam là một truyền thông viên tích cực”, có trách nhiệm và ý thức tham gia truyền thông chính sách gắn với hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong các đợt truyền thông cao điểm theo chủ đề, chiến dịch.
3. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg, Chỉ thị số 30-CT/TW, Quyết định số 1676/QĐ-TTg, tiếp tục chủ động đổi mới nội dung, hình thức, phương thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo hướng đảm bảo thiết thực, linh hoạt, phù hợp, hiện đại, thân thiện.
4. Nhận diện các dạng thức của lãng phí trong công tác truyền thông hiện nay và khẩn trương có giải pháp phù hợp để triệt để thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí. Thường xuyên rà soát, đánh giá tính hiệu quả, sự cần thiết của từng hình thức truyền thông đang thực hiện. Xác định rõ các hình thức truyền thông hiệu quả, có giá trị lan tỏa cao để tập trung triển khai, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên sử dụng kinh phí, tránh chung chung, dàn trải, đảm bảo tiết kiệm, không lãng phí. Kịp thời dừng hoặc chuyển đổi các hình thức truyền thông không còn phù hợp, kém hiệu quả.
5. Tăng cường ứng dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách và giảm thiểu lãng phí. Tận dụng tối đa các tiến bộ của CNTT trong việc vận dụng vào triển khai các hoạt động, mô hình truyền thông đảm bảo các thông tin chính sách BHXH, BHYT và các hoạt động của Ngành được lan tỏa sâu rộng, kịp thời tới toàn xã hội.
6. Chủ động nắm bắt, kiểm soát thông tin báo chí và dư luận xã hội về BHXH, BHYT, nhất là việc triển khai thi hành Luật BHXH số 41/2024/QH15, Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông, kịp thời phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực - tiêu cực phục vụ công tác tham mưu, tổ chức định hướng thông tin và truyền thông chính sách hiệu quả.
7. Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ: Quan tâm xây dựng, bố trí đội ngũ CCVC làm công tác truyền thông có chuyên môn, hiểu biết chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tâm huyết, tận tụy, năng động, sáng tạo trong hoạt động nghiệp vụ truyền thông;… Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ CCVC làm công tác truyền thông; củng cố, mở rộng, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên truyền thông, nhân viên Tổ chức Dịch vụ thu. Huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của các lực lượng cộng tác viên truyền thông ở cơ sở (tổ trưởng tổ dân phố, già làng, trưởng bản,…) trong công tác truyền thông chính sách.
8. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả đi đôi với kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm vi phạm; tâm huyết, trách nhiệm trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả”; đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; góp phần tích cực thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách.
9. Thường xuyên, định kỳ chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác truyền thông. Đưa nội dung truyền thông chính sách BHXH, BHYT vào tiêu chí thi đua hằng năm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; Biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác truyền thông chính sách.
Thực hiện Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2025, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân tổ chức, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Chi tiết xem tại đây: https://baohiemxahoi.gov.vn/vanban/Pages/default.aspx?ItemID=4839
Phạm Linh