BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác Văn phòng cụm phía Bắc năm 2022
31/10/2022 06:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 2 ngày (31/10-1/11), tại Ninh Bình, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác Văn phòng cụm phía Bắc năm 2022. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và lãnh đạo, cán bộ văn phòng 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Văn phòng BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu tổ chức Hội nghị tập huấn công tác văn phòng năm 2022; đồng thời, biểu dương sự tích cực, tham gia đông đủ của các lãnh đạo đơn vị trực thuộc; BHXH tỉnh, thành phố, đặc biệt là các đồng chí CBVC đảm nhiệm các công việc liên quan đến công tác văn phòng tại các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống ngành BHXH.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh, Văn phòng có những đặc thù riêng, có vị trí đặc biệt trong hoạt động hành chính nói chung và của ngành BHXH nói riêng; điều này thể hiện ngay trong tính chất công việc mà Văn phòng đảm nhận, đó là tham mưu, giúp việc về mặt điều hành, điều phối các công việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. “Nói đến công tác văn phòng là nói đến 2 chức năng chính: tham mưu và phục vụ. Tham mưu là để phục vụ, trong phục vụ có tham mưu”- Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nói.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh phát biểu tại Hội nghị
Theo Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao; đòi hỏi công tác văn phòng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả về nhận thức, phương pháp công tác và tổ chức nhân sự để văn phòng thực sự là trung tâm điều hành của lãnh đạo BHXH các cấp, chung sức cùng toàn Ngành hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Đồng thời, cũng đòi hỏi cán bộ văn phòng phải luôn nhận thức được vai trò, vị trí của mình để tự nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ; không ngừng cập nhật, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Cùng với đó, cũng phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ văn phòng để người cán bộ văn phòng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức đầy đủ về mọi mặt, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, chuẩn mực văn hóa công sở, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; với phương châm: “Kịp thời, chính xác và hiệu quả”.
Chính vì lẽ đó, theo Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, việc tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ văn phòng trong hệ thống ngành BHXH là hết sức thiết thực.
“Tôi đề nghị các báo cáo viên khi truyền đạt các nội dung cần phổ biến một cách cô đọng và xúc tích, tập trung vào những nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng; nhất là những vấn đề cần lưu ý trong các nghiệp vụ công tác văn phòng để giúp học viên tiếp thu, vận dụng và triển khai một cách tốt nhất trong thực tiễn công tác của mình. Các đại biểu tham dự Hội nghị cần tập trung lắng nghe báo cáo viên truyền đạt và liên hệ với công tác chuyên môn, chức trách nhiệm vụ được giao của mình để có những tham mưu, đề xuất được tốt hơn, đảm bảo nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành”- Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh yêu cầu.
Bên cạnh đó, để việc tập huấn đạt hiệu quả, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cũng yêu cầu các đại biểu tham dự tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tế giữa Trung ương và địa phương, giữa các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh với nhau; phải gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. “Chính các cán bộ ở vị trí công tác của mình, với kinh nghiệm thực tế, với những khó khăn, vướng mắc, bất cập gặp phải trong công tác văn phòng, đưa ra các tình huống, chủ đề để cùng bàn luận, trao đổi, giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc hoặc đề xuất lãnh đạo Ngành kịp thời giải quyết”- ông Chu Mạnh Sinh nói.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh mong muốn, thông qua Hội nghị tập huấn, các đại biểu sẽ nắm vững được những nội dung cơ bản mà các báo cáo viên trình bày, qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn phòng, của cán bộ làm công tác văn phòng để tiếp tục tham mưu, phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan BHXH các cấp.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo Chương trình, trong 2 ngày các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được nghe các báo cáo viên trình bày các 5 chuyên đề liên quan đến Quy chế công tác văn thư ngành BHXH Việt Nam; công tác Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC), công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; tình hình triển khai Hệ thống quản lý văn bản điều hành (Eoffice); kỹ năng trong công tác văn phòng: kỹ năng tiếp nhận xử lý thông tin; hành chính, lễ tân, đối ngoại; công tác tổng hợp báo cáo và thực hiện chế độ thông tin báo cáo…
Cụ thể, các đại biểu nghe PGS.TS Nguyễn Văn Hậu- Giảng viên cao cấp, Chánh Văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày một số kỹ năng trong công tác văn phòng: kỹ năng tiếp nhận xử lý thông tin; hành chính, lễ tân, đối ngoại; công tác tổng hợp báo cáo và thực hiện chế độ thông tin báo cáo. Bà Nguyễn Thị Hường- Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng BHXH Việt Nam trình bày về công tác KSTTHC của BHXH Việt Nam và công tác tiếp nhận và trả kết quả TTHC. TS.Nguyễn Thị Chinh- Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ tài liệu điện tử, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, phổ biến về những điểm mới cần lưu ý khi thực hiện Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Ông Nguyễn Văn Tĩnh- Phó Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam trình bày về phổ biến và quán triệt những điểm mới của Quyết định số 3012/QĐ-BHXH về Quy chế công tác văn thư ngành BHXH so với Quyết định số 888/QĐ-BHXH và Quyết định số 599/QĐ-BHXH.
PGS.TS Nguyễn Văn Hậu trình bày bài diễn thuyết tại Hội nghị
Trình bày về một số kỹ năng trong công tác văn phòng, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, chức năng của văn phòng cơ bản là tham mưu, tổng hợp; hành chính phục vụ; quản trị hậu cầu. Theo đó, nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp là báo cáo, kế hoạch, quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn, chịu trách nhiệm; quản trị hậu cần bao gồm mua sắm, quản lý và tổ chức; đại diện hành chính gồm văn thư, lưu trữ; hội họp lễ tân, khánh tiết, đi công tác; đối nội, đối ngoại…
PGS.TS Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết, tham mưu là hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương pháp tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chưc thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hàng năm của cơ quan đơn vị đạt kết quả cao nhất. PGS.TS Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, người làm công tác văn phòng có 8 chữ “T” cần ghi nhớ gồm: Thân thiện, Thẳng thắn, Tỉnh táo, Tự tin.
Giới thiệu về công tác KSTTHC, bà Nguyễn Thị Hường nhấn mạnh về sự cần thiết của công tác KSTTHC, mục đích của việc ban hành Nghị định về KSTTHC; các văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc của KSTTHC; nguyên tắc quy định TTHC; trách nhiệm của cơ quan KSTTHC của văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của CBVC được phân công thực hiện TTHC…
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã dành thời gian thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cùng các báo cáo viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác văn phòng nói chung, các kỹ năng giải quyết và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai công việc.
PV