Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới
30/10/2022 10:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Trần Văn Thuật thông tin, cả nước có 7.000 cán bộ công đoàn chuyên trách; khoảng 1,2 triệu cán bộ công đoàn không chuyên trách.
Cán bộ công đoàn chuyên trách trước hết phải thực hiện theo pháp luật về cán bộ, công chức, vì vậy, phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định của cán bộ, công chức. Ngoài ra, cần có kiến thức tương đối toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội và các kỹ năng cơ bản; có khả năng vận động quần chúng...
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Trần Văn Thuật phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo ông Trần Văn Thuật, đại biểu tham dự Hội thảo cần bàn kỹ các nội dung như: Xác định rõ trong tình hình mới, cán bộ công đoàn là ai? Tập trung vào đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hay cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, trong đó đối tượng cần dành sự quan tâm là cán bộ công đoàn chuyên trách và 127.000 chủ tịch công đoàn cơ sở?
Chỉ ra một số quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về cán bộ và cán bộ công đoàn có một số điểm chưa đồng nhất, chưa liên thông, dẫn đến cách hiểu khác nhau, rất khó thực hiện, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Nguyễn Duy Vũ cho rằng, tới đây, sửa đổi Luật Công đoàn 2012, cần có điều riêng quy định về cán bộ công đoàn. Sửa đổi bổ sung điều 23 của Luật Công đoàn về nội dung công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ, công chức để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật theo hướng rõ và cụ thể hơn. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung Điều 4 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII). Cụ thể, sửa đổi và biên tập lại Khoản 1 Điều 4 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thành 2 khoản liên thông với đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn. Sửa Điểm b Khoản 2 Điều 4 Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện nay, thành Khoản 3, Điều 4: “3. Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên”.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Vũ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong tình hình mới rất cần được các cấp ủy đảng quan tâm triển khai đồng bộ, nhất quán, nhất là công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ công đoàn; những thách thức mà tổ chức công đoàn phải đối mặt trong tình hình mới; đặc trưng, đặc điểm riêng có liên quan đến vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Uông Quang Huy nêu quan điểm, cán bộ công đoàn chuyên trách phải là người lao động của doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn cần có quy định cụ thể về đối tượng cán bộ công đoàn chuyên trách của các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước liên quan đến việc tiếp nhận, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng...
Bà Phạm Thị Thu Lan, Viện Công nhân và Công đoàn bày tỏ, trong tình hình mới có tham gia của các tổ chức đại diện khác của người lao động, để công đoàn phát huy được vai trò của mình, từ đó duy trì và thu hút đoàn viên, đồng thời tiếp tục xây dựng hình ảnh, uy tín và vị thế của công đoàn trong xã hội, cán bộ công đoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Yêu cầu đối với cán bộ công đoàn ở cấp cơ sở là phải được đoàn viên và người lao động thừa nhận. Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy rất nhiều công nhân mong muốn người đại diện cho mình phải là công nhân trực tiếp, gần gũi và hiểu nguyện vọng của công nhân. Muốn cán bộ công đoàn do đoàn viên và người lao động thừa nhận thì phải do đoàn viên và người lao động chọn ra. Hiện nay, công đoàn đang tư duy chọn cán bộ công đoàn thay cho đoàn viên và người lao động.