Bảo vệ toàn cầu, chống lại các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất
17/01/2021 10:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lần đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tiêu chuẩn Lao động Quốc tế đã đạt được sự phê chuẩn toàn cầu với sự chấp thuận của 187 quốc gia thành viên về Công ước 182 liên quan đến bảo vệ lao động trẻ em trước các hình thức lao động mang lại các ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý của trẻ sau này như lao động cưỡng bức, mại dâm - khiêu dâm trẻ em, hoặc các hoat động bất hợp pháp khác như buôn bán ma túy…Đây được xem là một thành công lớn của ILO trong bối cảnh Liên Hiệp quốc chỉ định năm 2021 là Năm Quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em.
Trong hai thập kỷ qua, nhiều quốc gia đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em trên toàn cầu đã giảm từ 246 triệu trẻ em năm 2000 xuống còn 152 triệu trẻ em năm 2016; tuy nhiên con số này vẫn còn rất cao, đặc biệt một nửa trong tổng số trẻ em này đang làm việc trong môi trường độc hại và đầy rủi ro. Giờ đây, đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm đình trệ thậm chí đảo ngược tiến trình của 20 năm qua. Một thế hệ trẻ em đang đứng trước các nguy cơ được xem là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lao động trẻ em. Một quan chức của ILO cho rằng đây chính là thời điểm này chúng ta cần phải nỗ lực gấp đôi, đặc biệt để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025. Tiếp cận giáo dục miễn phí, xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em, tạo công việc ổn định cho cha mẹ chúng và thanh niên trong độ tuổi lao động là những yếu tố then chốt để đẩy nhanh tiến độ và tăng khả năng chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Việc phê chuẩn phổ của các quốc gia thành viên lần này chính là cơ sở cho các quốc gia hiện thực hóa các kế hoạch nhằm giảm thiểu lao động trẻ em theo Công ước 182.
Liên Hiệp quốc chỉ định năm 2021 là Năm Quốc tế xóa bỏ lao động trẻ em cùng với Hội nghị toàn cầu lần thứ V về xóa bỏ lao động trẻ em được tổ chức ở Nam Phi (2022) sẽ là một cột mốc quan trọng để đánh giá tiến độ, xác định những việc cần làm để tiến tới một thế giới không có lao động trẻ em vào năm 2025 và huy động mọi nguồn lực thiết yếu để biến điều này thành hiện thực.
Vụ HTQT