Các tổ chức bảo hiểm nên tham khảo Hướng dẫn của ISSA về mở rộng phạm vi bảo hiểm
17/01/2021 10:03 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính, đến giữa năm 2020 khoảng 500 triệu việc làm toàn thời gian đã bị mất và khoảng 2,2 tỷ người lao động (trong đó có 111 triệu lao động di cư) tương đương 70% lực lượng lao động toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Để hỗ trợ việc phát triển và thực hiện các chương trình an sinh xã hội cho người lao động nhập cư, ISSA khuyến cáo các tổ chức bảo hiểm nên tham khảo Hướng dẫn của ISSA về Mở rộng phạm vi bảo hiểm
Hiện nay, lao động di cư chiếm 4,7% lực lượng lao động toàn cầu (164 triệu lao động), là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Phần lớn lao động di cư làm các công việc trong khu vực không chính thức và có nguy cơ cao thiếu sự bảo vệ về mặt xã hội và y tế nên khi một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 tấn công xã hội và nền kinh tế, lao động di cư là những người đầu tiên phải hứng chịu. Việc đóng cửa doanh nghiệp và hạn chế di chuyển, kết hợp với việc thiếu hoặc hạn chế tiếp cận bảo trợ xã hội, làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của lao động di cư. Mức độ bị ảnh hưởng của lao động di cư phụ thuộc vào hoặc tình trạng di cư hoặc việc làm họ đang thực hiện. Những lao động di cư hợp pháp làm các công việc chính thức có thể được hưởng tất cả hoặc một số quyền lợi nhất định của bảo trợ xã hội, trong khi những lao động di cư khác và gia đình của họ thường không được hỗ trợ hoặc hoặc được hưởng rất ít đặc biệt là về chế độ chăm sóc y tế.
Trong Báo cáo Bảo trợ xã hội cho người lao động nhập cư: Một phản ứng cần thiết đối với cuộc khủng hoảng Covid-19, được ISSA và ILO công bố vào tháng 6 năm 2020, đã chỉ ra những thách thức mà người lao động nhập cư phải đối mặt và các giải pháp mà Chính phủ và các tổ chức an sinh xã hội giải quyết tình hình trong đó đã chứng tỏ vai trò cơ bản của bảo trợ xã hội trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội lớn, và tầm quan trọng của việc thành lập các tầng bảo trợ xã hội cho mọi người, bao gồm cả lao động di cư. Báo cáo nhấn mạnh rằng, tất cả những lao động di cư, bất kể hình thức di cư hay tình trạng pháp lý của họ, đều phải được tiếp cận một số quyền lợi bảo trợ xã hội. Để làm được điều đó, cần có sự cộng tác từ các nước xuất cư, quá cảnh và nhập cư. Các hiệp định song phương và đa phương về phối hợp các chương trình an sinh xã hội giữa các quốc gia là mấu chốt để đảm bảo tiếp cận bảo trợ xã hội cho lao động di cư. Bên cạnh việc ứng phó với khủng hoảng tức thời, cần phải chú ý nhiều hơn đến việc phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, chẳng hạn như các Công ước và Khuyến nghị của ILO trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và đàm phán các hiệp định an sinh xã hội song phương, khu vực và đa phương.
Để hỗ trợ việc phát triển và thực hiện các chương trình an sinh xã hội cho người lao động nhập cư, ISSA khuyến cáo các tổ chức bảo hiểm nên tham khảo Hướng dẫn của ISSA về Mở rộng phạm vi bảo hiểm, một là tài liệu tham khảo chuyên môn được được đánh giá cao trên phạm vi toàn cầu.
Vụ HTQT