Tập huấn về đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2020
02/11/2020 11:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay, 02/11, tại Thanh Hóa, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban thực hiện chính sách BHYT và tập huấn về đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2020. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, đại diện lãnh đạo các ban trực thuộc BHXH Việt Nam và đại diện BHXH các tỉnh, thành phố.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, công tác thực hiện chính sách BHYT đã được thực hiện tốt, qua đó đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, trong đó nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT đến năm 2020 tiến tới BHYT toàn dân, góp phần đảm bảo lưới an sinh, đáp ứng được yêu cầu KCB, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc cho biết, việc thực hiện chính sách BHYT, trong đó có KCB BHYT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức vô cùng to lớn. Giám định viên, lãnh đạo phụ trách BHYT đang chịu áp lực lớn về công việc, trách nhiệm, dư luận xã hội.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn mong muốn, Hội nghị sẽ là cơ hội để những người làm công tác BHYT trao đổi những khó khăn, vướng mắc chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tiễn từ đó đưa ra được những giải pháp trong triển khai thực hiện, đảm bảo yêu cầu và mục tiêu đề ra.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận những kết quả trong công tác thực hiện BHYT trong những năm qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện công tác BHYT. Tổng Giám đốc thời nhấn mạnh, để triển khai thực hiện tốt chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, đồng thời đảm bảo quản lý, sử dụng Quỹ BHYT đạt hiệu quả trong thời gian tới, toàn Ngành cần tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững. Trong đó, tập trung nhân lực, hoàn thành thẩm định quyết toán đúng tiến độ; phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở KCB điều hành và thực hiện hiệu quả dự toán chi KCB BHYT năm 2020-2021 được Thủ tướng Chính phủ giao; đổi mới phương pháp giám định theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý chi KCB BHYT và phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Tập trung rà soát nội dung hợp đồng đã ký kết và giám định thực hiện hợp đồng KCB; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác giám định tại cơ quan BHXH, tại cơ sở KCB theo đúng quy trình giám định; tập trung phân tích, đánh giá chi phí KCB và định hướng các vấn đề cần tập trung giám định; bố trí cán bộ giám định thường trực tại các cơ sở KCB; kiểm soát chặt chẽ danh sách đăng ký hành nghề khám chữa bệnh; tham gia tích cực và hiệu quả công tác đấu thầu thuốc và VTYT; đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa việc ứng dụng CNTT trong công tác giám định; thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức, thực hiện BHYT trong KCB; phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương, qua đó đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT; phối hợp với cơ sở KCB rà soát và thực hiện cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT, giảm phiền hà cho người bệnh…
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Chính sách Y tế, BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHYT năm 2019-2020 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, số người tham gia BHYT là 86,73 triệu, đạt tỷ lệ khoảng 89,6% dân số tham gia BHYT; tăng 308 nghìn người so với tháng 8/2020, tăng 1,57 triệu người so với cùng kỳ năm 2019, tăng 801 nghìn người so với cuối năm 2019. Đạt 98,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, số người cần phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 1,33 triệu người. Trong đó, 28/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, 34/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT từ 80% đến dưới 90% dân số, tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nguyên; Một số tỉnh tỷ lệ bao phủ năm 2020 giảm so với tỷ lệ bao phủ năm 2019 (do giảm chủ yếu ở nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Hầu hết các địa phương đề đều đạt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, năm 2020, trước những biện động lớn về tình hình kinh tế - xã hội do dịch bệnh COVID-19, công tác BHYT theo đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là số thu BHYT. Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, BHXH VIệt Nam đã tích cực tham gia với Bộ ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT như vấn đề chuyển tuyến, KCB, cấp thuốc điều trị ngoại trú trong điều kiện thực hiện hiện giãn cách, cách ly xã hội hay thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 theo chế độ BHYT. Việc KCB BHYT cho người tham gia BHYT được đảm bảo và không bị ảnh hưởng nhiều.
Toàn cảnh Hội nghị Giao banthực hiện chính sách BHYT năm 2020.
Về phía các địa phương, các cấp chính quyền, đặc biệt là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về chính sách BHYT, thường xuyên quan tâm chỉ đạo để nâng cao độ bao phủ BHYT và ổn định quỹ KCB BHYT trên địa bàn. Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục thực hiện vai trò chủ đạo trong quản lý nguồn kinh phí KCB BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc UBND tỉnh trực tiếp giao nguồn kinh phí KCB BHYT đến các cơ sở KCB đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan BHXH, Sở Y tế và cơ sở KCB trong quản lý và sử dụng quỹ KCB BHYT.
Hầu hết BHXH các tỉnh đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác giám định và thanh toán chi phí KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Có thể thấy một số địa phương thực hiện tốt, một số địa phương sau khi có kiểm tra, hướng dẫn của BHXH Việt Nam cũng đã chấn chỉnh và quyết liệt hơn trong công tác giám định. Chính vì vậy, chi phí khám, chữa bệnh của nhiều tỉnh trong các tháng cuối năm đã giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tham gia chủ động, có hiệu quả vào công tác đấu thầu, mua sắm thuốc cũng đã đạt được những kết quả tích cực, giảm chi phí về thuốc. Đặc biệt đã đưa ra ngoài thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng không phổ biến với giá cao.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành BHXH tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHYT theo quy định của Luật BHYT; phát triển đối tượng tham gia BHYT nhanh, bền vững; thực hiện chi trả chi phí KCB BHYT đúng quy định theo phương châm chính xác, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham gia cùng trao đổi, tập trung thảo luận về các nội dung như: Đánh giá tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHYT năm 2019 và 9 tháng năm 2020; Đánh giá tình hình thực hiện công tác giám định BHYT; Đánh giá tình hình phối hợp triển khai thí điểm phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán (DRG); Đánh giá Tình hình thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam; Triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT; Những vấn đề phát hiện qua công tác kiểm tra, thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với các cơ sở KCB; đánh giá tình hình quản lý, thanh toán vật tư y tế; Yêu cầu, giải pháp quản lý vật tư y tế; Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện công tác giám định BHYT gắn với giám định điện tử; Nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT trên Hệ thống giám định gắn với giám định điện tử…
BHXH các tỉnh, thành phố cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ như giao dự toán chi phí KCB, tổ chức giám định gắn với giám định điện tử. Đồng thời, đưa ra những khó khăn, thách thức và giải pháp để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao./.
PV