BHXH Việt Nam tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
02/11/2020 09:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, BHXH Việt Nam đã gắn các tiêu chí xóa đói giảm nghèo phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Ngành thành các mục tiêu thi đua, triển khai nhiều hoạt động góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
BHXH Việt Nam trao số tiền hỗ trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ đến Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Gắn các tiêu chí xóa đói giảm nghèo phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Ngành
BHXH Việt Nam vừa có Báo cáo tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Qua đó cho thấy, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng và ý nghĩa của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng phát động, nhất là các tiêu chí gắn với nhiệm vụ của Ngành. Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, BHXH Việt Nam đã hưởng ứng và xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện. Phong trào thi đua đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể CBVC và NLĐ trong ngành BHXH, tạo sức lan tỏa lớn và thực sự có hiệu quả trong việc góp phần hoàn thành các mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Triển khai thực hiện phong trào, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị của Ngành, như: Phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,7% dân số vào năm 2020; triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển số người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người DTTS; thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người DTTS được cấp thẻ BHYT; đồng thời đề xuất các giải pháp vận động, quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được NSNN hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội được tham gia BHYT…
Đặc biệt, BHXH các tỉnh đã đưa chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo lồng ghép với chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Do đó, các tiêu chí xét khen thưởng của phong trào cũng là tiêu chí bình xét khen thưởng của toàn Ngành. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhất là các đối tượng có nhiều khó khăn, nhân dân ở các xã nghèo, các xã miền núi, người cao tuổi... qua đó duy trì ổn định bền vững đối tượng tham gia BHYT. Phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo vận động, mở rộng đối tượng và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia BHYT; chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", “xóa nhà tranh tre, dột nát”, “mái ấm Công đoàn”, Quỹ "Vì trẻ thơ"; đẩy mạnh giúp đỡ xã nghèo, huyện nghèo...
Cùng với đó, hàng năm, CBVC toàn Ngành tích cực tham gia và ủng hộ các hoạt động tình nghĩa, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào bị thiên tai lũ lụt; các gia đình chính sách, khó khăn... bằng nhiều hình thức như: Đóng góp tiền mua tặng thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách; ủng hộ bằng hiện vật, xây nhà tặng người nghèo; mua quà tặng các gia đình chính sách, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ mua các vật dụng cho các xã nghèo; xây dựng đường; mua cây giống, con giống tặng các hộ nghèo... Cụ thể, đóng góp hơn 8 tỷ đồng và mua 3.300 thẻ BHYT hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách. Huy động nguồn lực, đóng góp giúp đỡ địa bàn nghèo, các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... với tổng số tiền mặt trên 41 tỷ đồng.
Chương trình tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn lan tỏa tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc
Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội
Thực hiện nội dung, mục tiêu của các phong trào thi đua, các đơn vị trong Ngành đã tổ chức phát động thi đua, đăng ký và ký giao ước thi đua, xây dựng chương trình kế hoạch với mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể công chức, viên chức, người lao động. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành triển khai nhiều giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; kết quả, đối tượng tham gia BHXH, BHYT hàng năm vượt số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng năm đều tăng vượt so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp năm 2016 là 76 triệu và tới năm 2019 là 86,5 triệu người. Tính đến 30/9/2020, số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 86,7 triệu, đạt 98,49% kế hoạch, cụ thể: Số người tham gia BHXH là 15,5 triệu người, đạt 89,96% kế hoạch; Số người tham gia BHYT là 86,7 triệu người, đạt tỷ lệ 89,6% dân số.
Năm 2020, tình hình diễn biến dịch COVID - 19 diễn ra phức tạp trên cả nước, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện chính sách BHXH đối với người lao động tác động trực tiếp tới kết quả công tác phát triển đối tượng và công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của toàn Ngành. Tuy nhiên BHXH Việt Nam quyết tâm phát huy sức mạnh mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020. BHXH Việt Nam tổ chức Lễ ra quân “Hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện" và “Hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình" nhằm tuyên truyền, vận động trực tiếp đối tượng là nông dân và lao động phi chính thức, đặc biệt là đối tượng thuộc nhóm gần 10% chưa tham gia BHYT hộ gia đình, về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thay đổi nhận thức, chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống. Lễ ra quân đã được BHXH các tỉnh, thành phố hưởng ứng và triển khai trên toàn quốc, ngay trong 2 quân (11-12/7/2020), cả nước đã vận động được hơn 89.000 người tham gia ra BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong đó, 30.269 người tham gia BHXH tự nguyện và 58.803 người tham gia BHYT hộ gia đình...
Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao. Năm 2016, giải quyết gần 8,67 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, năm 2019, giải quyết cho 12,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 44% so với năm 2016; năm 2016 thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 146 triệu lượt người, năm 2019 thanh toán chi phí KCB BHYT cho 184 triệu lượt người, tăng 26% so với năm 2016.
Công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH ngày càng được tăng cường, thường xuyên phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chỉ đạo tổ chức chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ cho người hưởng, bảo đảm an toàn tiền mặt trong chi trả.
Nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức
BHXH Việt Nam cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác truyền thông, công tác cải cách thủ tục hành chính, công tác ứng dụng CNTT trong các nghiệp vụ của Ngành để nỗ lực thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo giảm nghèo tại địa phương, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể: Thống kê số người dân chưa tham gia BHYT, phân loại đối tượng có khả năng tham gia từng loại hình BHYT trên địa bàn từng huyện, xã; xác định việc triển khai thực hiện tốt công tác vận động nhân dân, nhất là hộ cận nghèo, người lâm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tham gia BHYT là góp phần để thực hiện chủ truơng của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu và lộ trình cụ thể đề ra giải pháp thực hiện; đăng ký với Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh hỗ trợ các xã nghèo…
BHXH các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xóa đói giảm nghèo bằng các hoạt động, đóng góp theo khả năng của đơn vị như tổ chức hỗ trợ các chi tiêu về y tế, xã hội.
Nhiều nhà tình nghĩa đã được trao tặng
Năm 2019, để huy động sự chung tay, chia sẻ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành BHXH Việt Nam và toàn xã hội hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, giúp đỡ bệnh nhân nghèo mắc bệnh nặng đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương; đồng thời, tăng cường truyền thông về tính nhân văn, nhân đạo, chia sẻ của chính sách BHYT; góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đẩy nhanh lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch số 1910/KH-BHXH ngày 05/6/2019 về hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn và giúp đỡ bệnh nhân nghèo năm 2019 với mục tiêu: hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho khoảng 2.400 người có hoàn cảnh khó khăn tại 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền của đất nước; kêu gọi sự chung tay, vào cuộc của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, từ thiện trong xã hội cùng chung tay đóng góp hỗ trợ các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...
Nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần vào mục tiêu thực hiện các tiêu chí xóa đói giảm nghèo của các địa phương và thực sự có sức lan tỏa lớn trong xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội./.
PV