Ứng dụng CNTT ngành BHXH: Tiếp tục đổi mới, tạo đột phá trong hoạt động nghiệp vụ
13/10/2020 12:26 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 12/10/2020, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về việc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tạo đột phá trong hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều kết quả ấn tượng
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Trung tâm CNTT cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, ngành BHXH xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. Những năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT, theo đó đã xây dựng các phần mềm nghiệp vụ bao phủ hầu hết các hoạt động của Ngành.
Từ năm 2017, ngành BHXH bắt đầu triển khai hình thức kê khai nộp BHXH qua giao dịch điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi lại chờ đợi khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, chính thức nâng cấp và cung cấp miễn phí Phần mềm kê khai nộp BHXH (Phần mềm K- BHXH) lên phiên bản Web để hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động và cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan BHXH từ ngày 12/8/2019.
Trong năm 2019, ngành BHXH đã tích hợp, liên thông các phần mềm nghiệp vụ nhằm kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT với phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng và chi trả các chế độ BHXH nên đã rút ngắn được thời hạn giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trên nền tảng ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã và đang hoàn thiện hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Tin nhắn (SMS); thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, BHXH Việt Nam đã tích hợp để thực hiện dịch vụ công cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Những nỗ lực của Ngành BHXH trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT đã kịp thời tháo gỡ các rào cản trong giải quyết TTHC, tiết kiệm đáng kể chi phí, thời gian giao dịch cho doanh nghiệp, người dân với cơ quan BHXH, được Chính phủ và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về ứng dụng CNTT, 03 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin- truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng cao trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có dịch vụ công.
Về ứng dụng CNTT trong hoạt động giám định BHYT, lãnh đạo Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến cho biết, hiện nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB trong cả nước và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động, một mặt kiểm soát được chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, mặt khác, thông qua đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết: BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT
Từ tháng 01/2017, Hệ thống Thông tin giám định BHYT chính thức được khai thác để thực hiện các quy trình của nghiệp vụ giám định BHYT. Với việc ứng dụng Hệ thống, hầu hết các quy trình nghiệp vụ có thể tự động hoá đã được thực hiện bằng các chức năng của phần mềm, qua đó, nâng cao chất lượng các nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của cán bộ giám định.
Các nghiệp vụ tạm ứng, thanh quyết toán trong khám chữa bệnh BHYT của BHXH cấp tỉnh và huyện với các cơ sở y tế được thực hiện theo quy trình khép kín, liên thông và có cơ chế kiểm soát, đối chiếu giữa các phần mềm nghiệp vụ, đảm bảo minh bạch, chính xác trong quản lý tài chính.
Các chức năng của Hệ thống Thông tin giám định BHYT ngày càng được hoàn thiện, phát triển và cập nhật thường xuyên. Hệ thống đã kịp thời phân tích, phát hiện và thông báo thường xuyên cho cơ sở KCB và cơ quan BHXH địa phương những biến động bất thường như: Các trường hợp chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật không đúng qui định, quá mức cần thiết, không đúng quy trình chuyên môn, tần suất chỉ định dịch vụ tăng bất thường; chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng ngoại trú rộng rãi; sử dụng thuốc quá mức cần thiết...
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng phục vụ
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế mạnh cho biết, trong nhiều năm qua, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, BHYT. Việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành đã tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt giúp nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Tổng Giám đốc yêu cầu: Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với công tác giám định BHYT, xứng đáng với dư địa hiện tại
Trên cơ sở phát huy những thành tựu đạt được, Tổng Giám đốc yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Đối với công tác giám định BHYT, tiếp tục xây dựng bộ quy tắc từ việc tổng hợp thông tin của BHXH các cấp để đưa ra các dấu hiệu, mức độ cảnh báo, từ đó, giảm thiểu tối đa các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BHYT; tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát bằng hệ thống điện tử; thường xuyên tổ chức các hội thảo, để các đơn vị giám định tại địa phương bàn bạc, đưa ra những giải pháp hiệu quả.
Đối với Trung tâm CNTT, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT xứng đáng với dư địa hiện tại; xây dựng cơ sở dữ liệu của Ngành đảm bảo an toàn, hiệu quả; phối hợp với Văn phòng BHXH Việt Nam xây dựng Văn phòng điện tử…
Trên tinh thần đổi mới sáng tạo, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất; tạo ra một diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
PV