“Tham gia BHYT hàng năm là cần thiết để người bệnh tự bảo vệ sức khoẻ, kinh tế của bản thân và gia đình”
09/10/2020 01:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là chia sẻ của nhiều bác sĩ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi tại bệnh viện một số tỉnh miền Tây. Theo các bác sĩ, hiện nay, các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại; chất lượng khám chữa bệnh tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng.
Một ngày giữa tháng 9, ông Đinh Được (71 tuổi, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) thấy mệt, tức ngực, khó thở. Ông được người nhà đưa đi khám tại một số bệnh viện, sau được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, ông được chẩn đoán tắc nghẽn động mạch, phải đặt stent (dụng cụ đưa vào trong lòng mạch vành, để mở rộng, giữ nó không bị thu hẹp lại). Giá của một chiếc stent hiện lên tới hàng chục triệu đồng, làm mọi người trong gia đình ông Được lo lắng.
Chị Đinh Thị Phinh chăm sóc bố tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng
Chị Đinh Thị Phinh (34 tuổi) con út ông Được cho biết, bố chị có 8 người con nhưng ai cũng khó khăn vì không có công việc ổn định. Vì vậy, khi bố bị bệnh nặng ai cũng lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của ông và khoản tiền để điều trị. Tuy nhiên, khi bác sĩ thông báo, chi phí điều trị đã có BHYT chi trả, mọi người mới bớt phần nào lo lắng. Sau 1 tuần điều trị, thống kê sơ bộ của bệnh viện, ông Được đã được quỹ BHYT chi trả số tiền hơn 80 triệu đồng.
“Đây là số tiền vượt quá sức với gia đình tôi và số tiền này sẽ còn tăng vì bố tôi đang tiếp tục điều trị. Nếu không có BHYT, chúng tôi không biết xoay xở ra sao, chắc phải vay mượn, bán tài sản để chạy chữa cho bố. Tôi thấy thật may mắn vì bố đã tham gia BHYT” - chị Phinh chia sẻ.
Cũng đặt stent mạch vành, đang bước vào giai đoạn ổn định, hồi phục nên nằm giường bệnh kế bên, bà Nguyễn Thị Nhân (74 tuổi) đã có thể chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi. Bà kể, mấy tháng trước, thấy đau thắt lưng, khó thở, tức ngực bà mua thuốc nam về uống. Bệnh không thuyên giảm nhưng sợ tốn kém, phiền con cái nên bà chần chứ mãi không đi viện. Đến đầu tháng 9, đau quá bà mới nói con dâu đưa đi khám ở một số cơ sở y tế trong tỉnh. “Nếu biết khám chữa bệnh BHYT thuận tiện, được chi trả, không phải lo lắng nhiều như thế tôi đã không chần chừ. Tôi sợ đi viện rất tốn kém, làm khổ con cái trong khi bọn chúng đều nghèo thì không nỡ nhưng nhờ BHYT mà tôi không phải là gánh nặng, nhờ vả con cái nhiều nữa” - bà Nhân tâm sự.
Đây chỉ là 2 trong hơn 200 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng mà chúng tôi được gặp gỡ. Bác sĩ Trương Tú Trạch, Trưởng khoa Tim mạch nhận định: Hiện nay, các cơ sở y tế ngày càng áp dụng những phác đồ điều trị, máy móc tiên tiến, hiện đại; chất lượng khám chữa bệnh tăng lên đồng nghĩa với chi phí cũng cao hơn. Do đó, nếu không có BHYT, người bệnh rất khó đủ điều kiện tiếp cận, thụ hưởng.
“Với chuyên ngành tim mạch, các dịch vụ, vật tư y tế ngày càng hiện đại, giá thành rất cao như một stent mạch vành đặt lần 1 đã có giá hơn 40 triệu đồng và đặt lần 2, lần 3 còn cao hơn nhiều. Có những bệnh nhân kết thúc quá trình điều trị, chi phí có thể lên tới vài trăm triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người dân. Vì vậy, khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi yên tâm hơn khi họ có BHYT”- bác sĩ Trạch chia sẻ.
Chung quan điểm, Bác sĩ Mạc Nhơn Khiêm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đánh giá, BHYT là một chính sách rất nhân văn, là chỗ dựa to lớn, đáng tin cậy cho mọi người trong xã hội nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Tham gia BHYT hàng năm là một việc làm cần thiết để mỗi người tự bảo vệ sức khoẻ và kinh tế của bản thân và gia đình.
“Hiện, một số người dân có suy nghĩ dùng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh thì có sự phân biệt, không yên tâm bằng khám dịch vụ. Là một bác sĩ tôi nói ngược lại, bệnh viên yên tâm hơn khi người bệnh có thẻ BHYT vì được đảm bảo, hỗ trợ rất lớn về tài chính từ quỹ BHYT”- Bác sĩ Khiêm nói./.
PV