Hội nghị Ngoại giao ASEAN với ba nước Đông Bắc Á: Đẩy mạnh hợp tác ứng phó dịch COVID-19 để phục hồi bền vững
10/09/2020 09:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các Hội nghị liên quan, chiều 9/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản) lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc.
Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 21. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khẳng định quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Trung Quốc là đối tác hợp tác toàn diện với ASEAN trong tất cả các lĩnh vực thuộc các trụ cột Cộng đồng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và nằm trong nhóm nước có lượng khách du lịch đến ASEAN đông nhất. ASEAN đánh giá cao hợp tác, hỗ trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh và đề nghị Trung Quốc tham gia tích cực vào các sáng kiến của ASEAN như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực và xây dựng Khung phục hồi tổng thể. ASEAN hoan nghênh các sáng kiến hợp tác đã được triển khai trong năm như việc khởi động năm ASEAN-Trung Quốc về hợp tác số vào tháng 6/2020, thúc đẩy gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đảm bảo chuỗi cung ứng và kết nối… Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như phát triển kinh tế số, đảm bảo an ninh mạng, hợp tác biển, ứng phó thiên tai, kết nối, giao lưu nhân dân…, cũng như sớm hoàn tất xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 21. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21, trong vai trò đồng Chủ tịch cùng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của ASEAN về đóng góp tích cực của cơ chế hợp tác ASEAN+3 thời gian qua, đặc biệt là việc đưa các nước vượt qua các cuộc khủng hoảng trong lịch sử; nhận định giai đoạn này là thời điểm để cơ chế ASEAN+3 chứng minh giá trị và năng lực trong ứng phó COVID-19.
Phó Thủ tướng đề nghị các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục phối hợp cùng ASEAN trên đà hợp tác sẵn có, thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong kiểm soát và chống dịch, giảm thiểu tác động và đưa khu vực phục hồi bền vững.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN+3 nhất trí tiếp tục triển khai các quyết định của Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó COVID-19. Các Bộ trưởng cũng cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh lương thực thông qua Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR), chuyển đổi số, ổn định tài chính và kinh tế khu vực thông qua đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), y tế… Các nước khẳng định quyết tâm sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 21. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, đại diện nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đã thay mặt các nước ASEAN trình bày kiểm điểm và định hướng tương lai quan hệ đối thoại ASEAN-Nhật Bản.
Phó Thủ tướng đánh giá quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu. Nhật Bản là đối tác tin cậy của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Kế hoạch triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN-Nhật Bản hữu nghị và hợp tác giai đoạn 2018-2022 đã triển khai được hơn 95% dòng hành động.
Phó Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ủng hộ, tham gia các sáng kiến của ASEAN về ứng phó COVID-19, sớm hỗ trợ thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh trong năm 2020.
Ghi nhận các kết quả tích cực trong hợp tác kinh tế giữa hai bên, trong đó Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tận dụng hiệu quả hơn nữa Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), phối hợp hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, tăng cường kết nối, hợp tác tiểu vùng Mê Công, đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.
Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường đối thoại và hợp tác vì sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau; đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Hàn Quốc trực tuyến. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc, hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác để củng cố quan hệ đối tác chiến lược, kỷ niệm dấu mốc 30 năm thiết lập quan hệ. ASEAN đánh giá cao các hỗ trợ của Hàn Quốc trong ứng phó COVID-19 như cam kết ủng hộ 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, hỗ trợ thiết bị, vật tư y tế trị giá 5 triệu USD cho các nước ASEAN. ASEAN đề nghị Hàn Quốc với vị trí quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế số và sáng tạo, hỗ trợ ASEAN thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường kết nối, tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), sớm ký Hiệp định RCEP. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao đã thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021-2025 nhằm định hướng quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trong 5 năm tới. Trong trao đổi, Bộ trưởng các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phát biểu mong muốn tăng cường hợp tác giữa các bên, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong thúc đẩy liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN; đánh giá cao năng lực ứng phó hiệu quả của ASEAN với dịch COVID-19 dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN 2020 và sẵn sàng tham gia ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về ứng phó COVID-19.
Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đối tác đã cùng trao đổi vấn đề cùng quan tâm như tình hình Bán đảo Triều Tiên, bang Rakhine, Biển Đông… Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết trong phối hợp chặt chẽ, tăng cường đối thoại và hợp tác, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, các chuẩn mực chung. Các Bộ trưởng chia sẻ quan điểm chung về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trong đó có Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước thành viên ASEAN đề ra các biện pháp, chính sách để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược với các đối tác, đưa quan hệ vào chiều sâu vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững cho khu vực. Phó Thủ tướng đề nghị các nước đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong quá trình xây dựng Cộng đồng, tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh sẵn có của các đối tác như nâng cao kim ngạch thương mại và dịch vụ, phát triển công nghệ mới, y tế, kinh tế số, đào tạo nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách phát triển… Trong ứng phó với đại dịch COVID-19, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các bên trong nghiên cứu sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị bệnh, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cộng đồng. Phát biểu về tình hình quốc tế và khu vực, Phó Thủ tướng bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa tại Biển Đông trong khi các quốc gia đang phải dồn sức chống dịch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cần được đảm bảo, các khác biệt và tranh chấp cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bên triển khai đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm nối lại các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Nhắc lại lập trường quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6/2020), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi các bên tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, không để xảy ra các hành động làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế./.
PV (Theo TTXVN)