Dịch COVID-19 ngày 9/9: Các nhà sản xuất vắc xin cam kết tuân thủ tiêu chuẩn khoa học
09/09/2020 03:09 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các nhà sản xuất vắc xin hàng đầu Mỹ và châu Âu cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học trong các thử nghiệm về vắc xin COVID-19; Hàn Quốc sắp sản xuất đại trà kháng thể chống COVID-19; Giới khoa học Anh đánh giá tốt về vắc xin Nga là những tin tức nổi bật mới nhất về đại dịch COVID-19.
Cam kết tuân thủ tiêu chuẩn khoa học về sản xuất vắc xin
Các công ty, bao gồm Pfizer, GlaxoSmithKline và AstraZeneca, đã ban hành "cam kết lịch sử" sau khi có nhiều lo ngại về việc các nhà sản xuất vắc xin có thể bỏ qua các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả trong cuộc đua vắc xin COVID-19.
Các công ty trên cam kết duy trì "tính toàn vẹn của quy trình khoa học khi làm việc để hướng đến việc được phê duyệt vắc xin COVID-19 đầu tiên".
Ngoài 3 công ty trên, Johnson & Johnson, Merck & Co, Moderna, Novavax, Sanofi và BioNTech cũng tham gia cam kết chung này, theo Hãng tin Reuters.
Hàn Quốc sắp sản xuất đại trà kháng thể chống COVID-19
Người dân đeo khẩu trang tại lối vào một bệnh viện ở Seoul ngày 26/8 - Ảnh REUTERS.
Các cơ quan y tế Hàn Quốc cho hay nước này có kế hoạch sản xuất hàng loạt một loại kháng thể có khả năng điều trị bệnh COVID-19 vào cuối tháng 09/2020.
Theo Hãng tin Yonhap ngày 08/9, dẫn lời Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm, Hàn Quốc hiện đang xem xét các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 đối với phương pháp điều trị dựa trên kháng thể này, hướng đến sản xuất hàng loạt loại kháng thể điều trị COVID-19 trong tháng này. Nếu được cấp phép, kháng thể sẽ được sản xuất thương mại đại trà.
Phương pháp điều trị bằng kháng thể nhằm giúp củng cố hệ miễn dịch bằng nhiều cách, chống nhiễm và tiêu diệt virus. Các nhà nghiên cứu hiện đang phân tích các kết quả thử nghiệm giai đoạn 1, được cấp phép vào ngày 17/7. Loại kháng thể này cũng được cấp phép thử nghiệm giai đoạn 1 tại Anh vào ngày 29/7.
Trong khi đó, Hãng tin Reuters dẫn lời công ty dược Celltrion Inc của Hàn Quốc nói rằng sẽ bắt đầu sản xuất khoảng 1 triệu liều thuốc kháng thể trước khi được cấp phép. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy nghiên cứu sử dụng huyết tương để điều trị COVID-19.
Giới khoa học Anh đánh giá tốt về vắc xin Nga
Các nhà khoa học ở Trung tâm Gamaleya - Nga. Ảnh: TASS
Kết quả thử nghiệm vắc xin Nga ở giai đoạn 2 mới được công bố cuối tuần trước. Các nhà khoa học Anh đánh giá nghiên cứu vắc xin Nga đáng khích lệ nhưng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
GS dịch tễ học Peter Openshaw ở Đại học London ghi nhận: "Vắc xin Nga đã tạo ra một số lượng đáng kể kháng thể đối với COVID-19 như những gì xảy ra sau khi bệnh nhân nhiễm virus theo cách tự nhiên".
Ông đánh giá phản ứng miễn dịch này tương tự phản ứng do vắc xin AZD-1222 của Đại học Oxford (Anh) phát triển và thậm chí còn mạnh hơn một chút, vì vậy đáng được coi là một trong những vắc xin hứa hẹn nhất.
GS bệnh truyền nhiễm Brendan Wren tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London đánh giá: "Toàn bộ 76 người tham gia hai thử nghiệm lâm sàng của Nga đều phát triển nồng độ kháng thể cao sau khi được tiêm vắc xin. Các nhà khoa học cũng kết luận không có phản ứng phụ đáng kể. Cho đến nay mọi thứ đều ổn".
Tính đến 6h ngày 09/9 (theo giờ Việt Nam), toàn cầu đã có trên 27,6 triệu ca COVID-19, bao gồm hơn 19,8 triệu ca hồi phục và hơn 900.000 người qua đời vì virus corona, theo trang worldometers.info.
Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, với trên 6,5 triệu ca. Đứng thứ nhì là Ấn Độ (hơn 4,3 triệu ca), Brazil ở vị trí thứ ba (trên 4,1 triệu ca) và kế đến là Nga (hơn 1 triệu ca)./.
PV