Bài 2. Những bài học quý...
18/10/2019 04:07 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những cuộc họp nông dân được triển khai tại tất cả các xã, trên cánh đồng, tại sân kho, thậm chí là trên những chiếc thuyền thúng đi câu trên biển của ngư dân… sau buổi gặt hay sau giờ cơm tối, không kể thời gian và địa điểm, cứ tập hợp được nông dân là cán bộ đến để tuyên truyền.
Vì là triển khai thí điểm trong cả nước nên lúc này các văn bản pháp lý về BHYT hoàn toàn chưa có, chỉ là sự thống nhất về mặt chủ trương từ phía Chính phủ, trên cơ sở đó Bộ Y tế phối hợp với Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Chủ trương mới, dân chưa hiểu đã đành, nhưng ngay trong cán bộ, đảng viên cũng chẳng tường, hầu hết các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đều chưa có một hiểu biết khái quát, hình dung về chính sách. Ban Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe khi ấy có 02 người là anh Chi và anh Thắng đã đi đến từng nhà 15 đồng chí trong Thường vụ Thành ủy thành phố, đặc biệt là đồng chí Bí thư thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố để thuyết phục. Không chỉ chuyện trò, thuyết phục bằng lời nói, có lần anh Chi còn mang cả máy chiếu và băng tư liệu đến nhà riêng đồng chí Nguyễn Trọng Lô, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo chiếu cho các đồng chí lãnh đạo Thường vụ xem. Khi các đồng chí lãnh đạo Thường vụ đã thông suốt về tư tưởng, anh Chi lại tiếp tục tham mưu soạn thảo các văn bản chỉ đạo. Những văn bản đầu tiên về triển khai BHYT tại Hải Phòng đã ra đời như thế.
Một buổi hội nghị triển khai công tác của Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe Hài Phòng (Trong ảnh: Giám đốc Bùi Thành Chi đang triển khai công việc)
Cả 04 nhóm đối tượng: cán bộ, viên chức thuộc khối hành chính, sự nghiệp; công nhân, lao động thuộc khối công nghiệp, nhà máy; học sinh, sinh viên và nông dân đều là đối tượng tự nguyện, để triển khai, từ Giám đốc, Phó Giám đốc đến từng cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều phải đi tuyên truyền, vận động, khai thác. Địa bàn huyện Thủy Nguyên được chọn làm thí điểm và đối tượng cán bộ, viên chức là nhóm đầu tiên triển khai. Đồng chí Đoàn Xuân Thạo, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên là người sở hữu chiếc thẻ BHYT đầu tiên mang mã số 01. Đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách Khối Văn hóa - Xã hội sở hữu chiếc thẻ BHYT mang mã số 02. Với phương châm “Cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cả gia đình đồng chí Thạo cũng gương mẫu, tiếp tục mua thẻ theo nhóm đối tượng nông dân.
Dòng ký ức đưa anh Thắng và các đồng nghiệp trở lại với những ngày đi tuyên truyền chính sách ở Thủy Nguyên. Có những xã gần, nhưng có những xã cách trung tâm huyện 30 đến 40 km. Nông dân mình nghèo nhưng tấm lòng rộng mở, chính sách tốt của Nhà nước thì hết lòng ủng hộ. Có những buổi tuyên truyền được tổ chức ngay trên cánh đồng vừa mới gặt, người dân lật gốc rạ, ngồi giữa đồng nghe tư vấn chính sách. Người đi tuyên truyền mồ hôi lấm tấm trên mặt, không micro, không loa, không cả tài liệu cầm tay. Những câu hỏi hết sức mộc mạc: Bảo hiểm sức khỏe là cái gì? Giá bao nhiêu? Mua thì được gì? Có bảo hiểm bị bệnh thì chữa như thế nào? Nông dân ở nông thôn, xa bệnh viện như thế này thì đi khám, chữa bệnh như thế nào? (Khi đó, hệ thống y tế tuyến xã chưa phát triển như bây giờ).
Những cán bộ, nhân viên đầu tiên của Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng
Những cuộc họp nông dân như thế được triển khai tại tất cả các xã, trên cánh đồng, tại sân kho, thậm chí là trên những chiếc thuyền thúng đi câu trên biển của ngư dân… sau buổi gặt hay sau giờ cơm tối, không kể thời gian và địa điểm, cứ tập hợp được nông dân là cán bộ đến để tuyên truyền. Với anh Thắng, chị Dung và thậm chí cả anh Chi, Giám đốc, công việc giống như một chuỗi vô tận kéo các anh chị đi, buổi sáng ra khỏi nhà có khi trời còn mờ tối, buổi tối về nhà thường là các con đã đi ngủ, những bữa cơm đầm ấm với gia đình thật hiếm hoi. Nhiều hôm đi tuyên truyền về muộn, cả mấy anh chị em kéo nhau về nhà anh Chi, Giám đốc. Chị Dung (vợ anh Chi) tất bật nấu cơm trưa. Ăn xong mấy anh em lại ào ào kéo nhau đi. Mà lúc ấy ai cũng vô tư, vô tư đến mức vô tâm. Có những đợt ăn trưa hàng tuần, hàng tháng ở nhà anh Chi, nhưng cả mấy người, không ai nghĩ ra phải góp tiền để vợ anh đi chợ. Kinh tế đất nước vừa ra khỏi thời kỳ bao cấp, gia đình nào cũng đầy rẫy khó khăn, vậy mà chị Dung chẳng nề hà, vẫn chu toàn cơm nước để chồng và các đồng nghiệp của anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ… Còn nhớ trong một lần cơ quan đi công tác từ Hải Phòng về Bộ Y tế, chiếc xe ô tô cũ của Viện Mắt Trung ương mà Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe Hải Phòng được Giáo sư Phạm Song, cố Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm, ưu ái cấp cho bị hỏng trên đường Quốc lộ số 5 (tuyến đường Hải Phòng - Hà Nội khi ấy mới chỉ là đường hai làn xe, xấu, xóc và đi từ Hải Phòng về Hà Nội nhanh nhất cũng phải mất 04 tiếng đồng hồ). Anh em chật vật lắm mới thuê được phương tiện đưa xe về, đang chưa biết lấy kinh phí ở đâu để sửa xe thì chị Dung lại gom góp 06 chỉ vàng cho cơ quan vay. Ở Trung tâm Bảo hiểm sức khỏe thành phố Hải Phòng, mọi người đều yêu mến, kính phục chị Dung không chỉ vì chị là vợ của Giám đốc Chi mà bởi vì chị đã sống đúng nghĩa như một người vợ, người chị, chia sẻ mọi khó khăn trong công việc của chồng và anh em trong Trung tâm. Với 09 cán bộ, nhân viên của Trung tâm, chị chính là biên chế thứ 10, biên chế không lương nhưng hết lòng tận tụy với công việc của chồng, với cơ quan Bảo hiểm sức khỏe trong những ngày trứng nước. Có lẽ tấm lòng của một nhà giáo đã giúp chị Dung hiểu sâu sắc hơn công việc ý nghĩa mà anh Chi và các đồng nghiệp của anh đang làm, để từ đó có sự sẻ chia hết lòng như vậy./.
Bài 3. Nhọc nhằn đổi lấy thành công
Dương Ngọc Ánh