“Cần xây dựng văn hóa an sinh, tự giác tham gia BHXH, BHYT”
09/04/2019 08:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam chiều 09/4 về vấn đề cải cách chính sách BHXH; tinh gọn, hiện đại hoá bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ của BHXH.
Tham gia Đoàn công tác có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào; lãnh đạo, đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương.
Về phía BHXH Việt Nam có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh; các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại buổi làm việc
Thành tựu lớn, thách thức lớn
Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu báo cáo kết quả công tác năm 2018 và quý I/2019 của Ngành. Theo đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ được giao trong công thu, giảm nợ BHXH; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT; đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người hưởng…
Hết năm 2018, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,68 triệu người tham gia BH thất nghiệp chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; 83,51 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp toàn Ngành là 332.006 tỷ đồng, vượt 1.432 tỷ đồng, đạt 100,4% so kế hoạch giao. Số nợ phải tính lãi 5.715 tỷ đồng, bằng 1,7% tổng số phải thu (giảm 1,2% so với năm 2017), mức thấp nhất từ trước tới nay.
Hết quý I/2019, số người tham gia BHXH là 14,795 triệu người; tham gia BH thất là 12,78 triệu người; BHYT là 83,6 triệu người.
Năm 2018, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT của Ngành BHXH đã được Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ; Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đánh giá có hiệu quả, được sự đồng tình ủng hộ của doanh nghiệp, người lao động và nhân dân. Tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2018", BHXH Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các Bộ, ngành có dịch vụ công. Những tháng đầu năm 2019, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng mới trong lĩnh vực này như: Hệ thống tin nhắn tra cứu đóng, hưởng BHXH, BHYT; Hệ thống trả lời, tư vấn tự động...
Ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã làm rất tốt công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT giúp việc quản lý, thực hiện nhiệm vụ của Ngành ngày càng thêm hiệu quả, thông suốt. Tuy nhiên, Ngành BHXH cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: “Bài toán” tăng diện bao phủ BHXH, phát triển BHXH tự nguyện; quản lý chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp... Điều này đòi hỏi cần có sự tăng cường phối hợp, cũng như sự chung tay, vào cuộc của nhiều bộ, ngành để thực hiện: Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho các địa phương; nghiên cứu chức năng thanh tra chi trả chế độ BHXH, BHYT cho Ngành BHXH hay việc xây dựng một hệ thống kiểm soát, giám sát việc chi trả các chế độ BHXH...
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, 10 năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, BHXH Việt Nam đã có một bước tiến dài với nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT đi trước đón đầu, hoàn thiện được cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT... Những điều đó đã tạo nền tảng đảm bảo ASXH của đất nước. Nhưng Ngành BHXH cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi: Nhận thức của người dân về hệ thống ASXH chưa cao; các chính sách BHXH, BHYT được thiết kế chưa thực sự hấp dẫn với người dân, NLĐ... đòi hỏi, BHXH Việt Nam phải tiếp tục chủ động, cố gắng hơn nữa trong phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách; kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng phục vụ.
Cần xây dựng văn hoá an sinh
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà Ngành BHXH đã đạt được thời gian qua đặc biệt trong lĩnh vực cải cách TTHC, ứng dụng CNTT mang lại sự hài lòng ngày càng cao cho người tham gia; đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Ngành đang gặp phải.
“Những khó khăn, thách thức đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sát cánh, đồng hành cùng BHXH Việt Nam để cùng nhau tháo gỡ, giải quyết với những giải pháp, việc làm cụ thể vì một mục tiêu chung đảm bảo quyền lợi của người dân, người lao động”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thời gian tới, BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, tập trung làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết. Đặc biệt lưu tâm đến 3 vấn đề lớn:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của nhân dân, người lao động về chính sách an sinh xã hội với 2 trụ cột chính là BHXH, BHYT; phải tạo nên “văn hoá an sinh” trong xã hội để người dân thấy được sự sát sườn, thiết thực của các chính sách này, từ đó tự giác tham gia. Để làm được điều đó, hai Ngành phải phối hợp xây dựng, triển khai một đề án truyền thông lớn với những nhiệm vụ, công việc cụ thể cho từng đơn vị, cán bộ nhằm tiếp cận đến từng người dân, NLĐ.
Thứ hai, hai Ngành phải tăng cường phối hợp để góp ý, kiến nghị xây dựng, sửa đổi chính sách BHXH, BHYT hấp dẫn hơn; giải quyết ngay những vấn đề đang tồn tại như tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT cần có những chế tài mạnh, xử lý dứt điểm.
Thứ ba, hai Ngành cần xây dựng, đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, hướng tới hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo; tăng cường kết nối dữ liệu giữa 2 Ngành trong giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH, BH thất nghiệp.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Bộ LĐ-TB&XH trong hoàn thiện, sửa đổi, xây dựng chính sách BHXH, BHYT; kết nối dữ liệu giải quyết chế độ BH thất nghiệp; thực hiện thanh tra chuyên ngành; phát triển BHXH tự nguyện…
BHXH Việt Nam xác định, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới là: Phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động và các luật liên quan, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với định hướng cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sư dụng lao động, người lao động và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng người nông dân và lao động khu vực phi chính thức. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiếp tục xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc về chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho NLĐ. Hoàn thiện, triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp theo mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW./.
Phạm Chính