Công bố 18 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực BHXH
09/04/2019 03:36 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Quyết định số 1904/QĐ-LĐTBXH về việc công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, TTHC sửa đổi, bổ sung lĩnh vực BHXH thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH công bố 01 TTHC mới ban hành là “Hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng không còn cư trú tại Việt Nam”; 17 TTHC sửa đổi, bổ sung lĩnh vực BHXH thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Về TTHC mới ban hành “Hưởng trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam” có trình tự thực hiện: Bước 1: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần nộp đơn đề nghị cho cơ quan BHXH; Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ 01 bộ được nộp thông qua hình thức giao dịch điện tử hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH. Thời hạn giải quyết: Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần. Cơ quan BHXH theo phân cấp của BHXH Việt Nam sẽ thực hiện và trả kết quả cho người hưởng.
Thủ tục này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
17 TTHC sửa đổi, bổ sung bao gồm: Đăng ký tham gia BHXH bắt buộc lần đầu; cấp lại sổ BHXH; điều chỉnh thông tin tham gia BHXH của NLĐ; Hưởng chế độ ốm đau; hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai, lao động nữ mang thai hộ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai; Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con; Hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi; Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con; Người chồng khi lao động nữ mang thai hộ sinh con; Hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con; Hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ khi lao động nữ mang thai hộ sinh con; Hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản; Hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc; Hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia BHXH; Hưởng BHXH một lần; Hưởng chế độ tử tuất đối với người đang đóng BHXH và người bảo lưu thời gian đóng BHXH chết; Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất của người đang hưởng hoặc đang tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng chết; Chuyển nơi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH.
Bộ LĐ-TB&XH cũng quy định trình tự thực hiện các TTHC, cách thức thực hiện, thành phần và số lượng hồ sơ, thời hạn giải quyết, yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC, đối tượng thực hiện TTHC, cơ quan thực hiện TTHC, kết quả thực hiện TTHC, lệ phí, tên mẫu đơn- mẫu tờ khai, căn cứ pháp lý đối với từng TTHC trên./.
PV