BHXH Đăk Tô (Kon Tum): Triển khai nhiều giải pháp khắc phục nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN
22/06/2018 04:11 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tính đến cuối tháng 5/2018, với tổng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 2,22 tỷ đồng, BHXH huyện Đăk Tô xếp thứ 7/11 đơn vị trong toàn tỉnh. Để khắc phục nợ đọng, BHXH huyện đã thực hiện tổng hợp đồng bộ nhiều giải pháp đan xen hỗ trợ nhau và đã tạo được hiệu ứng tích cực từ phía doanh nghiệp.
Thực hiện tốt việc đóng BHXH, BHYT, BHTN góp phần đảm bảo quyền lợi người lao động
Hiện nay, BHXH huyện Đăk Tô quản lý 153 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với quy mô xấp xỉ 2.400 người lao động (NLĐ) tham gia. Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp diễn ra trên diện rộng, cá biệt có đơn vị nợ số tiền lớn trong thời gian dài, ảnh hưởng đến quyền lợi thụ hưởng BHXH, BHYT của NLĐ. Tính đến 31/5/2018, tổng nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của huyện là 2,22 tỷ đồng, chiếm 3,43% kế hoạch thu năm 2018, với tỷ lệ đó, BHXH huyện Đăk Tô xếp thứ 7/11 đơn vị trong toàn tỉnh.
Trước thực trạng này, BHXH huyện đã tham mưu UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng nợ đọng các chế độ bảo hiểm bắt buộc tại Công văn số 272/UBND-VX ngày 22/5/2018. Theo đó, BHXH huyện chủ động phối hợp Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội ban hành kế hoạch liên ngành, thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kết quả kiểm tra tại 20 doanh nghiệp cho thấy, tổng nợ đọng tại các đơn vị này tính đến 31/5/2018 xấp xỉ 1,4 tỷ đồng, phần lớn tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nguyên nhân chủ yếu, đa phần là do không có công trình; một số công trình dở dang kéo dài, vì trong thời gian thi công, giá vật tư liên tục tăng vượt ngưỡng dự toán đã được phê duyệt trước đó, khiến đơn vị gặp không ít khó khăn về vốn. Số khác, mặc dù công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư chỉ thanh toán cầm chừng cho doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp thì thường vướng vào hệ lụy chậm quyết toán nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng… dẫn đến nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kéo dài.
Sau kiểm tra, các doanh nghiệp đã cam kết trả dứt điểm khoản nợ đến cuối tháng 5/2018 và đóng nộp đầy đủ số phát sinh theo tháng. Tính đến cuối ngày 20/6/2018, hầu hết các doanh nghiệp kiểm tra đã trả nợ với tổng số tiền trên 890 triệu đồng, đạt 63,6% số nợ mà các doanh nghiệp này phải trả chốt đến cuối tháng 5/2018.
Để tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm, BHXH huyện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, trong đó ưu tiên hình thức tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với NLĐ tại doanh nghiệp và người dân tại các khu dân cư. Tới đây, BHXH huyện theo dõi, định kỳ hàng quý báo cáo UBND huyện về tình hình thu nộp và danh sách đơn vị trên địa bàn về nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phối hợp cơ quan báo chí thực hiện các bài viết chuyên đề về nợ đọng để nâng cao ý thức trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động; chỉ đạo cán bộ chuyên quản thu thường xuyên bám sát cơ sở để đôn đốc, cùng đơn vị tháo gỡ khó khăn, phấn đấu thu dứt điểm số phát sinh trong tháng gắn với thu hồi nợ đọng; tham mưu UBND huyện không khen thưởng đối với các đơn vị vi phạm việc đóng nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, hướng tới xem xét không cho đăng ký tham gia đấu thầu các công trình trên địa bàn huyện đối với các doanh nghiệp chấp hành không nghiêm Luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT và để kéo dài nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; ban hành văn bản chỉ đạo Đội kiểm tra thi hành pháp luật huyện phối hợp BHXH huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp./.
Thái Đông Hải