Định hướng chính sách về sửa đổi Luật BHYT
22/06/2018 02:43 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 21/6/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Định hướng chính sách về sửa đổi Luật BHYT. PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: TS. Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội; Nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo; đại diện và lãnh đạo chuyên viên một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; BHXH Việt Nam; đại diện WHO và các đơn vị liên quan.
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Luật BHYT được ban hành với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ. Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 là tăng tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.
Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình. Quá trình thực hiện BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể. Từ khi ban hành, Luật BHYT đã tác động tích cực đến chính sách BHYT ở Việt Nam. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 85,6% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm, BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Các vấn đề vướng mắc tập trung vào việc mở rộng bao phủ đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức Khám chữa bệnh BHYT (Hợp đồng, đăng ký KCB, chuyển tuyến, thủ tục KCB, giám định); phương thức thanh toán chi phí Khám chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHYT; tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT …
Vì vậy, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm bảo vệ tài chính cho người dân khi đau ốm, đồng thời, là công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân theo định hướng công bằng và hiệu quả.
Hội thảo nhằm thảo luận những nội dung liên quan đến định hướng sửa đổi Luật BHYT như: Nhận diện về những tồn tại và bất cập của Luật BHYT hiện hành; xác định vấn đề chính cần kiến nghị trong việc sửa đổi Luật BHYT; xác định cách thức tiếp cận sửa đổi Luật BHYT dựa trên bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế, và ý kiến chuyên gia.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban về các vấn đề xã hội của quốc đưa ra 10 gợi ý chính sách khi sửa đổi Luật BHYT đó: Điều chỉnh phạm vi chi trả BHYT phù hợp với nguyên tắc chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế được tham gia cung cấp dịch vụ Khám chữa bệnh theo BHYT; xác định rõ Hợp đồng Khám chữa bệnh BHYT; nhiều gói dịch vụ BHYT; mở rộng bao phủ BHYT đến khắp các đối tượng; cải cách hành chính và hiện đại hóa quản lý BHYT; đổi mới cơ chế kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh, bảo đảm cân đối quỹ BHYT; điều chỉnh cơ chế thanh toán; nâng cao vai trò y tế cơ sở và y học gia đình; cân đối mức đóng và hưởng khi tham gia BHYT.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra một số báo cáo thảo luận một số nội dung: Báo cáo liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; báo cáo phân tích chính sách và kinh nghiệm quốc tế về BHYT; báo cáo kết quả và thách thức về tỷ lệ bao phủ BHYT, chi phí Khám chữa bệnh và thực hợp đồng Khám chữa bệnh BHYT; thực hiện nguyên lý y học gia đình và chuyển tuyến khám chữa bệnh những kiến nghị về chính sách BHYT./.
PV