Giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT ngày 24/5/2018 [Kết thúc]
24/05/2018 08:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên cả nước một cách đầy đủ và kịp thời về chính sách BHXH, BHYT.
Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, BHXH Việt Nam Dương Ngọc Ánh tặng hoa cảm ơn đại diện các đơn vị tham gia giao lưu cùng bạn đọc.
Khách mời tham gia Chương trình giao lưu là đại diện lãnh đạo và các chuyên gia đến từ các đơn vị: Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Thu; Ban Sổ - Thẻ...
Ban Tổ chức chương trình đã nhận được hơn 100 câu hỏi từ bạn đọc, đã có 92 câu được các khách mời trả lời, các câu hỏi còn lại sẽ được Ban Tổ chức phân loại và chuyển tới các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ của BHXH Việt Nam trả lời bạn đọc và sẽ được đăng tải tại chuyên mục Hỏi đáp của Cổng TTĐT BHXH Việt Nam.
Ban Tổ chức chương trình trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình; cảm ơn các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã tới đưa tin về chương trình giao lưu; cảm ơn tới quý vị độc giả trên mọi miền Tổ quốc đã luôn quan tâm, theo dõi và tích cực tham gia các chương trình giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.
Dưới đây là nội dung Chương trình giao lưu. Nội dung được sắp xếp theo thứ tự mới ở trên để quý bạn đọc tiện theo dõi:
Câu 92: Bạn đọc từ mail linhanh3456hp@gmail.com hỏi:
Tôi ở một xã miền núi, xin hãy cho biết tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện thì cần các thủ tục gì và đăng ký tham gia ở đâu? Và xin cho biết mức đóng hàng tháng và mức hỗ trợ của nhà nước khi tham gia BHYT theo hộ gia đình? Tôi muốn tham gia BHYT theo hộ gia đình, xin hãy cho biết tôi cần chuẩn bị các hồ sơ thủ tục gì và tôi có thể đăng ký tham gia ở đâu?
BHXH Việt Nam trả lời:
1. Theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì người tham gia kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS). Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình bạn bổ sung giấy ra viện có ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể” (nếu có) hoặc bổ sung Giấy tờ chứng mình hưởng quyền lợi BHYT cao hơn (nếu có), chi tiết tại Phụ lục 03 Quyết định số 595/QĐ-BHXH.
2. Bạn có thể đến các điểm thu, đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình. Thông tin các điểm thu, đại lý thu được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam qua địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/diem-thu-dai-ly.aspx
3. Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình quy định: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng theo quy định.
Câu 91: Bạn đọc từ mail drnguyenquocminh@gmail.com hỏi:
Dạ cho em hỏi phòng khám đa khoa có được khám cho bệnh nhân có thẻ BHYT thông tuyến trên toàn quốc không? Ví dụ bệnh nhân A đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện huyện thuốc tỉnh Khánh Hòa có khám bệnh tại PKĐK thuộc tỉnh Đồng Nai hoặc TP.HCM được không?
Em cám ơn nhiều!
Hiện nay, việc khám chữa bệnh BHYT thông tuyến trên toàn quốc chỉ áp dụng tại các bệnh viện tuyến huyện, không áp dụng thông tuyến trên toàn quốc đối với các phòng khám đa khoa.
Trường hợp đăng ký KCB ban đầu ở bệnh viện huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa đến KCB tại phòng khám đa khoa thuộc tỉnh Đồng Nai hoặc TP Hồ Chí Minh thì không áp dụng khám chữa bệnh thông tuyến.
Câu 90: Bạn đọc từ mail trang1984hg@gmail.com hỏi:
Tôi là công chức, đã tham gia BHYT hơn 8 năm, trước đây tôi đi khám bệnh thường không sử dụng thẻ BHYT, nay tôi thấy đã có nhiều thay đổi đối với người khám bệnh có sử dụng thẻ BHYT, tôi muốn tìm hiểu về giá thanh toán các dịch vụ y tế để thuận tiện khi đi khám bệnh tại bệnh viện tư nhân có thanh toán BHYT?
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, người tham gia BHYT khi đi KCB tại các bệnh viện tư nhân sẽ được thanh toán theo mức giá quy định Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Phần chênh lệch giữa giá KCB của cơ sở tư nhân và mức giá thanh toán BHYT người tham gia BHYT tự chi trả cho cơ sở KCB.
Câu 89: Bạn đọc từ mail linhanh3456hp@gmail.com hỏi:
Tôi có vài câu hỏi về BHYT, BHXH. Rất mong được BTC chương trình giải đáp để chúng tôi có được những thông tin rõ hơn về BHXH, BHYT.
1. Mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến từ ngày 01/7/2018 được quy định như thế nào?
2. Trường hợp người tham gia BHYT khi đi KCB tại các cơ sở KCB giáp ranh của hai tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương có được quỹ BHYT thanh toán không? Mức hưởng như thế nào? Phải làm thủ tục gì để được thanh toán?
3. Gia đình tôi có tham gia BHYT theo hộ gia đình, vậy xin hỏi từ ngày 01/7/2018 tôi có cần lưu ý gì khi đi KCB BHYT không?
4. Trước đây khi đi KCB phải trình thẻ BHYT để được thanh toán chi phí KCB? Vậy nay đi khám chữa bệnh mà quên không mang thẻ BHYT có được thanh toán không?
5. Xin hãy cho biết Hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT được quy định như thế nào?
6. Xin hãy cho biết Thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu được quy định như thế nào?
1. Theo quy định tại Khoản 3, 4, 5 Điều 22 Luật BHYT thì trong năm 2018 người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo tỷ lệ như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
- Đối với người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
- Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh 100% chi phí KCB BHYT theo phạm vi, mức hưởng của đối tượng khi KCB BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
2. Đối với trường hợp KCB BHYT giáp ranh tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các địa bàn giáp ranh theo hướng dẫn của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại các địa bàn giáp ranh.
Trường hợp Ông/Bà đi KCB BHYT tại trạm y tế xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện của tỉnh giáp ranh theo quy định trên thì được hưởng 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng.
3. Từ ngày 01/7/2018 mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng. việc tăng lương cơ sở cũng giúp quyền lợi và mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT gia tăng như sau:
- Số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm tài chính làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm (6 tháng lương cơ sở) điều chỉnh tăng từ 7,8 triệu đồng lên 8,34 triệu đồng;
- Chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 195.000 đồng lên 208.500 đồng.
- Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dich vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở: Điều chỉnh tăng từ 58,5 triệu đồng lên 62,55 triệu đồng.
4. Trường hợp người tham gia BHYT đi KCB không xuất trình thẻ BHYT thì sẽ được thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT tại cơ quan BHXH như sau:
- Tại cơ sở y tế có hợp đồng KCB BHYT: thanh toán trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định;
- Tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT: thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không vượt quá các mức sau:
+ Tuyến huyện: Ngoại trú là 60.000 đồng; Nội trú là 500.000 đồng;
+ Tuyến tỉnh: Nội trú là 1.200.000 đồng; Không thanh toán chi phí KCB ngoại trú;
+ Tuyến Trung ương: Nội trú là 3.600.000 đồng; Không thanh toán chi phí KCB ngoại trú.
5. Hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT lập theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
- Thẻ BHYT, Giấy tờ chứng minh về nhân thân và giấy chuyển viện/giấy hẹn khám lại (nếu có).
- Giấy ra viện.
- Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan).
6. Thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu: Vào đầu mỗi quý đề nghị Ông/bà đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hướng dẫn thủ tục đổi nơi đăng ký KCB ban đầu.
Câu 88: Bạn đọc từ mail ng.minhphuong0609@gmail.com hỏi:
Cho em hỏi là hiện tại em đã bảo lưu tại trường đại học và vẫn chưa đi làm vậy em có thể mua bảo hiểm tự nguyện được không?
Trường hợp của bạn đã bảo lưu tại trường đại học, chưa đi làm và không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 thì bạn thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tại Khoản 5 Điều 12 Luật này. Bạn có thể đến các điểm thu, đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi gần nhất để tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thông tin các điểm thu, đại lý thu được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam qua địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/diem-thu-dai-ly.aspx
Câu 87: Bạn đọc từ mail truongthungan81@gmail.com hỏi:
Ngày 2 tháng 4 năm 2018 tôi phải nhập viện theo dõi chửa vết mổ đến hết ngày 5/4 tôi được ra viện với kết luận là thai 6 tuần chửa vết mổ. Phương pháp điều trị là hút thai dưới màn hình siêu âm. Trong giấy ra viện bác sĩ cho tôi nghỉ theo chế độ sau khi ra viện. Nhưng khi thanh toán chế độ thai sản, cơ quan bảo hiểm chỉ cho tôi được hưởng 4 ngày nằm viện mà không được hưởng 20 ngày chế độ tương ứng với hút thai 6 tuần với lý do thai ngoài tử cung. Nhưng trong giấy ra viện của tôi bác sĩ kết luận là chửa vết mổ chứ không phải là chửa ngoài tử cung và phương pháp điều trị của tôi là hút thai chứ không phải là mổ lấy thai ngoài tử cung. Với người lao động không có chuyên môn về y học như tôi thì chửa vết mổ và chửa ngoài là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Vậy mong Anh/chị giải thích giúp tôi thắc mắc này.
Trường hợp của bạn đã được Bệnh viện cấp giấy ra viện với kết luận là thai 06 tuần chửa trên vết mổ, phương pháp điều trị là hút thai với chỉ định của bác sĩ là nghỉ theo chế độ. Theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH, thời gian nghỉ việc tối đa của lao động nữ được hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, như sau:
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Do đó, trường hợp của Bạn sẽ được nghỉ tối đa là 20 ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Câu 86: Bạn đọc từ mail thaiminhdienkg@gmail.com hỏi:
Hàng tháng, đơn vị sử dụng lao động trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định nhưng các quyết định nâng lương, hợp đồng... và mẫu D02-TS nộp sau thời gian quy định thì đơn vị có bị tính lãi chậm đóng bảo hiểm không? Cơ quan BHXH căn cứ phần mềm báo các đơn vị nộp chậm và tính lãi, tuy nhiên đối chiếu chứng từ hàng tháng thì không tháng nào đơn vị sử dụng lao động nộp thiếu, nhưng vẫn bị tính lãi. Đơn vị có yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đối chiếu với đơn vị sử dụng lao động chi tiết từng tháng từ năm 2013 đến nay (gồm các cột: Quỹ tiền lương, các khoản bảo hiểm phải nộp theo tháng, tiền bảo hiểm đã nộp theo tháng, thừa, thiếu, nguyên nhân), nhưng cơ quan BHXH cho biết, chỉ xác nhận biểu mẫu theo quy định của BHXH Việt Nam. Vậy, trong trường hợp nêu trên, cơ quan BHXH không xác nhận thì có đúng quy định không? Từ năm 2013 đến năm 2017, cán bộ chuyên môn không cập nhật lương, hồ sơ bảo hiểm cho người lao động và thông báo đơn vị nộp thừa từ năm 2013 đến tháng 12/2017. Vậy, trách nhiệm này có thuộc về đơn vị sử dụng lao động không?
Trân trong!
- Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 138, Luật BHXH năm 2006; Khoản 3, Điều 122, Luật BHXH năm 2014; Khoản 2, Điều 18, Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, đơn vị chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng. Từ ngày 01/01/2016, sau 06 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng BHXH cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm số tiền phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng. Vì vậy, trường hợp từ trước và sau ngày 01/01/2016 đơn vị đã thực hiện trích đóng vào quỹ BHXH đầy đủ, kịp thời nhưng chậm nộp hồ sơ điều chỉnh số tiền đóng BHXH thì không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
- Căn cứ Điều 20 và Khoản 1, Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH năm 2014 hàng tháng đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm báo tăng, báo giảm kịp thời với cơ quan BHXH. Từ năm 2013 đến tháng 12/2017, đơn vị không đối chiếu với cơ quan BHXH, do đó trách nhiệm báo tăng, báo giảm chậm thuộc về đơn vị sử dụng lao động. Đề nghị đơn vị sử dụng lao động làm việc với cơ quan BHXH nơi đơn vị đang tham gia BHXH để thực hiện phối hợp đối chiếu, thu nộp theo quy định.
Câu 85: Bạn đọc từ mail ut165273@gmail.com hỏi:
Lúc trước em có 1 sổ bảo hiểm với số sổ: 5820515075 được cấp tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
em vào làm việc ở Bình Dương làm trường Mầm Non Hoa Mùa Xuân/ấp 4/xã Vĩnh Tân huyện Tân Uyên/Tỉnh Bình Dương và được chủ trường tham gia BHXH từ tháng 12/2017 đến hết tháng 3/2018 em xin nghỉ. Trường kêu em đưa sổ bảo hiểm ở ngoài quê em để tiến hành gộp sổ bảo hiểm cho em. Nhưng đến nay đã gần 2 tháng mà trường vẫn chưa trả sổ lại cho em.
Cho em hỏi trường hợp của em thì bao lâu mới có sổ bảo hiểm! Và nếu trường cứ trì truệ không trả sổ cho em thì em phải liên hệ cơ quan nào để giải quyết vấn đề này. Em cảm ơn!
Tại Khoản 2, Điều 29, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì thời hạn giải quyết hồ sơ gộp sổ BHXH không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp bạn đã nộp tất cả các sổ BHXH cho Trường Mầm non Hoa mùa xuân, Tỉnh Bình Dương để làm thủ tục gộp sổ BHXH thì bạn liên hệ và yêu cầu Trường Mầm non Hoa mùa xuân làm thủ tục nộp cơ quan BHXH để gộp sổ BHXH.
Câu 84: Bạn đọc từ mail trungkien03061988@gmail.com hỏi:
Mình làm ở công ty vốn nước ngoài và có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Và vừa rồi mình có đi khám ở bệnh viện tư là bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc 55 Yên Ninh, Ba Đình và các bác sỹ ở đó chuẩn đoán mình viêm tai và họng cấp cần nghỉ để điều trị. Bệnh viện đã viết giấy nghỉ ốm có hưởng chế độ bảo hiểm cho mình. Nhưng về công ty thì bạn làm bảo hiểm của công ty không làm thủ tục cho mình với lý do là mình khám ở viện tư không có trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Vậy ban quản trị cho hỏi như thế có đúng không và giấy nghỉ ốm của bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc là không có giá trị ak. Rất mong ban quản trị giải đáp giúp mình. Xin chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó;
b) Phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nếu Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc nơi Bạn khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện theo các quy định nêu trên và mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo đúng quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế và Thông tư số 56/2017/TT-BYT nêu trên thì Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc cấp đủ điều kiện để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Câu 83: Bạn đọc từ mail huongttk@oucru.org hỏi:
Tên tôi là Trần Thị Kiều Hương, sinh ngày 23/04/1978, số CMND là 011925856, công tác tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng trường Đại học Oxford- Bệnh viện nhiệt đới Trung ương- 78 Giải Phóng- Hà nội. Tôi xin được hỏi một việc như sau: Tôi mang bầu được 15 tuần nhưng do thai nhi bất thường nên tôi đã đến khoa điều trị tự nguyện bệnh viện phụ sản trung ương xin đình chỉ thai. Trong giấy ra viện của tôi có ghi chú là "nghỉ công tác theo chế độ". Tôi đã chụp ảnh giấy này gửi đến cơ quan công tác để nhờ các chị gửi lên cơ quan bảo hiểm xã hội và xác nhận cho tôi về chế độ được hưởng. Tuy nhiên, khi tôi gọi điện đến cơ quan thì được trả lời là việc này do cá nhân tự làm việc với cơ quan bảo hiểm để biết được quyền lợi về số ngày nghỉ cũng như hưởng lương theo bảo hiểm như thế nào. Tôi đã ra viện vào ngày 12/05/2018 và đang xin nghỉ phép để được dưỡng sức ở nhà. Nhưng số lượng ngày phép cũng có hạn. Xin cơ quan bảo hiểm xã hội tư vấn cho tôi biết theo đúng chế độ tôi sẽ được nghỉ bao nhiêu ngày và hưởng lương theo bảo hiểm xã hội như thế nào. Tôi nên liên hệ cơ quan bảo hiểm ở phòng ban và địa chỉ nào để nhận được xác nhận về chế độ hưởng bảo hiểm của mình. Thủ tục giấy tờ hồ sơ tôi cần chuẩn bị gồm những gì. Thời hạn nộp hồ sơ và giải quyết hồ sơ trong bao lâu. Tôi xin gửi file đính kèm là ảnh chụp giấy ra viện của tôi để cơ quan bảo hiểm tham khảo. Tôi rất mong sớm nhận được thư trả lời của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Biết được chế độ bảo hiểm của mình sẽ giúp tôi nghỉ ngơi theo đúng quy định của luật bảo hiểm, không vi phạm các quy định của cơ quan và yên tâm mau chóng hồi phục sức khỏe.
Tôi xin trân thành cảm ơn.
Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Căn cứ quy định nêu trên, công ty của bạn phải có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản của bạn đến cơ quan BHXH nơi công ty đóng BHXH theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH, thời gian nghỉ việc tối đa của lao động nữ được hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, như sau:
Mức hưởng một thángtheo quy định tại Điều 39 Luật BHXHbằng 100% mứcbình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật BHXH hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.
Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Câu 82: Bạn đọc từ mail hangdo.9x@gmail.com hỏi:
Em nghỉ thai sản khi đang làm việc cho công ty.
Em đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội nhưng công ty trả lời rằng không phải do công ty làm chế độ thai sản cho em.
Vậy em hỏi là công ty trả lời như vậy là đúng hay sai. Và nếu công ty không làm thì ai sẽ là người làm chế độ này cho em?
Em cảm ơn.
Câu 81: Bạn đọc từ mail phamkimhong32@gmail.com hỏi:
Tôi có gặp một số vướng mắc, kính mong nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan như sau:
Tôi có làm việc và tham gia đóng BHXH tại ngân hàng HD Bank, và đã nghỉ việc nhưng đến nay, tôi chưa nhận được sổ BHXH và có liên hệ với HDBank nhiều lần để được nhận lại sổ nhưng bị từ chối với lý chưa giải quyết xong hồ sơ nghỉ việc của tôi.
Tôi xin nghỉ phép không lương từ 05/12/2017 đến khi có quyết định nghỉ việc.
Sau đó, tôi liên hệ HDBank để được nhận lại sổ BHXH và bị từ chối với lý do trên.
Đến tháng 02/2018 Tôi mới nhận được thông báo Chấm Dứt Hợp Đồng Lao Động (Hiệu lực bắt đầu từ 29/11/2018).
1. Tình trạng sổ BHXH của tôi tại thời điểm này có được HDBank chốt với Cơ Quan BHXH chưa?
2. Sổ BHXH Tôi có thể nhận lại ở đâu?
3. Hiện tại Tôi vẫn chưa có việc làm, Tôi chưa được hưởng chế độ BHTN có phả vì sự chậm trễ của HDBank và Tôi có bị mất quyền lợi hưởng BHTN không?
Tôi kính mong sự hỗ trợ, hướng dẫn từ phía cơ quan BHXH để Tôi thực hiện trách nhiệm, quyền lợi đúng pháp luật quy định.
Xin chân thành cảm ơn!
1,2: Khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật thì đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH và trả sổ BHXH. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 29, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, việc xác nhận sổ không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Vì vậy, bạn liên hệ và yêu cầu HDBank làm thủ tục xác nhận sổ BHXH theo đúng quy định.
3: Về quy định giải quyết hưởng BHTN:
Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy địn tại Điều 16, Nghị định 28/2015/NĐ-CP do Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, thời gian đóng BHTN chưa hưởng của bạn được bảo lưu trên sổ BHXH.
Câu 80: Bạn đọc từ mail closetoyou2005@gmail.com hỏi:
Tôi có tham gia đóng BHXH được khoảng 5 năm. Nhưng trong quá trình làm việc tôi có bị ốm và nghỉ điều trị khoảng gần 1 năm.
Trong thời gian nghỉ điều trị bệnh thì tôi nghỉ không lương do đó bị gián đoạn đóng BHXH (khoảng gần 1 năm)
Vậy tôi muốn hỏi thủ tục để đóng bù BHXH thời gian tôi nghỉ gián đoạn 1 năm kia như thế nào? Số tiền phải đóng bù tính như thế nào? Và tiến hành đóng bù ở công ty tôi làm việc hay đến cơ quan bảo hiểm tự nguyện để đóng?
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21; Khoản 1, 3 Điều 85; Khoản 1 Điều 86, Luật BHXH năm 2014; Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, hàng tháng người sử dụng lao động đóng BHXH và trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương, nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó.
Do đóng, thời gian ông/bà nghỉ không làm việc, không hưởng tiền lương thi không có căn cứ để trích nộp BHXH (không được đóng bù), thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
Câu 79: Bạn đọc từ mail nguyendang88888888@gmail.com hỏi:
Tôi là công chức nhà nước. Trước đây có tham gia quân đội từ năm 1980, đến 1983 chuyển ngành về Cơ quan và công tác liên tục cho đến nay. Là bộ đội nên tôi tham gia vào Hội Cựu chiến binh của cơ quan. Theo Hội CCB cấp trên cho biết, Hội viên CCB được đổi mã thẻ BHYT từ 4 lên mã 2. Vậy trường hợp của tôi cũng như một số anh em trong cơ quan như tôi có được đổi mã quyền lợi không?
Xin cám ơn!
Căn cứ Điểm 2, Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2014 quy định: “Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất”.
Trường hợp của Bạn nếu có đầy đủ hồ sơ giấy tờ liên quan chứng minh đã tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hoặc sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu chuyển ngành thì bạn được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng cựu chiến binh.
Câu 78: Bạn đọc từ mail daonui888@gmail.com hỏi:
Em là Đào Văn Núi, số sổ BHXH 7708030077. Em là cán bộ công an TP.Hải Phòng. Ngày 02/7/2015 em được cơ quan giải quyết cho xuất ngũ. Sau đó em đã xin được sổ BHXH về nhà để tiếp tục đóng. Nhưng do không có điều kiện và quá trình di chuyển nhà ở em đã làm mất sổ BHXH. Nay em có nguyện vọng được rút sổ BHXH (thanh toán) 1 lần. Em còn giữ được bản photo sổ BHXH (bản sao không công chứng) và 01 Tở khai cấp sổ bảo hiểm xã hội (bản chính). Hiện tại em đang ở (và đăng ký hộ khẩu) Thôn 10 xã An Sơn - Thủy Nguyên - Hải Phòng. Cho em hỏi thủ tục của em xin thanh toán BHXH 1 lần như thế nào.
Em xin trân thành cảm ơn!
Trường hợp của Bạn đã mất sổ BHXH, Bạn cần báo cáo với đơn vị nơi Bạn công tác trước khi nghỉ việc về việc mất sổ và để nghị cấp lại để đơn vị làm thủ tục báo cáo BHXH Công an nhân dâncấp lại sổ BHXH.
Sau khi được cấp lại sổ BHXH nếu bạn có nhu cầu hưởng BHXH 1 lần, đề nghị bạn liên hệ với BHXH nơi cư trú để nộp hồ sơ.
Về hồ sơ hưởng BHXH 1 lần đối với trường hợp đủ điều kiện hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 109 Luật BHXH năm 2014 bao gồm:
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.
3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
4. Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Câu 77: Bạn đọc từ mail uyenpham159@gmail.com hỏi:
Bệnh viên Mắt TP.HCM có chút vướng mắc về khâu tiếp nhận thủ tục hành chính của bệnh viện.
Kính chuyển đến BHXH Việt Nam mong được giải đáp:
Theo thông tư 41, việc bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại các đơn vị cần xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh để xác nhận nhân thân.
Tuy nhiên hiện tại đa phần thẻ BHYT của cúng ta không có hình ảnh, nên luôn phải xuất trình kèm giấy tờ tùy thân.
Phần lớn bệnh nhân sử dụng là CMND, khó khăn ở chỗ đối với giấy CMND thì theo: Thông tư số 04/1999/TT-BCA (C13) ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân thì CMND lại có thời hạn sử dụng là không quá 15 năm.
BV linh hoạt và xử lý bằng nhiều tình huống bằng việc chấp nhận các giấy tờ tùy thân khác của bệnh nhân có dán ảnh, hợp lệ có thể xác nhận được nhân thân,nếu CMND hết hạn.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân không có mang theo gì ngoài CMND đã hết hạn và ảnh CMND đôi khi cũng bị mờ không nhìn rõ do quá lâu.
Đặc trưng hơn nữa là BỆNH VIỆN chủ yếu thực hiện phẫu thuật và về trong ngày, nên không kịp chờ bổ sung giấy xác nhân nhân thân
Trong trường hợp đó BỆNH VIỆN sẽ giải quyết thế nào, bên phía giám định và thanh tra bảo hiểm có kiểm soát chặt chẽ về thủ tục giấy tờ theo quy định trên hồ sơ thanh toán của bệnh nhân không? Nếu những khoản nào có thể chấp nhận được thì kính xin BHXH Việt Nam cho phía các đơn vị văn bản hướng dẫn chi tiết và rõ hơn về vấn đề tiếp nhận hồ sơ của bệnh nhân. Để giúp đồng bộ hướng giải quyết giữa các đơn vị, tránh tình trạng trên dưới bất nhất. gay khó khan cho bệnh nhân.
Kính mong BHXH Việt Nam hỗ trợ phía đơn vị để có thể phục vụ tốt hơn nữa cho bệnh nhân, hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Và cũng không phải tự vấn bản thân xem: “Làm vậy được hay không có bị trừ hay bị kiểm tra là không đúng gì không ngay từ khâu đầu tiên mình giải quyết và tiệp nhận như thế??!”.
Đơn vị mong duy nhất một điều là có hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn để giúp hài lòng bệnh nhân hơn, và đồng thời cũng bảo vệ được nhân viên y tế dựa trên văn bản được cung cấp từ BHXH VN khi giải thích cho bệnh nhân.
Kính chúc sức khỏe! Trân trọng../..
Điều 28 Luật BHYT quy định người tham gia BHYT phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Việc quy định xuất trình giấy tờ chứng minh về nhân thân cùng với thẻ BHYT là đề xác minh đúng người tham gia BHYT, tránh trường hợp gian lận BHYT.
Do đó, trường hợp chứng minh nhân dân hết hạn thì người tham gia BHYT vẫn được KCB BHYT như quy định. Trường hợp, ảnh trên giấy tờ chứng minh về nhân thân mờ không xác nhận được người tham gia BHYT đề nghị cơ sở KCB yêu cầu người bệnh xuất trình giấy tờ chứng minh về nhân thân khác phù hợp.
Câu 76: Bạn đọc từ mail Lan.Dang@thegrandhotram.com hỏi:
Lương theo hợp đồng lao động của người lao động là 100.000.000 (một trăm triệu đồng), khi báo tăng tham gia Bảo hiểm cho người lao động doanh nghiệp báo lương 100.000.000. Trong tờ rời do cơ quan BH gởi về công ty của người lao động có thể hiện cụ thể: + Mức lương 100.000.000 đồng.
Vậy mỗi khi:
- Mức lương tối thiểu vùng thay đổi, doanh nghiệp có cần phải báo tăng lại mức lương tham gia Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hay không.
- Lương cơ sở thay đổi (hiện tại là 1.300.000 đồng) thì doanh nghiệp có cần báo tăng lại các mức đóng của người lao động hay không. (HT, TT, ÔĐ, TS, TNLĐ, BNN, BHTN)
Đề nghị hỗ trợ giải đáp thắc mắc để đơn vị thuận lợi trong công việc.
- Trường hợp mức lương ghi trên Hợp đồng lao động cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu vùng thì không phải báo điều chỉnh tăng lại mức lương tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Trường hợp người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động và đóng bằng mức tiền lương do đơn vị quyết định thì không chịu tác động thay đổi của mức lương cơ sở do đó doanh nghiệp không cần báo tăng lại mức đóng của người lao động khi có thay đổi mức lương cơ sở.
Câu 75: Bạn đọc từ mail vianhtu213@gmail.com hỏi:
Nhà tôi ở Hà Nội và được cấp BHYT thuộc hộ nghèo tại tuyến tỉnh. Như tôi được biết nếu tôi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được BHYT chi trả 100%. Nhưng hiện tại tôi đang đi làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, như vậy nếu tôi đi khám chữa bệnh tại Đồng Tháp thì mức chi trả của bảo hiểm là bao nhiêu? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Ông sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi đi KCB tại các cơ sở KCB tỉnh Đồng Tháp như sau:
- Các cơ sở KCB tuyến tỉnh của tỉnh. Khi đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh và giấy công tác.
- Các bệnh viện tuyến huyện. Khi đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.
Câu 74: Bạn đọc từ mail quyettx@ngvgroup.vn hỏi:
Anh/chị ơi cho em hỏi, em có 1 sổ bảo hiểm xã hội nhưng hiện tại em tra cứu thì lại có 2 nơi cùng đóng trên 1 số sổ đó. Vậy em phải làm sao để cắt 1 nơi đi không?
ở tỉnh Thái Bình thì đơn vị cũ em công tác họ vẫn đóng từ năm 2013 đến nay, còn từ năm 2016 em chuyển về Hà Nội thì nơi em công tác họ lại đóng cho em bắt đầu từ tháng 7 năm 2016 cho đến nay.
Nhờ anh chị tư vấn giúp em!
Căn cứ Tiết e, Điểm 3.1, Khoản 3, Điều 43, Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kè theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, ông/bà có thời gian từ tháng 7/2016 đến nay bị đóng trùng tại đơn vị cũ và đơn vị đang làm việc thì được hoàn trả. Để được hoàn trả tiền đóng trùng đối với thời gian trên, ông/bà làm tờ khai theo hướng dẫn tại Điều 26, Quyết định 595/QĐ-BHXH gửi cơ quan BHXH.
Câu 73: Bạn đọc từ mail thangpvcnt@gmail.com hỏi:
Theo tôi được biết thì từ ngày 1/1/2016 tiền lương tháng đóng BHXH là "mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật". Như vậy cho tôi hỏi:
1. Trước ngày 1/1/2016 tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đã bao gồm phụ cấp lương chưa hay nói cách khác phụ cấp lương có phải đóng BHXH không?
2. Đối với công chức, viên chức mà có phụ cấp độc hại và phụ cấp chức vụ thì hai khoản phụ cấp đó có phải đóng bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN) không?
Trân trọng cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 94, Luật BHXH năm 2006, trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Trường hợp người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 01/01/2016 là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 89, Luật BHXH năm 2014 đối với công chức, viên chức thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có), phụ cấp độc hại không được dùng để tính đóng BHXH.
Câu 72: Bạn đọc từ mail hphungdc@gmail.com hỏi:
Thẻ bảo hiểm y tế của tôi đã hết hạn từ ngày 30/04/2018.
Ngày 05/04/2018 tôi đã nhận thẻ BHYT theo mẫu mới và đã đóng phí cho năm 2018 (702.000 đồng) (có biên nhận) nhưng đến nay (03/05/2018) thẻ BHYT của tôi vẫn báo là đã hết hạn. Tôi đã liên hệ với đại lý BHYT địa phương (Phường 11 Quận Phú Nhuận TPHCM). Nhưng vẫn chưa được gia hạn thẻ, giờ tôi phải làm sao?
Thông tin thẻ:
Mã thẻ: GD479792830**** (có hiệu lực từ ngày 01/04/2018)
Họ và Tên: Huỳnh Phi Hùng
sinh ngày 09/03/1951
Địa chỉ: 102/23A Hồ Biểu Chánh P11 Q.Phú Nhuận
Nơi ĐK KCB: Bện viện Hoàn Mỹ Saigon.
Theo thông tin bạn đưa ra, cơ quan BHXH quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện cấp mới giá trị sử dụng thẻ BHYT cho bạn có thời từ ngày 01/5/2018 đến 30/4/2019. Bạn có thể tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT của mình trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam qua địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx
Câu 71: Bạn đọc từ mail closetoyou2005@gmail.com hỏi:
Tôi có chút thắc mắc muốn hỏi về luật BHXH như sau:
1. Tôi có tham gia đóng BHXH được khoảng 5 năm. Nhưng trong quá trình làm việc tôi có bị ốm và nghỉ điều trị khoảng gần 1 năm.
Vậy tôi muốn hỏi thủ tục để đóng bù BHXH thời gian tôi nghỉ gián đoạn 1 năm kia như thế nào?Số tiền phải đóng bù tính như thế nào? Và tiến hành đóng bù ở công ty tôi làm việc hay đến cơ quan bảo hiểm tự nguyện để đóng?
2. Tôi có mắc bệnh thuộc diện phải điều trị dài ngày.
Hiện tôi đã xin nghỉ không lương ở công ty khoảng 3 tháng để điều trị trong năm nay.Vậy tôi muốn hỏi quy định và thủ tục BHXH để tiếp tục nghỉ điều trị bệnh dài ngày hưởng BHXH (1~2 năm) như thế nào?
Tôi cần làm những thủ tục gì để được nghỉ điều trị bệnh hưởng BHXH? Thủ tục với điều trị nội trú và ngoại trú.
Và số ngày tôi được phép nghỉ điều trị là bao lâu?
Thời gian đã nghỉ 3 tháng của tôi muốn được hưởng chế độ BHXH thì cần làm thủ tục gì?
Xin chân thành cảm ơn.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì thời gian người lao động nghỉ việc không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động không được hưởng chế độ ốm đau.
- Về thời gian hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh dài ngày: tại Khoản 2, Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định :
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần.
b) Hết thời hạn hưởng 180 ngày nêu trên mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tiếp tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Về hồ sơ để hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, theo quy định hiện hành người lao động có trách nhiệm nộp cho đơn vị sử dụng lao động giấy tờ sau:
+ Giấy ra viện của người lao động đối với trường hợp điều trị nội trú;
+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú.
Các giấy tờ trên phải thể hiện bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
Câu 70: Bạn đọc từ mail nguyennhung2508@gmail.com hỏi:
Tôi ký Hợp đồng lao động từ ngày 9/5/2017 đến ngày 8/5/2018 và đóng BHXH từ 9/5 đến khi kết thúc hợp đồng là ngày 8/5/2018. Vậy ngày 8/5/2018 tôi kết thúc HĐLĐ và nghỉ làm, tới tháng 10/2018 tôi sinh vậy có được hưởng chế độ thai sản của BHXH không? Với mức lương cơ sở của tôi là 3.200.000/tháng thì tôi được nhận bao nhiêu trợ cấp nếu có?
Xin cảm ơn!
Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp của Bạn thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018 trong đó bạn có 08 tháng đóng BHXH nên bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 06 tháng.
Mức hưởng một tháng theo quy định tại Điều 39 Luật BHXH bằng 100% mứcbình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản và bạn được hưởng trợ cấp một lần khi sinh cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng 10/2018 theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 là 1.390.000 đồng.
Câu 69: Bạn đọc từ mail minhminh209.dhnl@gmail.com hỏi:
Năm 2016 em có làm cho một công ty ở Lào cai và đóng bảo hiểm xã hội được 5 tháng, do hồi đó em chưa tìm hiểu mà cũng không quan tâm lắm nên khi nghỉ việc em không chốt sổ bảo hiểm ở công ty đó.
Năm 2017 em có làm công nhân cho một công ty dưới bắc ninh, công ty cũng đóng bảo hiểm cho em được mấy tháng, nhưng do lý do cá nhân em nghỉ việc mà không được công ty chốt sổ bảo hiểm cho.
Hiện nay em đang làm cho một công ty cũng ở bắc ninh, em muốn hỏi là bây giờ em muốn nộp bảo hiểm thì có cần làm gì để hủy những số sổ mà em đã đóng không ạ? Vì em thấy mọi người bảo nếu không hủy sổ cũ thì ko lấy được tiền bảo hiểm ạ.
Em chân thành cảm ơn!
Tại Khoản 5, Điều 21, Luật BHXH quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động, Hợp đồng làm việc hoặc thôi việc như sau: “Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, bạn đề nghị đơn vị cũ làm thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH, sao đó, bạn lập tờ khai (Mẫu TK1-TS) gửi công ty ở Bắc Ninh để làm thủ tục báo tăng lao động để tiếp tục ghi thời gian đóng BHXH trả sổ BHXH đã cấp.
Trường hợp 02 đơn vị trước đây chưa đăng ký đóng BHXH, BHYT cho bạn thì bạn đề nghị đơn vị sử dụng lao động mà bạn đang làm việc cấp sổ và mã số BHXH mới để tham gia BHXH, BHTN.
Câu 68: Bạn đọc từ mail vuthimai1986bg@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia BHXH đã được 9 năm. Hiện nay tôi đang mang thai dự kiến ngày sinh theo siêu âm là 29/07/2018, quý cơ quan có thể cho tôi hỏi tiền thai sản có được thanh toán vào tài khoản cá nhân của tôi không? vì Thủ trưởng cơ quan tôi và tôi đều muốn thanh toán tiền thai sản vào tài khoản cá nhân mà ko phải tài khoản công ty, nếu được thì cơ quan tôi và tôi phải làm những thủ tục gì, mẫu biểu như thế nào để làm thủ tục thanh toán tiền thai sản của tôi vào tk cá nhân tôi, kính xin quý cơ quan trả lời và gửi các mẫu biểu cần thiết cho tôi để tôi làm thủ tục thanh toán được thuận lợi nhất. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Luật BHXH năm 2014 người lao động có quyền nhận trợ cấp BHXH thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng. Trường hợp của Bạn khi nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH cho đơn vị sử dụng lao động bạn thông báo số tài khoản cá nhân và ngân hàng mở tài khoản để đơn vị kê khai trên mẫu C70a-HD (theo hướng dẫn lập mẫu C70a-HD), đề nghị cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho bạn.
Câu 67: Bạn đọc từ mail dinhhoatb@gmail.com hỏi:
Tôi là Đinh Hoa. Tôi làm cách đây 10 năm và đã được tính thời gian đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục từ 1/1/2015. Đến tháng 3/2018 tôi chuyển công tác từ Sơn La về Hà Nội, đơn vị mới cấp thẻ bảo hiểm y tế mới cho tôi nhưng lại ghi thời điểm đóng đủ 5 năm liên tục là 1/1/2023.
(Thẻ cũ của tôi và Sổ bảo hiểm đã được yêu cầu nộp lại Sở LĐTBXH Sơn La)
Như vậy có đúng không và nếu không thủ tục giải quyết của tôi cần những gì và gặp ai?
Ngày 22/1/2018, BHXH Việt Nam có công văn số 238/BHXH-CNTT về việc đổi thẻ BHYT sai sót thông tin về thời giant ham gia liên tục. Trong đó tại Điểm 1 Công văn có nêu “BHXH tỉnh thực hiện việc đổi thẻ BHYT ngay trong ngày làm việc khi đơn vị quản lý đối tượng hoặc người tham gia BHYT đến làm thủ tục cấp đổi thẻ BHYT do sai thông tin về thời giant ham gia BHYT.
Trường hợp của bạn, nếu thời giant ham gia liên lục không đúng, đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ để được hướng dẫn và đổi thẻ theo quy định.
Câu 66: Bạn đọc từ mail kimve1004@gmail.com hỏi:
Chị em làm việc đóng bảo hiểm liên tục từ 01/2016 đến 11/2017. Và tháng 12/2017 nghỉ không lương. và nghỉ việc luôn từ 01/01/2018. Ngày 09/05/2018 chị em sinh em bé.
Theo tìm hiểu, em thấy có chế độ thai sản cho người lao động đã nghỉ việc trong vòng 1 năm trước khi sinh gì đó. Em chưa hiểu lắm.
Vậy cho em hỏi, trường hợp chị em có được hưởng chế độ thai sản này không?
Em cảm ơn!
Trường hợp của Chị bạn thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2018 trong đó bạn có 07 tháng đóng BHXH nên bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Câu 65: Bạn đọc từ mail thivpdaksin82@gmail.com hỏi:
Mẹ tôi sinh ngày 11/6/1967, muốn tham gia BHXH tự nguyện có được không? Nếu được thì phải đóng như thế nào?
Mẹ tôi có mua BHYT, khi tham gia BHXH tự nguyện có được cấp BHYT không?
Cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 4, Điều 2, Luật BHXH năm 2014, trường hợp mẹ của bạn không làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc), nếu có nguyện vọng thì được tham gia BHXH tự nguyện. Chế độ BHXH tự nguyện không bao gồm BHYT.
Câu 64: Bạn đọc từ mail tunbk.gianghia@gmail.com hỏi:
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – Thị xã Gia Nghĩa – Tỉnh Đắk Nông. BHXH thị xã thông báo nợ sau khi kiểm tra phát hiện nhân viên bảo hiểm nhập sai hệ số chức vụ của Thầy Nguyễn Văn Đức từ 0,45 mà nhập thành 4,5 chênh lệch 4,05 với hệ số thâm niên ngành 1,094 do đó hệ số tổng cộng: 4,05+1,094=5,144 mức lương tối thiểu tại thời điểm đó là 1.150.000 đồng từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2015 là 11 tháng với số tiền bắt cơ quan phải nộp 21.148.270 đồng. Em xin cách tính tiền lãi của số tiền xóa thu 21.148.270 đồng từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2017.
- Về tính lãi chậm nộp BHXH, BHTN: Tại Khoản 3, Điều 122, Luật BHXH ngày 22/11/2014, quy định:
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3, Điều 17 của Luật này, từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan BHXH.
- Về tính lãi chậm nộp BHYT: Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT, tại Khoản 3, Điều 49 quy định:
Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nôp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
Câu 63: Bạn đọc từ mail hienxh2202@gmail.com hỏi:
Công ty tôi ký hợp đồng cộng tác viên nội dung hợp đồng như sau:
1. Thời gian ký 1 năm.
2. Với mức lương 3tr/1 tháng, và trả tiền theo công việc giao cụ thể (công việc không thường xuyên).
3. Công việc không thường xuyên: Bảo hành và bảo trì sản phẩm định kỳ mỗi quý 1 lần.
Như vậy, công ty tôi ký hợp đồng với cộng tác viên với 3 nội dung trên công ty tôi có phải tham gia bảo hiểm cho cộng tác viên mà công ty tôi đang ký không? Công ty tôi làm theo đúng quy định.
Rất mong nhận được sự hướng dẫn của Quý bảo hiểm.
Trân trọng!
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 12, Luật BHXH năm 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp công ty ông/bà ký hợp đồng với cộng tác viên thì cộng tác viên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại công ty ông/bà.
Câu 62: Bạn đọc từ mail nguyenhuuthach.nl@gmail.com hỏi:
Em hiện đang là sinh viên đại học cảnh sát nhân dân, em quê Quảng Ngãi, ba mẹ em hộ khẩu ở Quảng Ngãi nhưng hiện đang sống ở Tp.HCM. Vậy nếu em làm BHYT cho ba mẹ em theo chế độ của bên công an (ba mẹ ruột của sĩ quan), thì ba mẹ em có được đăng ký điểm khám chữa bệnh ban đầu tại Tp.HCM không ạ? Hay là chỉ được đăng ký bệnh viện ở Quảng Ngãi thôi ạ?
Em xin cảm ơn!
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 40/2015/TT-BYT, ngày 16/11/2015 quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Theo đó, người tham gia BHYT được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã và tương đương, tuyến huyện và tương đương; không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp của ba mẹ bạn muốn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh thì lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nơi sinh sống. Bạn có thể tra cứu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu trên trang web http://bhxhtphcm.gov.vn.
Câu 61: Bạn đọc từ mail tranthaotb7887@gmail.com hỏi:
Mẹ tôi đi mổ u sơ tử cung ở bệnh viện tuyến huyện, trong quá trình mổ, bác sỹ phát hiện dấu hiệu nghi ung thư ở đại tràng, và tiến hành khâu lại vết mổ chuyển đi tuyến tỉnh điều trị, nay mẹ tôi đã mổ được 5 ngày, chúng tôi có xin bác sỹ cho giấy giới thiệu đi viện K - Tân Triều Hà Nội khám, nhưng bác sỹ nói về nghỉ 1 thời gian rồi lên bệnh viện tỉnh khám lại, tôi muốn hỏi là, nếu mẹ tôi lên tuyến trung ương là viện K - Tân Triều khám và mổ ở đó thì có được hưởng BHYT hay không? Và mức hưởng là bao nhiêu phần trăm?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trường hợp mẹ của ông/bà được bệnh viện tỉnh chuyển tuyến lên Bệnh viện K thì được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo phạm vi quyền lợi mức quy định.
Trường hợp mẹ của ông/bà tự đi KCB tại Bệnh viện K là Bệnh viện tuyếnTrung ương thì được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng BHYT của mẹ ông/bà.
Câu 60: Bạn đọc từ mail vipthivao@gmail.com hỏi:
Em trước đây đã mua bảo hiểm y tế cho học sinh và sinh viên hàng năm, nhưng 2 năm gần đây do không còn đi học nữa nên không mua bảo hiểm y tế nữa, giờ em muốn tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế thì phải làm thế nào?
Mong sớm nhận được lời giải đáp thắc mắc. Em xin cám ơn!
Trường hợp của bạn 02 năm gần đây do không còn đi học thì thuộc đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Khi tham gia bạn kê khai đầy đủ chính xác thông tin vào Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) và nộp tiền cho Đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn hoặc cho cơ quan BHXH.
Câu 59: Bạn đọc từ mail vantoann41@gmail.com hỏi:
Cho mình hỏi mình ở quận Bắc Từ Liêm mình muốn đăng ký BHYT đăng ký được ở bệnh viện nào?
Người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã hoặc tuyến huyện không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.
Trường hợp ông đang sinh sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến xã hoặc tuyến huyện trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Để biết được danh sách cụ thể các cơ sở KCB nhận đăng ký KCB ban đầu tại quận Bắc Từ Liêm, đề nghị ông truy cập vào địa chỉ http://bhxhhn.com.vn hoặc đến BHXH quận Bắc Từ Liêm.
Câu 58: Bạn đọc từ mail nguyenluong160488@gmail.com hỏi:
Trước tôi có tham gia bảo hiểm xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh được 32 tháng, đến tháng 8/2013 tôi có đóng nối số sổ vào công ty TNHH thương mại và dịch vụ Bạch Việt MB tại An Xá – Tp.Nam Định - tỉnh Nam Định, đến 2/2017 tôi có xin nghi việc thì mới biết công ty nợ quỹ bảo hiểm không thể chốt sổ cho công nhân, nên đến nay tôi cũng không được giải quyết bảo hiểm, và hiện tại công ty đã bị cơ quan chúc năng niêm phong toàn bộ tài sản. Nay tôi kính thư này lên bảo hiểm xã hội việt nam hướng dẫn cho tôi cấp lại sổ bảo hiểm có 32 tháng ở Tp Hồ Chí Minh để tôi tiếp tục tham gia bảo hiểm?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 46, Quyết định 595-QĐ/BHXH: Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH
- Nội dung ghi trong sổ BHXH phải đầy đủ theo từng giai đoạn tương ứng với mức đóng và điều kiện làm việc của người tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN (kể cả thời gian người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng như nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản; nghỉ việc không hưởng tiền lương; tạm hoãn HĐLĐ).
- Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
- Khi điều chỉnh giảm thời gian đóng hoặc giảm mức đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN đã ghi trong sổ BHXH, phải ghi cụ thể nội dung điều chỉnh, xác nhận luỹ kế hoặc tổng thời gian đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
Đề nghị bạn Lập đơn (Mẫu TK1-TS) nộp cho BHXH TP. Nam Định để được xem xét, giải quyết.
Câu 57: Bạn đọc từ mail sev.15811975@gmail.com hỏi:
Anh/chị cho em hỏi là em đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 6/2015 đến tận bây giờ vẫn đang đóng hàng tháng. vậy mà hiện tại trả sổ bảo hiểm xã hội cho em trong đó kê khai quá trình đóng bảo hiểm xã hội chỉ có từ tháng 6/2015 đến tháng 12/2016 là thế nào? còn cả quá trình đóng năm 2017 và 2018 của em đâu? hiện em đang làm tại công ty samsung electronics Việt Nam.
Vì bạn không cung cấp số sổ nên không thể tra cứu để trả lời cụ thể cho bạn. Tuy nhiên, theo quy định, Cơ quan BHXH thực hiện rà soát sổ và trả sổ cho người lao động có quá trình tham gia BHXH từ tháng 12/2016 trở về trước. Khi được trả sổ, quá trình tham gia BHXH từ năm 2017 sẽ được in dạng tờ rời hàng năm và gửi tới người lao động trong năm 2018; tờ rời năm 2018 sẽ được gửi về cho người lao động năm 2019.
Toàn bộ quá trình của năm 2017, 2018, anh/chị có thể tra cứu trực tiếp tại website: baohiemxahoi.gov.vn
Câu 56: Bạn đọc từ mail thuthuy8386@gmail.com hỏi:
Tôi bắt đầu nghỉ việc tại ngân hàng Techcombank từ 12/05/2018 và theo quy định thì ngân hàng Techcombank sẽ đóng cho tôi hết tháng 05/2018 (Thẻ đóng trên 5 năm liên tiếp).
Hiện nay tôi đang điều trị tại bênh viện Xanhpon, tôi muốn hỏi về việc thủ tục đóng BHYT tự nguyện 3 hoặc 6 tháng liên tiếp để duy trì thẻ BHYT. Anh/chị hướng dẫn để tôi tiếp tục sử dụng thẻ BHYT tại Bệnh viện Xanh pon mà để không bị gián đoạn việc chữa trị tại đây.
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 – Thông tư liên tịch số 41/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”.
Trường hợp của bạn để tham gia BHYT liên tục, bạn liên hệ với đại lý thu hoặc UBND xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn mua thẻ BHYT theo hộ gia đình.
Câu 55: Bạn đọc từ mail ubndsabinh@gmail.com hỏi:
Tôi tham gia bộ đội từ tháng 8 năm 1985, đến tháng 4 năm 1988 thì xuất ngũ trở về địa phương. Đến năm 1994 thì tham gia làm việc tại UBND xã với chức vụ là phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; đến tháng 5 năm 2004 thì làm Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; đến năm 2012 thì làm Chủ tịch Hội nông dân xã cho đến nay. Xin hỏi như vậy, khoảng thời gian tham gia làm nghĩa vụ quân sự trước của tôi có được tính cộng dồn vào bảo hiểm xã hội cho tôihay không. (tôi chưa làm bất cứ chế độ nào như Quyết định 62...v..v.. )
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 23, Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 4/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Trường hợp của bạn thuộc đối tượng được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian công tác sau này để tính hưởng BHXH.
Đề nghị bạn cung cấp hồ sơ theo quy định tại Điểm 1.6, Phụ lục 01 ban hành kèm theo QĐ 595/QĐ-BHXH nộp cho Cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.
Câu 54: Bạn đọc từ mail nguyenminhquan132002@gmail.com hỏi:
Con tôi có thẻ bảo hiểm y tế đến 30/4/2018 và lên trang thông tin tra cứu thì được báo có thẻ mới đến 30/9/2019 vậy tôi sẽ nhận được thẻ mới ở đâu?
Mong nhận được sự giúp đỡ.
Bạn vui lòng liên hệ nơi bạn đăng ký mua thẻ (hoặc nơi lập danh sách cấp thẻ) để được nhận thẻ BHYT mới.
Câu 53: Bạn đọc từ mail lehathanhtruc789@gmail.com hỏi:
Cho cháu hỏi về việc đăng kí tham gia bảo hiểm y tế, Dượng cháu có tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục. Vừa mới hết hạn sử dụng ngày 30/4/2018. Và ngày 5/5/2018 dượng cháu bị bệnh nặng. cho cháu hỏi bây giờ đăng kí mua tiếp theo thì thời gian nhận thẻ là bao lâu? Và có hỗ trợ nào có thể có sớm hơn được không?
Cháu xin cảm ơn!
Trường hợp của bạn tham gia BHYT theo hộ gia đình, nếu tiếp tục tham gia thì thẻ BHYT có giá trị kể từ ngày đóng tiền và sau không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, bạn sẽ được cấp thẻ mới.
Câu 52: Bạn đọc từ mail letrungthanh974@gmail.com hỏi:
Làm ơn cho em hỏi,em ở Mỹ Tho có tham gia BHXH,nhưng trên sổ BHXH của em bị sai ngày tháng sinh và em đã nộp hồ sơ chỗ em tham gia BHXH để thay đôi ngày tháng sinh,nhưng đến nay là khoảng hơn 4 tháng rùi mà vẫn chưa có kết quả là lý do tại sao ạ,theo quy định là trong 45 ngày sẽ trả kết quả nhưng đến nay là 4 tháng rùi vẫn không thấy kết quả.Chỗ BHXH Mỹ Tho thì kêu khi nào có kết quả sẽ điện thoại nhưng đến nay là 4 tháng rùi sao vẫn chưa thấy gì?
Thời hạn giải quyết hồ sơ cấp lại sổ BHXH do thay đổi ngày, tháng sinh được quy định tại Khoản 2, Điều 29, Quyết định số 595-QĐ/BHXH ngày 14/4/2017 như sau: “Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết”.
Vì vậy, bạn đến BHXH huyện Mỹ Tho đề nghị làm rõ lý do chưa thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính cho bạn theo đúng quy định.
Câu 51: Bạn đọc từ mail ngoan.alx@gmail.com hỏi:
Trường hợp của tôi như sau: công ty tôi làm việc có đóng bảo hiểm cho tôi được 7 tháng thì tôi nghỉ sinh em bé. Công ty cho tôi nghỉ việc luôn nhưng chưa báo cắt lao động với cơ quan bảo hiểm. Vì tôi làm việc thời gian ngắn nên công ty không làm hồ sơ để tôi hưởng thai sản. Hết thời gian thai sản 6 tháng công ty báo cắt lao động với cơ quan bảo hiểm. Vậy lúc đó tự tôi đi làm chế độ bảo hiểm mà không cần phụ thuộc vào công ty có được không?
Tôi chân thành cảm ơn!
Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định: NLĐ đang làm việc sinh con, nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản nộp cho cơn quan BHXH.
Trường hợp của Bạn, tại thời điểm Bạn sinh con, Bạn vẫn đang trong quan hệ lao động nên Bạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho công ty. Công ty Bạn sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với Bạn để nộp cho cơ quan BHXH giải quyết.
Câu 50: Bạn đọc từ mail thanhha292014@gmail.com hỏi:
Hiện tại mình là sinh viên năm 4, đang đi thực tập. Đầu năm trường có bắt buộc mua BHYT hạn sử dụng 5 năm, đã phát về cho sinh viên.
Hiện tại, mình đang đi thực tập và làm luôn tại công ty. Công ty yêu cầu mình đóng BHXH (Bắt buộc đóng).
Vậy mình muốn hỏi không đóng BHXH được hay không khi đã có BHYT?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 1 Điều 12, Khoản 2 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, trường hợp nếu bạn đối chiếu theo quy định thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì bạn thuộc đối tượng tham gia BHYT nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, đồng thời, không thuộc đối tượng tham gia BHYT học sinh, sinh viên.
Câu 49: Bạn đọc từ mail songtoan2@gmail.com hỏi:
Tôi đóng BHXH được 1 năm, nhưng hôm nay tôi phát hiện ra việc công ty không đóng 4 tháng liên tiếp trong năm 2017 nhưng vẫn trừ tiền đóng BHXH hàng tháng. Bây giờ tôi muốn nhờ các anh chị có chuyên môn tư vấn giúp, trong trường hợp này tôi phải làm thế nào để bảo vệ được quyền và lợi ích của bản thân?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 17, Khoản 8 Điều 18, Khoản 1 Điều 118, các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 119, Điều 120 và Khoản 1 Điều 121 Luật BHXH năm 2014:
- Trường hợp Công ty nơi Ông/Bà đang làm việc đã trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH là vi phạm pháp luật và thuộc hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, Ông/Bà thực hiện khiếu nại đến Công ty yêu cầu khắc phục ngay hậu quả vi phạm hoặc khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm nêu trên đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, BHXH tỉnh để tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, buộc Công ty sớm khắc phục hậu quả vi phạm, hoặc Ông/Bà có thể khởi kiện Công ty ra Tòa án.
Đề nghị Ông/Bà căn cứ quy định nêu trên để biết và có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi của mình.
Câu 48: Bạn đọc từ mail tinh1100174@gmail.com hỏi:
Tôi là giáo viên có thai tháng thứ 7, bác sĩ bảo thai yếu vì vậy tôi xin nghỉ trước thời hạn là một tháng. Dự sinh của tôi là ngày 8/7/2018, tôi làm đơn nghỉ vào ngày 8/5/2018. Vậy một tháng nghỉ trước ( tức là từ ngày 8/5 đến ngày 8/6) lương tôi sẽ thế nào? có được hưởng như bình thường không?
Chân thành cám ơn!
Vấn đề Bà hỏi, thuộc quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, nằm ngoài quy định của pháp luật về BHXH. Vì vậy, đề nghị Bà liên hệ cơ quan quản lý nhà nước về lao động để được trả lời.
Câu 47: Bạn đọc từ mail thai.tram029@gmail.com hỏi:
Em vào làm công ty này được 2 năm, đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2016 tới tháng 03/2017 em xin nghỉ việc tại công ty.
Nhưng trong qua trình làm việc mỗi tháng công ty trừ 10.5% để đóng BHXH. Nhưng tới nay công ty em đóng được cho em tới tháng 11/2017. Hiện trạng về sau vẫn còn nợ.
Cho em hỏi trường hợp đó sẽ giải quyết như thế nào? Em có thể tự bỏ tiền túi ra để đóng tới tháng 03/2018 để chốt sổ hay không (vì hiện tại em đang làm công ty khác và chuẩn bị đóng bảo hiểm xã hội cho em nhưng em không muốn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mình bị gián đoạn vô lý, trừ trường hợp bất khả kháng khác)? Có văn bản nào quy định về việc công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội công nhân lao động không? Và cách giải quyết tốt nhất bây giờ là như thế nào?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 17, Khoản 8 Điều 18, Khoản 2 Điều 21, Khoản 1 Điều 118, các Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 119, Điều 120 và Khoản 1 Điều 121 Luật BHXH năm 2014:
Hàng tháng Công ty có trách nhiệm đóng và trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ; không có quy định người lao động tự đóng BHXH bắt buộc (bao gồm phần trách nhiệm đóng BHXH của Công ty).Trường hợp Công ty nơi Ông/Bà đang làm việc đã trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH là vi phạm pháp luật và thuộc hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH.
Câu 46: Bạn đọc từ mail tunbk.gianghia@gmail.com hỏi:
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – Thị xã Gia Nghĩa – Tỉnh Đắk Nông.
BHXH thị xã thông báo nợ sau khi kiểm tra phát hiện nhân viên bảo hiểm xã hội nhập sai hệ số chức vụ của Thầy Nguyễn Văn Đức từ 0,45 mà nhập thành 4,5 chênh lệch 4,05 với hệ số thâm niên ngành 1,094 do đó hệ số tổng cộng: 4,05+1,094=5,144 mức lương tối thiểu tại thời điểm đó là 1.150.000 đồng từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2015 là 11 tháng. Em xin cách tính tiền phải đóng và lãi của thầy Nguyễn Văn Đức từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2017 với số chênh lệch trên?
Vấn đề Ông/Bà hỏi, đề nghị liên hệ với cơ quan BHXH nơi đang quản lý thu BHXH đối với giáo viên, nhân viên và người lao động của nhà trường để được giải đáp cụ thể.
Câu 45: Bạn đọc từ mail maibuihm@gmail.com hỏi
Em đã đóng BHXH ở công ty cũ được 2 năm, và nghỉ việc tạm dừng đóng được 2 năm, giờ em muốn đóng tiếp BHXH tự nguyện thông qua bưu điện được không?
Giờ đóng là 1 tháng em phải đóng mức thấp nhất là bao nhiêu tiền?
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 2, Khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014; Quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-/BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, trường hợp của ông bà muốn đăng ký đóng BHXH tự nguyện thì có thể đến Đại lý thu (tại xã, phường, thị trấn, bưu điện,…) của cơ quan BHXH hoặc tại cơ quan BHXH cấp huyện để được hướng dẫn cụ thể.
Mức đóng từ ngày 01/01/2018 thấp nhất (chưa trừ đi số tiền được Nhà nước hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện) là 154.000 đồng/tháng (700.000 đồng/tháng x 22%); cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 5.720.000 đồng/tháng (1.300.000đồng/tháng x 22%).
Câu 44: Bạn đọc từ mail thanhbinh.050590@gmail.com hỏi:
Xin cho hỏi trong trường hợp công ty có kí hợp đồng lao động thời vụ đủ 3 tháng với người lao động thì trong 3 tháng đó công ty có phải đóng BHXH cho người lao động thời vụ không?
Căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1, Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người làm việc theo thời vụ đủ 03 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Câu 43: Bạn đọc từ mail nhatnhat050814@gmail.com hỏi:
Trường hợp nghỉ thai sản bắt đầu từ ngày 07/02/2018 đến ngày 06/08/2018 đi làm lại. Tôi phải giải quyết cho NLĐ như thế nào để đảm bảo đầy đủ chế độ cho họ.
Theo khoản 2 điều 39 của Luật số :58/2014/QH13," Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội" Trường hợp này phải báo giảm thai sản từ tháng 03/2018 ~08/2018 (thời gian nghỉ thai sản tính theo ngày: 07/02/2018 đến ngày 06/08/2018). Sau đó, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản từ ngày: 07/08/2018 đến ngày 12/08/2018 và ngày 13/08/2018 quay trở lại làm việc. Theo qui định tại khoản 3 điều 85 luật số 58/2014/QH13, thì người này phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN của tháng 08/2018. Như vậy, trường hợp này NLĐ nghỉ thai sản 5 tháng (03/2018~07/2018).
Tôi phải báo giảm thai sản như thế nào? Có được giải quyết nghỉ dưỡng sức sau thai sản không?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 7 Điều 34; Khoản 2 Điều 39, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 41 Luật BHXH năm 2014, trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con nêu trên thì được tính là thời gian đóng BHXH; người sử dụng lao động (đơn vị) và người lao động không phải đóng BHXH từ tháng 02/2018 đến tháng 7/2018. Trường hợp đi làm sớm trước thời hạn nêu trên thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng BHXH cho thời gian đi làm trước thời hạn.
Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật BHXH năm 2014.
Câu 42: Bạn đọc từ mail long.tran@acsv.com.vn hỏi:
Tôi là người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH liên tục từ năm 2002. Đến năm 2017 tôi có chuyển đơn vị làm việc, tại công ty mới, tôi chấp hành thử việc 2 tháng. Trong 2 tháng này tôi không được tham gia BHXH và BHYT dù đã có ý kiến. Sau 2 tháng, Công ty mới đóng BHYT và BHXH như bình thường. Do thời gian gián đoạn vì thử việc nên trên thẻ BHYT của tôi không được ghi nhận đóng 5 năm liên tiếp. Thời gian đủ 5 năm đóng BHYT liên tục là năm 2023
Vậy trường hợp của tôi nêu trên có đúng chính sách hiện hành không? Nếu trường hợp tương tương tự xảy đối với giai đoạn thử việc, người lao động cần làm gì để bảo đảm quyền lợi?
Căn cứ Điểm d, Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện BHYT thì “thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng”. Như vậy căn cứ theo quy định thì:
- Trường hợp trước ngày 01/01/2015 thì thời gian gián đoạn 02 tháng không được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục. Thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục tính bắt đầu từ ngày đóng BHYT trở lại sau 02 tháng gián đoạn.
- Trường hợp sau ngày 01/01/2015 thì thời gian gián đoạn 02 tháng (không quá 03 tháng) được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục. Thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục tính từ ngày sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần trước nối tiếp 02 tháng gián đoạn và đến ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần sau.
Theo phản ánh của bạn đọc thì việc gián đoạn 02 tháng trong năm 2017 được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục.
Câu 41: Bạn đọc từ mail linhpham131093@gmail.com hỏi:
Tôi tên là: Phạm Thùy Linh.
Nay tôi viết email này mong nhận đc sự tư vấn về chế độ BHXH. Kính mong nhận được câu trả lời từ bộ phận tư vấn - Tôi mới ký hợp đồng thử việc 2 tháng với 1 đơn vị. (Theo những gì tôi biết, thì tôi vẫn chưa được đóng BHXH, trước đó tôi chưa có BHXH chỉ có BHYT). Nhưng khi tra cứu trên hệ thống tra cứu trực tuyến thì tôi đã có mã số BHXH? Tôi đã nghĩ đó là mã số thẻ BHYT. Nhưng khi tra cứu cho em tôi (cũng đã đóng BHYT, đang là sinh viên đại học) thì kết quả cho ra là chưa có mã số BHXH? Tôi muốn hỏi, trong trường hợp này, thì mã số BHXH của tôi có ý nghĩa là gì vậy ạ?
Kính mong nhận sự giúp đỡ của Bộ phận tư vấn ạ!
Căn cứ Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN); quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-/BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, từ ngày 01/7/2017 cơ quan BHXH tiến hành rà soát, bổ sung thông tin để cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, hoặc cho người chỉ tham gia BHYT, đến nay đã cấp được trên 90% mã số BHXH cho người tham gia. Theo đó trường hợp của Bà đã tham gia BHYT và có đủ thông tin nếu được cấp mã số BHXH; còn trường hợp của em bà chưa được cấp mã số BHXH là do còn thiếu một trong các thông tin cần thiết. Do đó, em Bà phải bổ sung đầy đủ thông tin theo quy định cho cơ quan BHXH để được cấp mã số BHXH.
Việc cơ quan BHXH thực hiện cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN để quản lý từ khi người bắt đầu tham gia một hoặc tất cả các loại hình BHXH, BHYT, BHTN đến khi qua đời, nhằm mục tiêu đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia, tính, đúng, đủ thời gian đã đóng BHXH, BHYT, BHTN, tránh tham gia BHXH, BHYT, BHTN trùng và để cơ quan BHXH quản lý tốt hơn và có đầy đủ thông tin nhằm đến trước ngày 31/12/2020 thực hiện cấp thẻ BHXH, thẻ BHYT điện tử theo quy định của pháp luật.
Câu 40: Bạn đọc từ mail minhluanho641991@gmail.com hỏi:
Em làm công nhân tại công ty Cổ Phần ở Tp.Châu Đốc tỉnh An Giang. Đến giờ em làm được trên 1 năm. Nhưng em chưa được tham gia BHXH và các chế độ khác. Khi hỏi vấn đề thì được biết là do cấp trên xem xét năng lực làm việc như thế nào mới cho tham gia. Còn có công nhân làm trên 3 năm vẫn chưa được tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Nhưng thông báo tuyển dụng và phỏng vấn thì có chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đầy đủ sau khi thử việc xong 3 tháng. Đến giờ chúng em chưa được xem xét tham gia những chính sách này.
Cho em hỏi, công ty giải thích vậy có hợp lý hay có đúng quy định pháp luật không.
Trên các bảng thông báo, panô tuyển dụng của công ty có ghi mức lương cao từ 4 triệu đến 6 triệu trên tháng. Nhưng khi vào làm và chỉ nhận lãnh được tử 2,5 đến 3 triệu trên tháng.
1. Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014; Khoản 1 Điều 12 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; Điều 43 Luật Việc làm năm 2013; Khoản 1 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động, trường hợp của Ông/Bà nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; từ ngày 01/01/2018 kể cả người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTNLĐ-BNN.
2. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời gian thử việc tối đa là 60 ngày; theo đó, Công ty thực hiện thử việc đối với Ông/Bà đủ 3 tháng là không đúng quy định; việc thông báo, panô tuyển dụng mức lương cao từ 4 triệu đến 6 triệu trên tháng nhưng khi vào làm và chỉ nhận được từ 2,5 đến 3 triệu trên tháng thuộc trách nhiệm và thỏa thuận giữa công ty với Ông/Bà.
Đề nghị Ông/Bà đối chiếu các quy định nêu trên để biết và yêu cầu Công ty nơi Ông/Bà đang làm việc thực hiện tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN theo đúng quy định.
Câu 39: Bạn đọc từ mail thanhhue.ttd@gmail.com hỏi:
Em năm nay 32 tuổi, đang làm việc tại một công ty tư nhân, không có chế độ đóng BHXH cho nhân viên. Trước đây em làm việc tại công ty viễn thông FPT Telecom, có đóng bảo hiểm được 3-4 năm, sau khi nghỉ việc ở FPT sổ bảo hiểm em vẫn để tại công ty chưa rút về. Em muốn hỏi nếu em muốn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ bây giờ để sau này có lương hưu thì em phải làm thế nào ạ?
-Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, trường hợp Ông/Bà giao kết HĐLĐ với Công ty từ đủ 01 tháng trở lên thì Công ty có trách nhiệm tham gia BHXH cho Ông/Bà.
-Trường hợp Công ty không ký HĐLĐ, chỉ trả lương khoán mà Ông/Bà có nguyện vọng, nhu cầu thì có thể tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian làm việc và đóng BHXH tại công ty viễn thông FPT Telecom, đề nghị Ông/Bà liên hệ với Cơ quan BHXH nơi công ty viễn thông FPT Telecom đang đóng BHXH, hoặc công ty viễn thông FPT Telecom để được nhận sổ BHXH xác nhận thời gian đã đóng BHXH và được cộng dồn với thời gian đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện sau này làm căn cứ để hưởng các chế độ BHXH (Để được hưởng chế độ lương hưu khi Ông/Bà có từ đủ 55 tuổi đối với nữ, hoặc từ đủ 60 tuổi đối với nam và có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên).
Việc đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, Ông/Bà có thể đến Đại lý thu (tại xã, phường, thị trấn, bưu điện,…) của cơ quan BHXH hoặc tại cơ quan BHXH cấp huyện để được hướng dẫn cụ thể.
Câu 38: Bạn đọc từ mail hoanghovietha@gmail.com hỏi:
Xin cho hỏi hợp đồng lao động thuyền viên đi nước ngoài thời hạn 01 năm, nhưng công ty không đóng BHXH mà trả vào lương hằng tháng như vậy có đúng không? Xin cảm ơn!
Căn cứ quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm g Khoản 1, Khoản 3 Điều 2; Khoản 1, Khoản 2 Điều 21, Khoản 2 Điều 85 Luật BHXH năm 2014:
- Trường hợp người làm việc theo hợp đồng lao động là thuyền viên đi nước ngoài thời hạn 01 năm và hưởng tiền lương với công ty đóng trên lãnh thổ Việt Nam thì Công ty có trách nhiệm lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH; hàng tháng có trách nhiệm đóng BHXH và trích từ tiền lương phần trách nhiệm đóng BHXH của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.
- Trường hợp người làm việc theo hợp đồng lao động là thuyền viên đi nước ngoài thời hạn 01 năm và hưởng tiền lương với công ty đóng ngoài lãnh thổ Việt Nam thì người lao động có thể trực tiếp đóng BHXH tại cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đề nghị Ông căn cứ quy định nêu trên để biết và thực hiện theo đúng quy định.
Câu 37: Bạn đọc từ mail thanhnga01051993@gmail.com hỏi:
Do bạn kế toán mới của đơn vị em chưa có kinh nghiệm làm thủ tục BHXH, BHYT... nên đã không thay đổi thang bảng lương và báo tăng mức đóng. Vậy bên em cần làm những thủ tục gì? Em xin cảm ơn!
Căn cứ Điều 23 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-/BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, trường hợp báo tăng mức đóng BHXH đối với người lao động thì đơn vị chỉ phải lập Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS) gửi cơ quan BHXH.
Câu 36: Bạn đọc từ mail lethibinh04051994@gmail.com hỏi:
Em đi làm công ty đã được hai năm nay. Hiện tại năm 2018 này em đang có thai và dự kiến sinh vào đầu tháng 11 dương lịch. Từ tháng 01 đến tháng 3/2018 em đóng BHXH bình thường đến tháng 4 em không đóng BHXH và tiếp tháng 5 em lại tiếp tục đóng BHXH. Vậy em có thai và bị gián đoạn mất 01 tháng bảo hiểm thì em có được hưởng chế độ thai sản nữa không ạ?
Trường hợp của Bạn nếu tại thời điểm sinh con Bạn đủ điều kiện theo quy định nêu trên thì Bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không phụ thuộc vào việc Bạn đóng BHXH liên tục hay gián đoạn.
Câu 35: Bạn đọc từ mail nch231@gmail.com hỏi:
Vợ của tôi là nhân viên trường mầm non Đồng Tâm địa chỉ xã Mỹ Đức huyện Đạ Tẻ tỉnh Lâm Đồng. Hiện đã sinh con được gần 1 tháng và đang làm hồ sơ để giải quyết chế độ thai sản. Theo tôi biết thì hồ sơ giải quyết hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 101 Luật BHXH năm 2014 gồm: Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con. Nhưng đơn vị tiếp nhận hồ sơ lại yêu cầu nộp cả giấy khai sinh và giấy chứng sinh. Trong khi đó giấy chứng sinh khi đi làm giấy khai sinh thì cơ quan đã giữ lại và trả lời giấy chứng sinh chỉ có hiệu lực để làm giấy khai sinh.
Điểm a Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con gồm: Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con.
Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định: Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao với bản chính.
Trường hợp của vợ Bạn, theo thông tin chúng tôi nắm được sau khi BHXH tỉnh Lâm Đồng trao đổi với Trường Mầm non Đồng Tâm, thì Bạn nộp bản sao giấy chứng sinh không có chứng thực mà không kèm bản chính nên nhà trường có đề nghị bạn nộp thêm bản chính mà không đòi hỏi nộp đồng thời cả giấy chứng sinh và giấy khai sinh. Trường hợp bạn đã làm thủ tục khai sinh thì đề nghị Bạn nộp bản sao chứng thực giấy khai sinh của con hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy khai sinh để cơ quan BHXH đối chiếu và giải quyết chế độ thai sản đối với vợ Bạn.
Câu 34: Bạn đọc từ luongloantk38@gmail.com hỏi:
Tôi sinh con từ tháng 6/2017 nhưng do thiếu giấy tờ nên tháng 3/2018 tôi mới hoàn thành các giấy tờ cần thiết để hoàn tất hồ sơ thai sản và đang chờ giải quyết chế độ. Theo bình thường tiền thai sản sẽ chuyển về công ty của tôi, nhưng hiện giờ tôi đã nghỉ việc ở công ty và đã có quyết định cho thôi việc. Vậy tôi xin hỏi tôi sẽ nhận tiền thai sản theo hình thức nào? Nhận tại công ty hay nhận tại địa phương của tôi?
Khoản 1 Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định trường hợp sinh con trong thời gian đang làm việc thì người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để làm thủ tục giải quyết chế độ với cơ quan BHXH. Do vậy Bạn cần nộp hồ sơ cho Công ty để Công ty làm thủ tục giải quyết chế độ đối với cơ quan BHXH.
Về hình thức nhận tiền trợ cấp thai sản, bạn có thể đăng ký số tài khoản cá nhân để đề nghị cơ quan BHXH chuyển tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân của Bạn hoăc nhận tiền mặt tại Công ty sau khi cơ quan BHXH xét duyệt.
Câu 33: Bạn đọc từ email daoung8792@gmai.com hỏi:
Vui lòng cho em hỏi là em đi làm mang thai được 1 tháng thì công ty đóng BHXH cho em, đến lúc nghỉ sinh em đã đóng được 7 tháng, nghỉ 6 tháng em đi làm lại và công ty đóng được 02 tháng bảo hiểm xã hội tiếp cho em, nhưng vì con ốm không ai trông nom nên em phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Như vậy quá trình em đóng BHXH là 9 tháng hay 15 tháng và em có được bảo hiểm thất nghiệp hay không?
Trường hợp Bạn nghỉ việc sinh con được hưởng trợ cấp thai sản thì thời gian nghỉ đó được tính là thời gian đóng BHXH.
Về thời gian được tính đóng bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì: “Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.”. Theo quy định này thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, Bạn mới tham gia đóng được 9 tháng bảo hiểm thất nghiệp (chưa đủ 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) nên theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm, Bạn không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.
Câu 32: Bạn đọc từ email ngocbinguyenthi@gmai.com hỏi:
Tôi xin hỏi thêm nếu thời gian chốt sổ là quá trễ so với thông báo chấm dứt hợp đồng lao động của tôi, và trong trường hợp này tôi còn có thể hưởng BH thất nghiệp không? Nếu có tôi sẽ nhận ở đâu và thủ tục thế nào?
Theo quy định tại Điều 47 Luật Lao động và Điều 21 Luật BHXH thì khi người lao động nghỉ việc đúng pháp luật, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ để trả cho người lao động. Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì cơ quan BHXH thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ BHXH cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, Bạn chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi Bạn muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Thủ tục hồ sơ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP bao gồm:
1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Quyết định thôi việc;
c) Quyết định sa thải;
d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó.
3. Sổ bảo hiểm xã hội.
Câu 31: Bạn đọc từ mail thanhhuyen1208@gmail.com hỏi:
Công ty chúng tôi là công ty TNHH 1 thành viên, Giám đốc chúng tôi đồng thời cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp và không hưởng lương. Như vậy, Giám đốc chúng tôi có phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định không ạ?
Căn cứ quy định tại Điểm h Khoản 1, Khoản 3 Điều 2 Luật BHXH, trường hợp Giám đốc đồng thời cũng là chủ sở hữu doanh nghiệp tại Công ty nơi Bà làm việc mà không hưởng tiền lương thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Câu 30: Bạn đọc từ mail quynhmy5617@gmail.com hỏi:
Em tên Lê Thị Thùy Linh, sinh ngày 18/09/1994. Em bắt đầu làm việc ở Công ty Omron Bình Dương vào ngày 26/6/2014 và nghỉ việc ở công ty năm 2015. Em có giấy chấm dứt hợp đồng tháng 11/2015 và công ty cũng đã trả lại em sổ bảo hiểm xã hội. Tháng lương cuối cùng của em được nhận là tháng 9/2015. Số sổ là 7414156562. Tháng 10 em không có lương bởi vì em xin nghỉ không lương, trong tháng này do em bị bệnh không đủ sức khỏe để làm việc,công ty cũng đã chấp nhận. Nhưng đến khi em đi nộp sổ thì nhân viên ở cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu em nộp bảng lương tháng 10. Và em cũng đi xin giấy xong lại đem về thì nói không đúng và yêu cầu xin lại xác nhận có chữ ký của Tổng Giám đốc, chữ ký của phòng nhận sự cũng không được. Vì lý do nhà xa, quê em ở Đồng Tháp lên xuống khó khăn và em có con nhỏ nên em tạm gác lại chuyện sổ BHXH. Vậy cho em hỏi bây giờ em đi nộp sổ BHXH còn được không?
Em xin cảm ơn!
Trường hợp của Bạn nghỉ việc không hưởng tiền lương tháng 10/2015 vì lý do sức khỏe và đã được công ty chấp nhận. Vì vậy, Bạn yêu cầu công ty cũ cung cấp Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS) báo giảm lao động từ tháng 10/2015 nghỉ việc không hưởng tiền lương để cơ quan BHXH có căn cứ xác nhận trên sổ BHXH cho Bạn.
Câu 29: Bạn đọc từ mail duongngochieu91qn@gmail.com hỏi:
Em xin hỏi: Em tham gia BHXH ở công ty A được 3 năm, sau đó em nghỉ việc và rút sổ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau đó em đi làm cho công ty B ở tỉnh khác, em được tham gia BHXH nhưng em không nộp sổ cũ mà tham gia với sổ mới với thời gian là 11 tháng, sổ em được đồng bộ với hệ thống là sổ mới chỉ 11 tháng.
Bây giờ em nghỉ việc và về lại quê, em muốn gộp hai sổ lại có được không và cần thủ tục gì. Hay là bỏ sổ mới 11 tháng đó, nếu em đi làm công ty C thì chỉ nộp sổ cũ 3 năm có được hay không?
Em xin chân thành cảm ơn.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới”. Vì vậy, đề nghị Bạn mang tất cả sổ BHXH đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn giải quyết.
Câu 28: Bạn đọc từ mail ngochuong0934818606@gmail.com hỏi:
Tôi tên là Nguyễn Thị Ngọc Hương, sinh ngày: 02/03/1987, Số sổ BHXH: 0111061138.
Tôi có đóng BHXH tại Công ty TNHH Bùi Gia Hải Nam đăng ký tại BHXH quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng.
Thời gian đóng từ tháng 10/2013 đến 03/2015 nhưng không được chốt sổ do Công ty không nộp đầy đủ về BHXH, trong khi đã thu tiền của nhân viên.
Hiện tại tôi đã công tác ở bên khác nhưng vẫn chưa được giải quyết chế độ cũ. Tôi muốn hỏi thăm xem có phương án nào để những người nhân viên như chúng tôi được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình hay không?
Tôi xin cám ơn!
Theo quy định tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ với Công ty TNHH Bùi Gia Hải Nam làm thủ tục xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Câu 27: Bạn đọc từ mail: dinhtiep91@gmail.com hỏi:
Tại địa phương tôi có hiện tượng tiêu cực trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đến lấy thẻ BHYT dân tộc thì được trả lời là trưởng xóm xin nghỉ làm nên tất cả các giấy tờ đã đốt hết nên không còn.
Vậy gia đình muốn được hướng dẫn cụ thể về việc cấp lại thẻ BHYT dân tộc, chi phí cấp lại là bao nhiêu, đến cơ quan cấp xã hay cấp huyện?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 và Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và Khoản 5 Điều 1 Thông tư này theo hộ gia đình(bao gồm cả thường trú và tạm trú), gửi cơ quan BHXH. Căn cứ danh sách do UBND xã chuyển đến, cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT.
Trường hợp bạn hỏi, đề nghị Bạn liên hệ với UBND xã nơi cư trú hoặc tạm trú để được hướng dẫn và làm thủ tục cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH.
Câu 26: Bạn đọc từ mail nihtvinh@gmail.com hỏi
Tôi làm nghĩa vụ quốc tế (NVQT) tại Campuchia 2 năm 11 tháng, trong quyết định chuyển ngành không ghi thời gian làm NVQT, tôi có Huân chương chiến công hạng 3 do Chủ tịch nước ký ghi rõ hoàn thành NVQT tại Campuchia, tôi cần làm thủ tục gì thêm để được đổi thẻ BHYT theo quy định, hiện tại đang hưởng chế độ hưu trí.
Căn cứ Điểm 2, Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều Pháp lệnh Cựu chiến binh thì: “Cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước hoặc tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi từ trần được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành”.
Trường hợp của Ông (theo nội dung hỏi), nếu có đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan chứng minh đã tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc thì Ông thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT theo quy định tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP.
Đề nghị Ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và giải quyết theo quy định.
Câu 25: Bạn đọc từ mail nguyenxd1219@gmail.com hỏi:
Vợ tôi hiện đang là giáo viên, có đóng BHXH bắt buộc từ tháng 8 năm 2017, nhưng đến thời điểm hiện tại (29/3/2018) vẫn chưa có thẻ BHYT. Vậy tôi hỏi cần làm thủ tục gì để có thẻ BHYT?
Theo quy định của Luật BHYT về trả thẻ BHYT thông qua đơn vị quản lý. Vì vậy, cần liên hệ với đơn vị để tìm nguyên nhân. Trường hợp đơn vị quản lý không hợp tác, bạn cần cung cấp thông tin về nhân thân và thông tin về tên, địa chỉ của đơn vị công tác cho cơ quan BHXH nơi đơn vị đóng BHXH, BHYT để kiểm tra và hướng dẫn thủ tục cấp thẻ BHYT.
Câu 24: Bạn đọc từ mail ankhang2904@gmail.com hỏi:
Xin vui lòng cho biết 01/6/2017 tôi mua BHYT hộ gia đình tại UBND Phường 11, quận 6, TP Hồ Chí Minh. Nay tôi chuyển hộ khẩu về phường 10, quận 6, TP HCM, xin hỏi tôi đến đâu để lấy thẻ BHYT mới?
Căn cứ Khoản 4, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT trên địa bàn cho các đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình gửi cơ quan BHXH. Trên cơ sở đó, cơ quan BHXH có trách nhiệm in và phát hành thẻ BHYT kịp thời, đúng quy định. Trường hợp Bạn hỏi tham gia BHYT tại phường 11, quận 6 thì Bạn liên hệ với quận này để được nhận thẻ BHYT.
Câu 23: Bạn đọc từ mail duyhoan2@gmail.com hỏi:
Tôi bị tai nạn lao động năm 2015 và được hưởng chế độ chợ cấp hàng tháng và chế độ chăm nuôi. Nhưng tôi không nhận được Quyết định hưởng chế độ và thẻ BHYT hàng tháng, Vậy tôi xin hỏi phải làm thủ tục gì?
Căn cứ Khoản 4, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT thì người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì được quỹ BHXH đóng BHYT. Trường hợp của Bạn cần liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được kiểm tra và hướng dẫn để làm thủ tục cấp thẻ BHYT.
Câu 22: Bạn đọc từ mail dnghi131@gmail.com hỏi:
Tôi là viên chức (tập sự, mới được tuyển dụng được 3 tháng) của một đơn vị sự nghiệp. Tôi đã đóng BHXH được 2 năm 11 tháng. Hiện nay, tôi bị bệnh crohn của đại tràng. Tôi đã được phẫu thuật cắt bỏ và mở hồi tràng ra da (tình trạng lỗ mở hồi tràng). Do sức khỏe tôi kém (đã trải 3 lần phẫu thuật liên tiếp trong thời gian ngắn) nên bây giờ sức khỏe tôi kém. Tôi được bác sĩ điều trị thông báo là khi nào sức khỏe tốt thì mới được đóng hồi tràng lại (dự kiến từ 3-6 tháng). Theo tôi được biết bệnh Crohn ở Việt Nam rất hiếm và không nằm trong danh mục được chữa trị dài hạn. Như vậy, tôi được chế độ nghỉ ốm như thế nào? Và có ảnh hưởng gì đến vị trí việc làm hiện tại hay không?
Theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, theo đó bệnh Crohn của bạn nằm trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, quy định tại Mục XI. Bệnh hệ tiêu hóa, số thứ tự 219, Mã ICD, K50.
Tại Khoản 2, Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
- Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
- Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Trường hợp của bạn được hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật BHXH năm 2014 nêu trên. Việc có ảnh hưởng gì đến vị trí việc làm hiện tại hay không thì thuộc thẩm quyền của đơn vị nơi bạn làm việc.
Câu 21: Bạn đọc từ mail huuhaunguyen766@gmail.com hỏi:
Em bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về, bị gãy 1 xương tay phải phẩu thuật gắn inox!
Em đã nộp hóa đơn, sổ khám bệnh cho công ty giao về BHXH ngày 19/03/2018. Như vậy là bao lâu em mới được trả lại chi phí hưởng chế độ BHXH?
Vì câu hỏi của bạn không nêu rõ trường hợp bạn bị tai nạn giao thông có được kết luận là tai nạn lao động hay không, do đó cơ quan BHXH trả lời bạn như sau:
* Nếu trường hợp tai nạn giao thông của bạn được kết luận là tai nạn lao động thì bạn nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 57 Luật An toàn, vệ sinh lao động cho đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH, bao gồm: Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
Thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động:
- Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động;
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
* Nếu trường hợp vụ tai nạn của bạn không phải là tai nạn lao động thì bạn được giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014. Bạn nộp hồ sơ theo quy định theo Khoản 1 Điều 100 Luật BHXH năm 2014 cho đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH gồm: Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện nếu điều trị nội trú; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú.
Điều 102 Luật BHXH năm 2014 quy định giải quyết hưởng chế độ ốm đau:
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ theo quy định nộp cho cơ quan BHXH.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
Câu 20: Bạn đọc từ email daoung8792@gmai.com hỏi:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì: “Trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian này.”. Theo quy định này thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, Bạn mới tham gia đóng được 9 tháng bảo hiểm thất nghiệp (chưa đủ 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp) nên theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm, Bạn không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Câu 19: Bạn đọc từ mail trongtham19@gmail.com hỏi:
Tôi công tác 31 năm trong quân đội đã được BHXH quân đội xác nhận. Tháng 01/2009 chuyển ngành sang ngạch công chức nhà nước. Trong sổ BHXH của tôi chỉ ghi phụ cấp thâm niên đến năm 2000 là 23% sau đó không ghi nữa. Tôi xin hỏi là khi nghỉ hưu vào năm 2021 nếu tôi nhận lương hưu theo chế độ quân đội (Trung tá, HS lương 6,8) thì tôi có được tính thâm niên 31% cho 31 năm công tác trong quân đội không? P/S: Tôi đang công tác tại Cục HKVN. Tới tháng 6/2021 tôi nghỉ hưu thì mức lương của tôi là CVC bậc 8/8 (HS lương 6,78) thấp hơn so với lúc tôi từ quân đội chuyển ngành.
Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành như sau:
- Tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng BHXH bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.
- Tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định: “Người lao động chuyển ngành sang các ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian phục vụ tại ngũ của mức lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân hoặc phụ cấp thâm niên nghề tính theo thời gian làm việc trong tổ chức cơ yếu tại thời điểm liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu; Người lao động đã chuyển ngành rồi nghỉ hưu mà khi nghỉ hưu có mức lương hưu tính như trên thấp hơn mức lương hưu tính theo mức lương bình quân tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng tại thời điểm chuyển ngành và được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.”
Trường hợp của Ông, đến thời điểm Ông đủ điều kiện hưởng lương hưu, cơ quan BHXH sẽ căn cứ quá trình đóng BHXH và mức thâm niên nghề được ghi nhận trên sổ BHXH, quy định của chính sách tại thời điểm Ông nghỉ hưu để giải quyết chế độ hưu trí.
Câu 18: Bạn đọc từ nguyenminhhoa0110@gmail.com hỏi:
Anh chị vui lòng cho em hỏi về số tiền trợ cấp thai sản của em khi nào nhận được? Vì tính đến thời điểm này, ngày 07/5/2018 thì em đã nộp hồ sơ xin trợ cấp thai sản được gần 2 tháng (tức khoảng ngày 10/02/2018) thì công ty em đã nộp hồ sơ cho bên bảo hiểm) và cách đây khoảng 3 tuần thì công ty em có nhận được thư thông báo của cơ quan bảo hiểm xã hội về số tiền thai sản em nhận được. Nhưng hôm nay em vẫn chưa được thông báo gì về việc khi nào em nhận được số tiền đó.
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 102 Luật BHXH thì: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để nộp cho cơ quan BHXH và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi đơn vị Bạn đóng BHXH để xác minh việc cơ quan BHXH đã chuyển tiền về công ty chưa. Trường hợp cơ quan BHXH đã chuyển tiền nhưng công ty chưa chi trả thì lỗi thuộc công ty. Nếu cơ quan BHXH chưa chuyển tiền thì bạn thông báo lại để BHXH Việt Nam có biện pháp chấn chỉnh.
Câu 17: Bạn đọc từ langkim89@gmail.com hỏi:
Vợ mình tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 3/2013 đến tháng 11/2013. Tháng 12/2013 thì sinh em bé. Nhưng chưa được hưởng trợ cấp thai sản (Bây giờ chuyển sang công ty khác mới biết là công ty cũ đóng bảo hiểm từ tháng 3/2013). Vậy bây giờ mình có thể làm hồ sơ để được truy hưởng phần trợ cấp đó không? Và thủ tục, hồ sơ cần những gì?
Điểm a khoản 1 Điều 92 Luật BHXH năm 2006 quy định: Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của người lao động 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; trong đó người sử dụng lao động giữ lại 2% để trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức BHXH.
Như vậy, những trường hợp vợ bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản từ năm 2013 mà chưa được thanh toán tiền trợ cấp thai sản kịp thời thuộc về trách nhiệm của công ty nơi vợ bạn làm việc khi sinh con.
Do câu hỏi của Bạn không nêu rõ tại thời điểm sinh con vợ Bạn đã nghỉ việc ở Công ty hay chưa, Bạn đã nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho đơn vị sử dụng lao động chưa nên BHXH Việt Nam không có đủ căn cứ để trả lời cụ thể. Đề nghị Bạn liên hệ với đơn vị sử dụng lao động nơi vợ Bạn làm việc trước khi sinh con để được làm rõ quyền lợi về BHXH. Trường hợp vợ bạn thôi việc trước thời điểm sinh con, Bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được trả lời cụ thể.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con theo quy định tại Khoản 2 Điều 113 Luật BHXH năm 2006 là Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con; trường hợp vợ bạn đã thôi việc trước khi sinh con thì có thêm sổ BHXH.
Câu 16: Bạn đọc từ mail lam-hn@sae-a.com hỏi:
Tôi tên là: Nguyễn Thị Lâm. Sáng ngày 17/03/2018, tôi có gọi điện cho anh Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc BHXH tỉnh Tuyên Quang trình bày về việc thay đổi thông tin sổ BHXH, cụ thể là thay đổi năm sinh của trường hợp Lý Thị Giang, số sổ BHXH 0812.002.401.
Thông tin năm sinh trên sổ: 04/06/1987
Thông tin cần thay đổi: 04/06/1988
Tôi xin trình bày lại sự việc như sau:
- Khoảng thời gian trước tết âm lịch 2018 (tháng 12.2017), chị Lý Thị Giang mang hồ sơ đến nộp ở bộ phận 1 cửa gồm: Mẫu TK1-TS, bản chứng thực giấy khai sinh (sinh ngày 04/06/1988), bản chứng thực CMND (sinh ngày 04/06/1988) đề nghị điều chỉnh năm sinh theo căn cứ điều chỉnh cung cấp là giấy khai sinh và CMND.
- Một thời gian sau đó (không nhớ chính xác bao nhiêu ngày), bộ phận một cửa – Chị Phúc gọi điện cho chị Lý Thị Giang yêu cầu đến lấy lại hồ sơ vì hồ sơ bị từ chối giải quyết (có nói rõ lý do từ chối)
- Sau đó, tôi có gọi điện cho cán bộ quản lý - chị Hạnh để được giải thích cụ thể thêm một lần nữa, chị Hạnh trả lời hồ sơ vô lí vì điều chỉnh lại căn cứ vào hồ sơ cũ hơn so với hồ sơ đã dùng để cấp sổ.
Cụ thể, hồ sơ đã dùng để cấp sổ là CMND sinh ngày 04/06/1987 cấp năm 2006
Hồ sơ hiện tại dùng làm căn cứ điều chỉnh là CMND sinh ngày 04/6/1988 cấp năm 2005
Vậy, tôi có hỏi chị Hạnh trường hợp này thì phải giải quyết thế nào, chị Hạnh trả lời phải khắc phục điểm vô lí đó. Tôi có nói cụ thể là tôi sẽ làm lại CMND mới nhất để làm căn cứ điều chỉnh cho hợp lí.
- Ngày 12/03/2018, chị Lý Thị Giang sau khi đã cấp lại CMND mới nhất sinh ngày 04/06/1988 và đến nộp hồ sơ xin điều chỉnh thông tin sổ BHXH ở bộ phận một cửa thì cán bộ tiếp nhận là chị Phúc từ chối tiếp nhận hồ sơ với lí do: BHXH tỉnh Tuyên Quang không làm sai nên không nhận điều chính và người lao động làm sai ở đâu thì về đó điều chỉnh.
Tôi xin phép hỏi BHXH Việt Nam như sau:
1. Bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Tuyên Quang trả lời từ chối nhận hồ sơ ngày 12/03/2018 như vậy có đúng không? Căn cứ theo điều 27 và điều 32 của quyết định 595, tôi được biết là người lao động có thể làm việc trực tiếp với cơ quan BHXH để điều chỉnh thông tin sổ BHXH.
2. Trường hợp Lý Thị Giang như trên có thể điều chỉnh năm sinh trên sổ BHXH được không? Cần phải làm thêm những thủ tục gì để điều chỉnh được?
1. Tại Tiết b, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 33 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định Quy trình cấp lại sổ BHXH đối với người tham gia BHXH bắt buộc như sau: “Người đang làm việc nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc nộp thông qua đơn vị nơi đang làm việc; Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH nộp cho cơ quan BHXH”. Trường hợp của Bạn đề nghị cấp lại, điều chỉnh năm sinh đã ghi trên sổ BHXH có thể nộp cho bất kỳ cơ quan BHXH nào. Việc Bạn nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh năm sinh tại BHXH tỉnh Tuyên Quang là đúng quy định hiện hành.
2. Thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do thay đổi năm sinh đối với người tham gia được quy định tại Tiết a, Điểm 2.1, Khoản 2, Điều 27 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam gồm: “Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh do cơ quan có thẩm quyền về hộ tịch cấp theo quy định và Chứng minh thư/Thẻ căn cước/Hộ chiếu. Trường hợp là đang viên theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.
Câu 15: Bạn đọc từ mail ng.minhphuong0609@gmail.com hỏi:
Cho em hỏi là hiện tại em đã bảo lưu kết quả học tập tại trường đại học và vẫn chưa đi làm vậy em có thể mua bảo hiểm xã hội tự nguyện được không?
Theo quy định người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật. Trường hợp của Bạn, đang đi học tại trường đại học hiện tại đã bảo lưu và vẫn chưa đi làm nên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, trường hợp là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên thì Bạn có thể đến cơ quan BHXH để được tư vấn nộp hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện.
Câu 14: Bạn đọc từ mail chithienkute@gmail.com hỏi:
Tôi tên Trần Chí Thiện, CMND số 362364603. Lúc trước tôi làm ở 1 công ty tại Tp.HCM được 6 tháng, nhưng khi nghỉ làm việc tại đó tôi đã không lấy sổ bảo hiểm xã hội. Tôi tiếp tục đến Bình Dương làm việc và đóng BHXH đã được gần 8 năm. Vậy sau này tôi muốn rút tiền BHXH thì có cần phải trở lại công ty cũ ở TP.HCM để lấy sổ cũ đã đóng 6 tháng kia không, hay chỉ cần sổ BHXH của công ty mới đóng được gần 8 năm thôi?
Tại Khoản 4, Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới”. Vì vậy, Bạn liên hệ với đơn vị cũ để nhận sổ BHXH, sau đó nộp tất cả các sổ BHXH cho đơn vị đang tham gia BHXH để làm thủ tục gửi cơ quan BHXH gộp sổ BHXH.
Câu 13: Bạn đọc từ mail khanhkhai0405@gmail.com hỏi:
Trước đây tôi làm ở doanh nghiệp tại Bình Định nhưng do nợ lương nên chưa chốt được sổ BHXH. Sau đó tôi chuyển lên làm trên Đà Lạt, giờ tôi muốn xin chốt tại đơn vị ở Đà Lạt thì có phương án nào giúp người lao động không?
Theo quy định tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH”. Vì vậy, để có căn cứ xác nhận tổng thời gian đóng BHXH tại 02 đơn vị, Bạn liên hệ và đề nghị công ty cũ tại Bình Định làm thủ tục nộp cơ quan BHXH để xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH.
Câu 12: Bạn đọc từ mail phamthiphuong76868@gmail.com hỏi:
Cho em được hỏi là em ký hợp đồng lao động và bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội vào ngày 01/11/2016 và tới ngày 01/7/2018 em ngưng đóng bảo hiểm xã hội. Vậy em đóng được 1 năm 8 tháng, cho em hỏi là em có được làm tròn lên thành 2 năm không? Và lương hiện tại của em là 4.780.000đ thì em lãnh được khoảng bao nhiêu tiền bảo hiểm xã hội (1 năm 8 tháng).
Tại Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH, Khoản 4 Điều 19 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định:
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
Khi tính mức hưởng BHXH một lần trong trường hợp thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
Như vậy, trường hợp của Bạn nếu có thời gian đóng BHXH là 1 năm 08 tháng thì được tính tròn là 02 năm đóng BHXH. Do Bạn không nêu cụ thể về tiền lương tháng đóng BHXH của từng tháng từ tháng 11/2016 đến khi bạn ngưng đóng BHXH và chưa xác định được thời điểm Bạn sẽ hưởng BHXH 1 lần nên chưa tính được chính xác mức hưởng BHXH 1 lần của Bạn. Khi Bạn đủ điều kiện hưởng BHXH 1 lần, Bạn cung cấp hồ sơ đến cơ quan BHXH nơi Bạn cư trú để được tính toán cụ thể mức hưởng.
Câu 11: Bạn đọc từ email leenhitran2014@gmai.com hỏi:
Em đóng BHXH từ năm 2012 đến 2013 ở Bắc Ninh, sau đó em nghỉ việc và chưa hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến năm 2016 thì em dùng sổ BHXH đó đóng tiếp ở Hà Nội nơi công ty em đang làm việc. Anh chị cho em hỏi nếu như trong trường hợp em nghỉ việc ở công ty này và đăng ký hưởng chế độ BH thất nghiệp thì em có được tính cả quá trình đóng ở hai nơi không?
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 45 Luật Việc làm thì : “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Như vậy, trường hợp của bạn nếu đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2012 đến 2013 ở Bắc Ninh mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì sẽ được cộng với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở Hà Nội để tính hưởng chế độ thất nghiệp sau này.
Câu 10: Bạn đọc từ mail luckystar12012010@gmail.com hỏi:
Tôi muốn biết về điều kiện nhận BHXH một lần? Tôi đóng BHXH được 14 tháng sau đó nghỉ làm tôi không đóng BHXH nữa. Vậy tôi có được nhận BHXH 1 lần không? Và cách tính như thế nào?
Theo quy định pháp luật về BHXH hiện hành, người lao động tham gia BHXH bắt buộc mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đối với người lao động nói chung là đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (riêng lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Câu 9: Bạn đọc từ mail myle.bui57@gmail.com hỏi:
Em tôi tham gia BHXH bắt buộc tại Công ty từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018 là tròn 05 tháng. Tháng 3/2018 Công ty thông báo phá sản và báo giảm bảo hiểm xã hội. Vậy trong trường hợp này em tôi có được hưởng 100% tiền hỗ trợ thai sản và bảo hiểm y tế khi sinh không?
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
Tại Tiết b, Khoản 4 Điều 18 Luật BHXH năm 2014 quy định hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con.
Trường hợp của em bạn, có thời gian tham gia BHXH bắt buộc tròn 05 tháng, không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản và cũng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm y tế.
Câu 8: Bạn đọc từ mail nataly.nguyen288@gmail.com hỏi:
Em có đóng BHXH 3 tháng từ tháng 9/2015 đến tháng 11/2015 tại Công ty Cổ phần hóa dầu quân đội, tại cơ quan BHXH quận Hoàn Kiếm Hà Nội, với mức lương 3.427.000/tháng.
Và sau đó tạm không đóng nữa, nhưng từ tháng 4/2017 đến nay em có đóng BHXH tại Công ty TNHH điện máy Chigo Việt Nam, cơ quan đóng BHXH tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, với mức lương 4.800.000/tháng (em có lên mạng check của bảo hiểm trong Sài Gòn thì mới hiển thị đến tháng 8/2017).
Hiện nay em dự kiến sinh vào ngày 30/7/2018, vì thế em muốn hỏi:
1. Nếu dự kiến xin nghỉ việc làm tại Công ty Chigo vào cuối tháng 5 thì em có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu có thì được hưởng với mức như thế nào?
2. Vì sao trên mạng lại chỉ hiển thị đến tháng 8/2017, mặc dù tháng nào em cũng đóng, liệu có phải do hệ thống điện tử chưa kịp cập nhật không? Có cách nào để kiểm tra được cụ thể hơn không?
3. Nếu ví dụ em muốn nghỉ từ đầu tháng 5 thì em có được hưởng chế độ thai sản không? Hay chỉ được phép nghỉ trước sinh 2 tháng và phải đóng bảo hiểm đủ 1 năm mới được hưởng?
4. Nếu em được hưởng thì em cần chuẩn bị những thủ tục gì?
1. Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là: Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Điểm a, Khoản 1, Điều 39 Luật BHXH năm 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản là: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.
Đối chiếu với quy định nêu trên, nếu bạn có thời gian đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì bạn được giải quyết chế độ thai sản khi sinh con và mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
2. Bạn trình bày bạn đã đóng BHXH từ tháng 4/2017 đến nay nhưng trên dữ liệu thu chỉ cập nhật đến tháng 8/2017, mặc dù tháng nào bạn cũng đóng. Việc này có thể là do đơn vị bạn nợ BHXH nên dữ liệu mới cập nhật đến tháng 8/2017. Nếu bạn muốn kiểm tra cụ thể hơn về việc đóng BHXH, đề nghị bạn truy cập vào địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tracuudongbaohiem.aspx để nắm được thông tin. Tuy nhiên, để có thông tin chính xác đề nghị Bạn liên hệ với trung tâm dịch vụ khách hàng BHXH Việt Nam qua số điện thoại 1900969668.
3. Nội dung bạn hỏi ở điểm này đã được trả lời ở điểm 1.
4. Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế đối với trường hợp lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Câu 7: Bạn đọc từ mail canthovietha@gmail.com hỏi:
Tôi tên Phạm Việt Hà, giới tính Nam, sổ BHXH số 6507000713 xin được hỏi
1. Tôi muốn làm thủ tục nghỉ hưu trước tuổi (55 tuổi, đủ thời gian lao động nặng) thì quy trình, thủ tục như thế nào?
2. Xin các biểu mẫu làm hồ sơ.
3. Xin đăng ký giao dịch điện tử qua mạng BHXH có được không?
1. Về hồ sơ và quy trình:
Theo quy định hiện hành, hồ sơ hưởng chế độ hưu trí được quy định như sau:
a- Đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: Sổ BHXH, Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt HĐLĐ hưởng chế độ hưu trí, Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS đối với người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
b- Đối với người lao động đang tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia BHXH (gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù), bao gồm: Sổ BHXH, Đơn đề nghị hưởng lương hưu, Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động, Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian bắt đầu chấp hành hình phạt tù từ năm 2016 trở đi, Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.
Về quy trình giải quyết hưởng chế độ hưu trí như sau:
- Người đang đóng BHXH bắt buộc: Nộp hồ sơ theo quy định và cung cấp cho người sử dụng lao động các thông tin về địa chỉ nơi nhận lương hưu, nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu, thông tin về tài khoản cá nhân khi yêu cầu nhận lương hưu qua tài khoản thẻ;
- Người tham gia BHXH tự nguyện, người bảo lưu thời gian đóng BHXH: Nộp hồ sơ theo quy định và cung cấp các thông tin trên cho BHXH huyện hoặc BHXH tỉnh nơi cư trú.
Đề nghị Ông đối chiếu quy định trên với trường hợp cụ thể của mình để nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động (nếu Ông đang đóng BHXH) hoặc cho BHXH huyện hoặc BHXH tỉnh nơi cư trú (nếu Ông thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH) để được xem xét, giải quyết.
2. Về biểu mẫu hồ sơ: Ông có thể liên hệ với BHXH quận, huyện nơi đơn vị Ông đang đóng BHXH hoặc BHXH quận, huyện nơi Ông cư trú để được cung cấp.
3. Về đăng ký giao dịch điện tử qua mạng BHXH
Tại Điều 7, Quyết định số 838/BHXH-CSXH ngày 29/5/2017 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam về ban hành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử như sau: “ Truy cập Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam để kê khai và gửi Tờ khai đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (mẫu số 01/ĐK-GD) hoặc gửi bản giấy tới cơ quan BHXH;Trường hợp cá nhân chưa có chữ ký số đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử để hưởng các chế độ BHXH phải đến cơ quan BHXH để đăng ký, đối chiếu thông tin theo hướng dẫn của cơ quan BHXH”. Ngoài ra, Ông có thể liên hệ với Trung tâm dịch vụ khách hàng BHXH Việt Nam qua số điện thoại 1900969668.
Câu 6: Bạn đọc từ mail thanhlongtcna86@gmail.com hỏi:
Em có làm cho một công ty và có hợp đồng đào tạo nước ngoài, em chưa thực hiện hết hợp đồng mà nghỉ ngang và công ty đã giữ Sổ BHXH và không trả lại cho em.
Xin cho em hỏi có cách nào để lấy lại sổ không? Và công ty có quyền giữ sổ BHXH của người lao động không? Có thể lên cơ quan bảo hiểm xã hội báo mất và làm lại được không?
Tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ đơn vị sử dụng lao động để làm thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH và trả sổ BHXH nếu Bạn chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Câu 5: Bạn đọc từ mail tranthihien41093@gmail.com hỏi:
Em có một thắc mắc muốn hỏi là trước em tham gia BHXH ở công ty cũ nhưng do công ty đó ghi sai số chứng minh thư của em, hiện em đóng được hơn 5 năm ở công ty đó và giờ em muốn chuyển qua công ty mới để đóng, em muốn đóng tiếp vào sổ cũ nhưng số chứng minh thư bị sai như vậy thì có ảnh hưởng gì không?
Cụ thể, số CMT đúng của em là 168372465 nhưng công ty lại đóng thành 168372462.
Mong anh chị tư vấn giúp em!
Trường hợp của Bạn, do công ty cũ đăng ký sai số CMND nên không phải cấp lại sổ BHXH và không ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH sau này. Vì vậy, khi tham gia BHXH tại đơn vị mới, đề nghị Bạn lập Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) ghi đúng số CMND để điều chỉnh thông tin trên phần mềm quản lý.
Câu 4: Bạn đọc từ mail ngocchautk1990@icloud.com hỏi:
Em có một sổ bảo hiểm xã hội đóng được 6 tháng, từ năm 2010. Đến nay, em được làm tại một công ty khác và đóng sổ BHXH mới. Vậy cho em hỏi sổ bảo hiểm xã hội được đóng trước đó còn sử dụng được không?
Tại Khoản 4, Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: “Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới”. Vì vậy, đề nghị Bạn nộp tất cả các sổ BHXH cho đơn vị đang tham gia BHXH để làm thủ tục gửi cơ quan BHXH gộp sổ BHXH.
Câu 3: Bạn đọc từ mail quyettx@ngvgroup.vn hỏi:
Em xin hỏi, em có 1 sổ bảo hiểm xã hội nhưng hiện tại em tra cứu thì lại có 2 nơi cùng đóng trên 1 số sổ đó. Vậy em phải làm sao để cắt 1 nơi đi không?
Tại tỉnh Thái Bình thì đơn vị cũ em công tác họ vẫn đóng từ năm 2013 đến nay, còn từ năm 2016 em chuyển về Hà Nội thì nơi em công tác họ lại đóng cho em bắt đầu từ tháng 7 năm 2016 cho đến nay.
Tại Khoản 5, Điều 21 Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014 quy định Trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau: “Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, đề nghị Bạn liên hệ đơn vị cũ để làm thủ tục báo giảm lao động và xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm chấm dứt HĐLĐ ở đơn vị cũ đảm bảo không trùng với thời gian đã tham gia BHXH tại đơn vị mới.
Câu 2: Bạn đọc từ mail nguyenmanh01091984@gmail.com hỏi:
Làm ơn cho em hỏi em đã có quyết định nghỉ việc từ 20 tháng 02 năm 2018, em nghỉ việc đúng pháp luật. Theo luật thì sau 7 ngày làm việc là công ty phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho em. Trường hợp đặc biệt là 30 ngày, nhưng em không có nợ gì công ty cả như vậy là không phải trường hợp đặc biệt phải không?
Vậy công ty than khe Chàm - TKV lại bảo là nhanh nhất là 1 tháng sau vì còn chờ bên BHXH tỉnh chốt sổ bảo hiểm như vậy là đúng hay sai?
Mong BHXH trả lời giúp em ạ!
Tại Khoản 4, Điều 29 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định thời hạn giải quyết hồ sơ: “Xác nhận sổ BHXH: không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định”. Vì vậy, Bạn liên hệ với Công ty Than khe chàm-TKV đề nghị làm thủ tục gửi cơ quan BHXH để xác nhận và trả sổ BHXH đúng thời gian quy định.
Câu 1: Bạn đọc từ mail tranchau19091999@gmail.com hỏi:
Cho em hỏi, lúc trước em đi làm tại công ty điện tử Việt Hoa Đà Nẵng. Theo công ty thì sau 1 tháng được kí hợp đồng chính thức và em cũng đã làm những thủ tục để tham gia BHXH. Nhưng làm chưa đầy 1 tháng chưa kí hợp đồng thì em xin nghỉ việc. Vậy cho em hỏi như vậy em đủ điều kiện đã có sổ bảo hiểm xã hội chưa?
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014. Trường hợp của Bạn đi làm tại Công ty điện tử Việt Hoa, Đà Nẵng chưa được 01 tháng thì nghỉ việc và Bạn cũng chưa được ký kết HĐLĐ với người sử dụng lao động. Vì vậy, Bạn không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên chưa được Công ty điện tử Việt Hoa, Đà Nẵng làm thủ tục cấp sổ BHXH.
.