Giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội
23/05/2018 02:30 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 125.000 người đang điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) trên tổng số khoảng 210.000 người sống chung với HIV, đạt tỷ lệ 58% số người nhiễm.
Diễu hành tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại Điện Biên.
Bộ Y tế vừa triển khai Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018. Chương trình gồm 8 dự án: 1 “Phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến”; 2. “Tiêm chủng mở rộng”; 3. “Dân số và phát triển”; 4. “An toàn thực phẩm”; 5. “Phòng chống HIV/AIDS”; 6. “Bảo đảm máu an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học”; 7. “Quân dân y kết hợp” và 8. “Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, nhờ các chương trình mục tiêu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản như thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh… Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chương trình cũng đặt mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Góp phần nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu, phòng chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học; khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Chương trình được triển khai nhằm duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng…
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số nhưng yêu cầu phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch 5 năm, chia theo từng năm. Giai đoạn 2011-2015, để đạt được mục tiêu của Chương trình, kinh phí chủ yếu được bố trí từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí Trung ương chủ yếu bố trí cho các hoạt động ưu tiên gồm: Vaccine, vật tư tiêm chủng, thuốc, hóa chất, phương tiện tránh thai, chi cho công tác an toàn thực phẩm…
Các hoạt động chuyên môn khác (khám sàng lọc, tư vấn xây dựng mô hình điểm, quản lý đối tượng, biên soạn tài liệu, diễn tập, triển khai chiến dịch…) giảm tối đa kinh phí thực hiện do khả năng ngân sách hạn chế và chuyển một số nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm.
Thời gian tới, các địa phương lưu ý xây dựng dự toán chi từ ngân sách địa phương bảo đảm hoạt động của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Kinh phí Chương trình mục tiêu không thuộc đối tượng được xét chuyển nguồn sang năm sau.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí ngân sách chi theo qui định định mức phân bổ theo hướng dành tối thiểu 30% cho y tế dự phòng và khoảng 30 - 40% cho trạm y tế xã…
Về điều trị HIV/AIDS, với việc tăng nhanh độ bao phủ số người nhiễm HIV được điều trị ARV, Việt Nam đang nằm trong tốp đầu các quốc gia áp dụng các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tiêu chuẩn bắt đầu liệu pháp điều trị bằng thuốc ARV mà Việt Nam đã áp dụng là điều trị ngay không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4. Mặc dù, Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm việc chăm sóc, điều trị HIV ở điều kiện tốt nhất theo khuyến cáo của WHO./.
Theo Tiếng chuông